Dịch bệnh có nguy cơ lây lan rộng

Thứ sáu, 31/12/2021 09:27

Dù các đơn vị, địa phương đã có nhiều cố gắng và nỗ lực nhưng trước diễn biến phức tạp, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn Đà Nẵng chưa thể được kiểm soát và đang đứng trước nguy cơ lây lan rộng.

Xét nghiệm sàng lọc COVID-19.

Đà Nẵng ghi nhận thêm 185 ca COVID-19, 84 ca cộng đồng

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP cho biết, trong ngày 30-12, Đà Nẵng ghi nhận 185 ca gồm 10 ca cách ly tập trung, 80 ca cách ly tạm thời tại nhà, 11 ca trong khu phong tỏa và 84 ca cộng đồng. Các ca cộng đồng được phát hiện khi đến khám, xét nghiệm tại các cơ sở y tế như: Trung tâm Y tế Q. Hải Châu (2 ca); Trung tâm Y tế Q. Thanh Khê (4 ca); trạm y tế các phường, xã (21 ca); Bệnh viện 199, Bộ Công an (7 ca); Bệnh viện Gia đình (2 ca); Bệnh viện Hoàn Mỹ (8 ca); Bệnh viện Tâm Trí (2 ca); Bệnh viện C Đà Nẵng (1 ca); Bệnh viện Đà Nẵng (1 ca); Bệnh viện Vinmec (1 ca); Trung tâm Y tế Q. Cẩm Lệ (3 ca); Phòng khám Thiện Nhân (10 ca); Phòng khám Thiện Phước (5 ca); Trung tâm Y khoa Phúc Khang (3 ca); Trung tâm Y tế Q. Liên Chiểu (2 ca); Trung tâm Y tế Q. Sơn Trà (1 ca). Ngoài ra, có 1 ca lấy mẫu lực lượng phòng, chống dịch P. Hòa Quý; 1 ca lấy mẫu thí sinh dự thi viên chức giáo dục Q. Liên Chiểu; 6 ca xét nghiệm cho Công ty VINACONEX và 2 ca lấy mẫu định kỳ tại Công ty Hữu nghị.

Bác sĩ Tôn Thất Thạnh – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố nhìn nhận, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Đà Nẵng đang có nguy cơ cao. Trung bình mỗi ngày thành phố phát hiện trên dưới 200 ca. Hầu hết các địa phương đều có ca mắc ở mức cao. Trong đó, các điểm nóng hiện nay bao gồm: Công ty Việt Hoa, Công ty thủy sản miền Trung, Công ty Gia Trường Phúc, chợ đầu mối Hòa Cường, chung cư Hòa Khánh Bắc, kiệt 264 Trần Cao Vân… Ngoài ra, dịch bệnh cũng đã lây lan đến các cơ sở y tế như Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Mắt.

Ông Lê Tự Gia Thạnh - Chủ tịch UBND Q. Hải Châu cho biết, ngay sau khi phát hiện các ca bệnh mới trên địa bàn, quận đã chỉ đạo các phường cũng như các đơn vị liên quan quyết liệt triển khai các biện pháp khoanh vùng, dập dịch. Theo ông Thạnh, liên quan đến điểm nóng ở chợ đầu mối Hòa Cường, hiện nay đã phát hiện hơn 30 F0. Trong đó, có một nửa số ca bệnh sinh sống tại Quảng Nam. “Khi phát hiện trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, quận đã thống nhất với Ban Quản lý chợ cho dừng hoạt động khu vực chợ lộ thiên gần một tuần qua. Riêng ở khu vực bên trong chợ chính, đã cho dừng hoạt động ở những khu vực có F0, đồng thời thông báo cho những người buôn bán, bốc xếp, phụ việc… cần phải có xét nghiệm âm tính trong 72 giờ mới cho vào chợ. Thời gian tới, quận sẽ tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh, trong trường hợp tiếp tục phát hiện ca nhiễm mới, quận sẽ có biện pháp xử lý phù hợp”, ông Thạnh nói.

Trong khi đó, theo lãnh đạo Q. Thanh Khê, trong 10 phường trên địa bàn quận hiện P. Xuân Hà đang ở cấp độ 3, 8 phường còn lại ở cấp độ 2, 1 phường cấp độ 1 và toàn quận ở cấp độ 2. Riêng P. Tam Thuận cũng đang có nguy cơ cao, nếu số ca nhiễm mới tiếp tục tăng, quận sẽ nâng cấp độ dịch của phường lên cấp độ 3.

So với các địa phương khác, khó khăn trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch của Q. Thanh Khê là dịch bệnh tiếp tục đánh vào những kiệt, hẻm nhỏ, có nguy cơ lây lan cao. “Ngay sau khi phát hiện ca bệnh mới nằm trong các kiệt hẻm, cụ thể như ở kiệt 264 Trần Cao Vân, quận đã tiến hành khoanh vùng, lập các chốt phong tỏa và lấy mẫu xét nghiệm để sàng lọc các trường hợp F0. Kiệt này hiện có 70 hộ, 241 khẩu. Để phòng ngừa dịch, quận cũng đã tổ chức triển khai đến tận nhà tiêm vét vaccine phòng COVID-19 cho người dân không thể đi lại được. Qua thống kê, đã có 89 trường hợp được tiêm. Hiện nay quận cũng đang tiếp tục rà soát, lập danh sách tiêm sớm nhất cho 959 trường hợp từ các địa phương khác về”, lãnh đạo quận Thanh Khê cho hay.

Ngoài ra, tại Q. Cẩm Lệ, sau thời gian yên ắng, dịch bệnh cũng đã xuất hiện và lan rộng trên địa bàn quận. Theo ông Hồ Văn Khoa - Chủ tịch UBND Q. Cẩm Lệ, dịch bệnh đã đánh vào các khu chung cư nên nguy cơ lây lan cao. Trong số đó có những ca bệnh không xác định rõ nguồn lây. Thời gian đến, quận sẽ tiếp tục đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19 song song với công tác khoanh vùng, xét nghệm nhanh để dập dịch.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến nhận địch, hiện nay, bất cứ cơ quan, đơn vị nào cũng có thể xuất hiện ca mắc mới. Điều quan trọng nhất người dân phải làm là tuân thủ nghiêm quy định 5K để tự bảo vệ mình và cộng đồng. Lãnh đạo TP cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung nguồn lực, giải pháp để xử lý các khu vực có nguy cơ; chủ động triển khai kế hoạch tiêm vaccine, điều trị bệnh nhân, xét nghiệm trong giai đoạn mới.

 “Các đơn vị, địa phương phải áp dụng các biện pháp mạnh để xử lý dứt điểm các ổ dịch; tuyệt đối không để các ổ dịch bùng phát thành điểm nóng. Bây giờ hầu như tất cả người dân đều được tiêm vaccine phòng COVID-19 nên việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cũng có những điều kiện thuận lợi hơn trước đây. Tuy nhiên, nhiều khu vực trước đây đã phong tỏa để kiểm soát, khống chế dịch bệnh nay tiếp tục xuất hiện thêm các chuỗi lây nhiễm mới, dự báo rất phức tạp. Vì thế, các địa phương cần tập trung lực lượng cho các ổ dịch. Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương cần sớm triển khai nhanh chóng, đúng hướng các giải pháp phòng, chống dịch, hạn chế tối đa mức độ lây nhiễm chéo tại các khu vực phong tỏa”, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Thị Kim Yến nhấn mạnh.

PHI NÔNG