Đội tuyển Việt Nam - Đội tuyển Iraq chiều 21-11: Tiếp cận cách nào?
Iraq thật sự mạnh
Không chỉ khi Iraq vùi dập Indonesia 5-1 người ta mới nói đại diện Trung Đông mạnh. Khi kết quả bốc thăm xướng tên các đội tuyển ở bảng F, Iraq đã được chọn là ứng cử viên số 1 cho chiếc vé đâu tiên đi tiếp. Trong 3 cái tên còn lại, đội tuyển Việt Nam nhỉnh hơn ở bảng xếp hạng FIFA nhưng cũng dưới Iraq tới 28 bậc.
Trận ra quân, trên sân nhà đội tuyển Iraq thể hiện một thế trận áp đảo hoàn toàn Indonesia. Lối đá mạnh mẽ, tấn công đa dạng, cầu thủ có thể hình tốt nhưng rất linh hoạt, khéo léo và tốc độ. Nói chung, chỉ có thể nói Iraq “quá nhanh, quá nguy hiểm”. Dù thiếu vắng đội trưởng Amjad Attwan và các trụ cột Saad Natiq, Zidane Iqbal, Hameed, nhưng Iraq đến Mỹ Đình với dàn cầu thủ chất lượng đang thi đấu tại châu Âu, rải đều ở các tuyến. Đây là hình mẫu để một đội bóng áp dụng lối chơi tổng lực và khi cần, từng cầu thủ có thể tác chiến độc lập. Trận thắng Indonesia vẫn chưa bộc lộ rõ sức mạnh tiềm tàng của đội quân do Jesus Casas dẫn dắt nhưng đã hé lộ rõ phong cách rất titi taka, rất mưu mẹo, những “đặc sản” nổi tiếng ở quê hương vị HLV người Tây Ban Nha này.
HLV Troussier chọn phương án tiếp cận nào?
Sẽ không bất ngờ nếu Iraq pressing tầm cao, tấn công dồn dập trong 15 - 20 phút đầu tại Mỹ Đình. Họ có đủ con người và khí thế để làm thế. HLV Jesus Casas đánh giá đội tuyển Việt Nam cao hơn Indonesia nhưng kết quả làm HLV Shin Tae Yong tắt tiếng chính là lời cảnh báo đến mọi đối thủ ở bảng F.
Tin mừng với HLV Troussier trước khi đối đầu với Iraq là Văn Toàn chỉ bị đau nhẹ sau trận đấu với Philippines và Ngọc Hải, Hùng Dũng, Hoàng Đức cũng được dưỡng sức. Hơn nữa, việc đối đầu với các đội bóng mạnh châu Á như Uzbekistan và Hàn Quốc trong đợt FIFA Days cũng ít nhiều để lại cho thầy trò HLV Troussier những bài học kinh nghiệm.
Đội tuyển Việt Nam chắc chắn sẽ phải đề cao cảnh giác với dàn sao Iraq. Đây là đối thủ hoàn toàn khác với Philippines về đẳng cấp lẫn hiệu quả. Vì thế, những sai số ở hàng thủ tuyển Việt Nam như trận ra quân không được phép lặp lại. “Hôm nay có thể các bạn được chọn như ngày mai là câu chuyện khác, cách tiếp cận sẽ khác trước mỗi đối thủ, đấu pháp cũng khác”, lời “tâm sự” ấy với các học trò trong bữa tối của HLV Troussier ngay sau trận đấu trên sân Rizal Memorial như báo hiệu rằng sẽ có đội hình được “làm mới” ở đội hình xuất phát trên sân Mỹ Đình chiều mai.
Đâu là điểm tựa?
Mặt cỏ, khán đài sân Mỹ Đình đã được cải tạo, “chỉnh trang” để cho 2 đội tuyển thi đấu một cách tốt nhất và đón “cầu thủ thứ 12” vào tiếp sức cho thầy trò HLV Troussier. Đây là điểm tựa nổi trội cho Văn Lâm và đồng đội. Về chuyên môn, khả năng HLV Troussier sẽ ưu tiên tối đa cho hàng phòng ngự và tiền vệ, trong khi hàng tấn công cũng được yêu cầu góp sức đánh chặn từ xa. Khả năng cao, những gương mặt kinh nghiệm nhất sẽ được chọn cho đội hình xuất phát, phần ít dành cho sức trẻ.
Trong quá khứ 4 lần gặp nhau, Iraq có 3 chiến thắng, 1 hòa trước đội tuyển Việt Nam. Lần thắng duy nhất của bóng đá Việt Nam được đối thủ này là năm 2018, nhưng trong khuôn khổ Giải U23 châu Á, sau loạt sút luân lưu với “triết lý Park Hang-seo”. Hiện tại, đội tuyển Việt Nam đang trẻ hóa và trên đường hòa nhập với “triết lý Troussier”. Chỉ một trận thắng trước đối thủ yếu hơn như Philippines chưa thể đánh giá kết quả hơn 8 tháng thử nghiệm và hy vọng đấy cũng chưa phải là kết quả cuối cùng của đội tuyển Việt Nam.
Tuy mạnh nhưng Iraq cũng có những điểm yếu, nhất là hàng thủ hơi vụng về, chậm chạp và có những thời điểm thi đấu thiếu tập trung. Đây có thể mấu chốt để HLV Troussier có những điều chỉnh có thể gây bất ngờ. Tuy nhiên, yêu cầu đầu tiên vẫn “an toàn là bạn”. Trước một đối thủ quá mạnh như Iraq, trọng tâm của đội tuyển Việt Nam là 2 trận đối đầu trực tiếp với Indonesia để đảm bảo suất nhì bảng. Do vậy, đội tuyển Việt Nam không việc gì phải đá kiểu "một mất, một còn" quá sớm?. Vấn đề này cũng còn tùy thuộc vào thái độ và cách tiếp cận của Iraq.
T.S