Đối thoại Shangri-La 2024 vì an ninh và ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương
Đối thoại Shangri-La lần thứ 21 năm 2024 đã diễn ra từ ngày 31-5 đến ngày 2-6 tại Khách sạn Shangri-La ở Singapore. Sự kiện này thu hút khoảng 550 đại biểu đến từ 40 quốc gia trên thế giới cùng thảo luận về những thách thức an ninh nghiêm trọng mà khu vực và thế giới đang phải đối mặt. Trong hai ngày họp, các đại biểu sẽ tiếp tục chương trình với các phiên họp toàn thể và phiên họp đặc biệt, nổi bật là nội dung xoay quanh vai trò, quan điểm của Mỹ và Trung Quốc đối với an ninh khu vực, quản lý khủng hoảng, thực thi luật hàng hải và xây dựng lòng tin, chiến tranh mạng, hợp tác an ninh và hợp tác trong hoạt động nhân đạo…
Chiến lược hội tụ mới của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Sáng 1-6, các phiên họp toàn thể của Đối thoại Shangri-La lần thứ 21 đã bắt đầu bằng bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin về đối tác chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ông Lloyd Austin cũng tham gia phiên hỏi đáp ngay sau bài phát biểu.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nêu bật những tiến triển đạt được trong việc tăng cường an ninh, ổn định và tương lai của khu vực. Ông Austin khẳng định cam kết của Mỹ đối với sự tăng trưởng và thịnh vượng của khu vực, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu hợp tác trong việc giải quyết các thách thức an ninh và đầu tư vào các năng lực thúc đẩy an ninh và ổn định lâu dài.
Đáng chú ý, ông Austin nêu bật chiến lược hội tụ mới của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, theo đó tập hợp các quốc gia xung quanh các nguyên tắc và giá trị chung để đối phó với các mối đe dọa và thách thức, từ biến đổi khí hậu đến bóng ma của bệnh dịch, từ mối nguy hiểm hạt nhân đến chủ nghĩa khủng bố và bất ổn ở Trung Đông... Ông nhấn mạnh đến đạo luật CHIPS và coi đó là định nghĩa về một kỷ nguyên an ninh mới ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Theo ông Austin, mô hình "trung tâm và nan hoa" cho an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương giờ đây sẽ được thay thế bằng "sự hội tụ mới" của "tập hợp các sáng kiến và thể chế chồng chéo và bổ sung cho nhau, được thúc đẩy bởi một tầm nhìn chung và ý thức chung về nghĩa vụ chung". Ông Austin cũng nhấn mạnh nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và luật pháp quốc tế, cởi mở, minh bạch và trách nhiệm giải trình, phẩm giá bình đẳng cho mọi người và giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua đối thoại.
Sau phiên họp về Mỹ, các đại biểu đã tiếp tục bàn về quản lý khủng hoảng và hợp tác an ninh trong khu vực, được nghe những quan điểm đến từ lãnh đạo các nước Timor Leste, Pháp, Hàn Quốc, Campuchia, Australia, Liên minh châu Âu.
Trung Quốc khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong an ninh khu vực
Sáng 2-6, các phiên họp toàn thể đã kết thúc, khép lại Đối thoại Shangri-La lần thứ 21 với hàng loạt nội dung thảo luận thiết thực. Trong các nội dung đối thoại, phiên họp toàn thể thứ 5 về "Cách tiếp cận của Trung Quốc đối với an ninh toàn cầu" cũng như phần hỏi đáp sau đó đã thu hút sự chú ý rộng rãi của dư luận.
Trong bài phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân đã khẳng định chính sách "Một Trung Quốc", cam kết thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đẩy nhanh các cuộc tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), cam kết theo đuổi an ninh chung trong giải quyết các cuộc khủng hoảng Ukraine, Israel-Palestine, Bán đảo Triều Tiên, Afghanistan, Myanmar.
Ông Đổng Quân nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hòa bình và phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương thông qua đối thoại và tham vấn, bác bỏ mọi nỗ lực phá hoại sự ổn định của khu vực. Ông nêu bật nhu cầu về một trật tự quốc tế công bằng và bình đẳng hơn, tăng cường vai trò của Liên hợp quốc và thúc đẩy hợp tác quốc phòng cởi mở và thực chất. Ông khẳng định tầm nhìn của Trung Quốc về một tương lai hòa bình và toàn diện trong khu vực thông qua đối thoại, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau, với cam kết thúc đẩy quyền bình đẳng và cơ hội cho tất cả các quốc gia và giải quyết các vấn đề an ninh quốc tế một cách hòa bình. Theo ông Đổng Quân, các nước cần bảo vệ lợi ích an ninh kỹ thuật số của tất cả các quốc gia; Xây dựng một trật tự quốc tế công bằng và bình đẳng hơn; Phát huy đầy đủ cấu trúc an ninh khu vực, trong đó khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và cam kết thúc đẩy hợp tác quốc phòng với ASEAN.
Các phiên họp toàn thể tiếp theo cũng bàn về Kết nối an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Tái định hình giải pháp cho ổn định khu vực. Các đại biểu được nghe những quan điểm đến từ lãnh đạo các nước Thái Lan, New Zealand, Canada, Ukraine và Malaysia. Tối 1-6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tới Singapore trong nỗ lực thông qua diễn đàn Đối thoại Shangri-La để tìm kiếm sự ủng hộ hơn nữa đối với Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Kết thúc các phiên họp toàn thể thứ 7, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cũng có bài phát biểu khép lại Đối thoại Shangri-La lần thứ 21. Trong cuộc trò chuyện với báo chí trước đó, Bộ trưởng Ng Eng Hen nhấn mạnh chủ đề lặp đi lặp lại tại Đối thoại Shangri-La cho thấy các nước châu Á quyết tâm không để các cuộc xung đột, khủng hoảng nhân đạo ở châu Âu và Trung Đông diễn ra trong khu vực.
B.T (Theo TTXVN)