Đổi thay xóm đảo Bích Đầm
Đến đảo Bích Đầm (tỉnh Khánh Hòa) lần thứ 2 vào những ngày đầu tháng 12, điều gây ấn tượng với chúng tôi ngoài cảnh rất đẹp, nước biển xanh ngắt thì chính là sự đổi thay đến khó tin của vùng đất này. Kể từ ngày có điện, hòn đảo đã trở mình, giao thương, kinh tế phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.
Hoàng hôn trên Bích Đầm. |
Đảo Bích Đầm được gọi tên theo làng chài xưa cũ đã hình thành ở hòn đảo cách đây hàng trăm năm trước. Tuy ở đảo nhưng nơi này vẫn được gọi là tổ dân phố bởi thực tế xóm đảo này thuộc địa bàn phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang. Đảo Bích Đầm nằm trong hệ thống quần thể Vịnh Nha Trang, cách đất liền không xa chỉ mất hơn 1 giờ đồng hồ để di chuyển bằng tàu, thuyền. Mỗi ngày, chỉ có duy nhất một chuyến tàu rời đảo để đưa người dân vào bờ từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa sẽ quay trở về. Nơi cập bến của chuyến tàu là cảng Cầu Đá, cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 5 km về phía Nam.
Cô giáo mầm non Dương Thị Thọ người có hơn 20 năm gắn bó với đảo Bích Đầm cho biết, 20 năm trước khi cô đến vùng đất này dạy học, nơi đây còn hoang sơ, nhà cửa không được khang trang như bây giờ. Cả đảo không có cái máy phát điện, tất cả đều thắp đèn dầu leo lét, nhà có điều kiện nhất của đảo này cũng chỉ thắp ánh sáng bằng bình ắc quy. “Số lượng trẻ biết chữ lúc đó ít lắm; ốm đau bệnh tật cũng tự chữa ở nhà. Ngày nay đảo đã có ánh sáng điện, có trường học và điểm trạm xá (điểm này làm chức năng đỡ đẻ là chủ yếu, người dân ốm đau đều phải nhờ vào các Y sĩ Đồn Biên phòng Bích Đầm, nặng hơn thì được chuyển vào đất liền), nhờ đó đời sống người dân cũng được nâng cao”, cô Thọ chia sẻ.
Chị Võ Thị Tuyết Lan, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, thông tin thêm trong các lĩnh vực đầu tư, giáo dục dành cho trẻ ở đảo được quan tâm đúng mức. Trên đảo hiện có điểm trường Bích Đầm (Trường Tiểu học Vĩnh Nguyên 3) dạy từ lớp 1 đến lớp 5; ngoài ra giáo dục tiếng Anh cũng được chú trọng phát triển. Năm 2019, lớp học dạy phổ cập tiếng Anh miễn phí do các chú bộ đội đứng lớp được ra đời, thu hút hàng chục học sinh tham gia học vào ban đêm. Ông Nguyễn Hòa, Tổ trưởng tổ dân phố Bích Đầm thừa nhận, điều kiện kinh tế của người dân đảo còn khó khăn. Điểm trường Bích Đầm lại chưa dạy tiếng Anh nên các cháu học hết lớp 5 phải vào đất liền học tiếp trung học cơ sở, rất chật vật với môn này. Vì thế, trước đây nhiều cháu học hết tiểu học là nghỉ, ngày nay nhiều cháu tự tin tiếp tục học lên các lớp cao hơn.
Trung tá Nguyễn Hồng Lam, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bích Đầm chia sẻ, lớp học tiếng Anh miễn phí được mở tại Đồn Biên phòng Bích Đầm nhằm giúp học sinh trên đảo làm quen với tiếng Anh, để có thể bắt kịp các bạn khi vào học trung học cơ sở ở đất liền. "Ngoài việc quan tâm đến việc học cho các cháu nhỏ, các công việc khác cũng được các cán bộ, chiến sỹ trong Đồn sẵn sàng giúp đỡ người dân với phương châm: “tình quân dân như cá với nước”.
Theo đánh giá của chính quyền địa phương, tỷ lệ bỏ học của học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 rất thấp, đối với học sinh bậc trung học phổ thông có ý định nghỉ học, các tổ chức hội đoàn thể sẽ tiến hành đến nhà vận động. “Lúc trước điều kiện kinh tế khó khăn nên phụ huynh cho con ở nhà để bám biển, ngày nay đủ đầy nên gia đình nào cũng muốn cho con theo cái chữ”, chị Võ Thị Tuyết Lan nhấn mạnh.
Đảo Bích Đầm có 240 hộ dân, sống khá tập trung, bởi địa hình của đảo phía trước là biển, sau lưng là đồi núi. Hầu hết các hộ dân nơi đây đều sống bằng nghề đánh bắt thủy sản gần bờ. Những năm 2010, tại đây nở rộ phong trào nuôi tôm hùm lồng, cá biển nhờ đó nhiều hộ dân đổi đời, có “của ăn của để”, xây dựng nhà cửa khang trang. Tuy nhiên, chỉ vài năm sau đó, dịch bệnh đã khiến nhiều người mất trắng, nợ ngân hàng đến nay vẫn đang còn khất. “Chúng tôi bây giờ đi thu tiền lãi các hộ vay là chủ yếu, tiền nợ gốc vẫn còn nhiều người nợ ngân hàng cả chục năm nay chưa trả được do làm ăn thua lỗ”, ông Nguyễn Hòa cho hay.
Biển càng ngày càng ít cá, người dân làm nghề mỗi ngày một khó khăn. Do đó khi du lịch phát triển đến vùng đất này, nhiều hộ dân mạnh dạn mở dịch vụ ăn uống, hướng dẫn du khách tham quan tại đảo, chị em phụ nữ trên đảo cũng làm thêm nghề mành ốc để bán hàng lưu niệm, tăng thu nhập. Những tưởng con đường làm du lịch sẽ giúp người dân xóm đảo khá hơn, song dịch Covid-19 xảy ra, ngành du lịch Khánh Hòa điêu đứng, người dân trở về với nghề cũ, đời sống không ít khó khăn.
“Hàng năm, Hội Phụ nữ của phường đều thực hiện vận động các nguồn tài trợ để trao sinh kế làm ăn cho chị em hội viên trên đảo Bích Đầm. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, Hội cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động chị em thực hiện các chương trình đảo xanh, dọn dẹp vệ sinh ở biển và khu vực sinh sống nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ sức khỏe và đưa đời sống của chị em phụ nữ ở Bích Đầm ngày càng đi lên”, chị Võ Thị Tuyết Lan khẳng định.
Những năm qua, đảo Bích Đầm được nhà nước quan tâm đầu tư khá đồng bộ về cơ sở hạ tầng như giao thông nông thôn, trường học, trạm xá, nước sinh hoạt… Từ đó, Bích Đầm có thêm điều kiện phát triển kinh tế biển, chú trọng và khai thác có hiệu quả dịch vụ, du lịch, nhất là từ sau khi có điện. Năm 2008 đánh dấu mốc quan trọng trong việc thay đổi đời sống tinh thần của người dân. Tuy điện chỉ được phát sáng từ 17 giờ đến 21 giờ hàng ngày, nhưng đó cũng chính là khoảng thời gian học sinh có thể ôn bài đến trường, người lớn có thể xem ti vi, nghe đài và giải trí khác. Từ đây, người dân có thể yên tâm làm ăn, chung tay, chung sức xây dựng biển đảo quê hương thêm phần giàu đẹp.
Phan Sáu