Đòn bẩy giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu

Thứ sáu, 21/06/2024 23:58

Sau năm 2023 bị sụt giảm, bước vào năm 2024, hoạt động xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của TP Đà Nẵng có dấu hiệu phục hồi và khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, trở ngại cần được tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu.

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước.
Cục Hải quan TP Đà Nẵng ký kết thực hiện Chương trình về hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu.

Đâu là khó khăn?

Ông Nguyễn Xuân Sơn - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Chế biến - Xuất nhập khẩu Hương Quế (Q. Liên Chiểu) chia sẻ, trước hết là vấn đề thiếu mặt bằng cho việc mở rộng hoạt động sản xuất để gia tăng nguồn hàng xuất khẩu. “Doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị địa phương hỗ trợ cho thuê mặt bằng để mở rộng nhà xưởng nhưng bất thành. Hiện nay, việc di chuyển nhiều cơ sở cũng khiến chúng tôi tốn kém chi phí và không hiệu quả, chưa kể đến việc thuê đất của tư nhân thì chi phí sẽ tăng lên rất nhiều”, ông Sơn nói. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay bằng đồng đôla Mỹ (USD) còn cao đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Xuân Sơn đề nghị cần có chính sách giảm lãi suất cho vay đối với USD. “Nếu vay đôla Mỹ để phục vụ sản xuất và xuất khẩu thì chỉ nên ở mức 1%/năm, hiện hầu hết các khoản vay đô-la Mỹ tại ngân hàng đang có mức lãi suất 4,5%/năm”, ông Sơn kiến nghị.

Với Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Q. Sơn Trà), theo Chủ tịch HĐQT Công ty Trần Văn Lĩnh, các chi phí đầu vào của hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu như: nguyên liệu thủy sản, xăng dầu, bao bì, vật liệu, cước phí vận tải... còn cao, đặc biệt là giá điện tăng đã khiến cho doanh thu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Công ty buộc phải chủ động điều chỉnh giá thành sản phẩm trong bối cảnh hết sức khó khăn để cân bằng chi phí, tránh rơi vào tình trạng thua lỗ. Tuy nhiên, việc này rất khó khi cơ chế cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu thế giới đang diễn ra hết sức khốc liệt, đơn hàng và thị trường xuất khẩu của Công ty bị thu hẹp đáng kể.

Giải pháp thúc đẩy

Nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả chủ đề “Năm đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội” nói chung, hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 của TP nói riêng, từ đầu năm đến nay, các cấp, các ngành của TP Đà Nẵng đã tập trung, quyết liệt, triển khai nhiều chương trình, giải pháp, đặc biệt là các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.

Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng Lê Thị Kim Phương cho biết, TP tiếp tục hỗ trợ nhiều doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, có tỷ trọng đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu của TP, như: dệt may, thủy sản, sản phẩm cao su, động cơ, linh kiện điện - điện tử...; đặc biệt, là hỗ trợ nhiều doanh nghiệp xúc tiến thương mại, củng cố, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế được tổ chức ở trong và ngoài nước... Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Sở đã đẩy mạnh triển khai các dự án khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) như: KCN Hòa Cầm giai đoạn 2, KCN Hòa Nhơn, KCN Hòa Ninh, CCN Hòa Khánh Nam, CCN Cẩm Lệ..., trong đó, CCN Cẩm Lệ đang tiếp nhận hồ sơ của hàng chục doanh nghiệp đăng ký thuê mặt bằng tại đây để đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu.

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước.

Đối với Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước TP, Giám đốc Võ Minh cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND TP và Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước TP, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP đã tập trung nguồn vốn ưu tiên cho vay cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhất là đẩy mạnh Chương trình cho vay 15.000 tỷ đồng để phát triển lâm sản, thủy sản trên địa bàn TP, đặc biệt là tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay, chia sẻ gánh nặng chi phí với doanh nghiệp. Cục Hải quan TP đẩy mạnh thực hiện Chương trình phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp với chủ đề “Đồng hành - Chuyển đổi - Phát triển”, đặc biệt từ tháng 4-2024 triển khai thêm Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn TP. Qua hơn 1 tháng triển khai đã có hơn 10 doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực của TP trở thành thành viên của chương trình này. Theo đó, các thành viên được hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan nói riêng, hoạt động xuất nhập khẩu nói chung.

Bà Trần Tường Anh - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ cho biết, việc tham gia các chương trình của Cục Hải quan TP đã giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, từ đó giảm chi phí về thủ tục hành chính, giảm chi phí nhân sự, giảm chi phí miễn kiểm tra hồ sơ, hàng hóa và giảm các chi phí khác (lưu container, soi container hàng tại cảng), qua đó, góp phần giúp cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp đạt hiệu quả hơn.

Theo số liệu thống kê của Cục Thống kê TP Đà Nẵng, trong 5 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 753,5 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước; đặc biệt là cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu gần 188 triệu USD. Hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành của TP trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, hoạt động xuất khẩu của TP trong thời gian đến tiếp tục tăng trưởng, giúp tổng kim ngạch xuất khẩu của TP cả năm 2024 đạt và vượt chỉ tiêu đề ra tăng từ 5-6% so với năm 2023.

PHẠM HOÀNG