Động lực mới cho Đà Nẵng phát triển
Ngày 2-7, tại Nhà hát Trưng Vương, Đoàn Đại biểu Quốc hội Đà Nẵng tổ chức tiếp xúc cử tri các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà và Cẩm Lệ để báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng chủ trì buổi tiếp xúc.
Cú hích về chính sách
Báo cáo với cử tri, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng thông tin, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết này đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của cử tri.
Nghị quyết gồm 4 chương, 18 điều, quy định về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đầu tư; quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên, môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố; thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng; đầu tư phát triển vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thông tin truyền thông, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Nhiều ý kiến cũng bày tỏ kỳ vọng, việc ban hành Nghị quyết, đặc biệt là việc thí điểm thành lập Khu thương mại tự do, nếu thực hiện thành công sẽ tạo được những cú hích trong phát triển kinh tế TP Đà Nẵng nói riêng và kinh tế vùng nói chung.
Nói về lý do Đà Nẵng đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết mới cho thành phố, Bí thư Thành ủy cho biết, trước đây, Quốc hội ban hành Nghị quyết 119 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Qua quá trình triển khai đã khẳng định hiệu quả bước đầu về cơ chế không Hội đồng nhân dân quận, phường; giảm số lượng người trong bộ máy, trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu quận, phường tăng lên. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn nhiều khó khăn, nhiều vấn đề phát sinh cần được giải quyết.
Thành ủy, HĐND, UBND đã nhìn nhận nếu không tìm định hướng mới, động lực mới cho sự phát triển thì rất khó để thành phố bứt phá trong tương lai. Bên cạnh đó, nguồn lực của thành phố bị ảnh hưởng bởi 2 yếu tố nghiêm trọng là dư địa phát triển hẹp, thành phố không có quỹ đất lớn để phát triển các ngành công nghiệp nặng như ở Quảng Nam, Quảng Ngãi… Do đó, thành phố hướng tới phát triển kinh tế xanh, kinh tế bền vững. “Không nghiêng về việc sử dụng lao động với số lượng nhiều mà hướng đến việc sử dụng lao động chất lượng cao. Tôi tin rằng định hướng này vừa cho thành phố phát triển bền vững, phát triển xanh và mang lại các lợi ích lâu dài hơn. Không vội vàng tăng trưởng nóng và để hệ lụy lại cho thế hệ sau”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nói.
Yếu tố thứ 2 là nguồn lực đất đai hiện nay đang bị ảnh hưởng bởi các kết luận thanh tra, bản án. Nhiều công trình vẫn còn đang vướng. Thành phố cũng đã kiên trì báo cáo và Bộ chính trị bước đầu cho chủ trương để tháo gỡ. Và vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 79 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 43 với nhiều định hướng, cơ chế, chính sách cụ thể cho thành phố. Trong đó định hướng vẫn là trung tâm kinh tế lớn phát triển theo hướng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế bền vững, kinh tế tri thức gắn với du lịch dịch vụ chất lượng cao.
Cơ chế cho thúc đẩy đổi mới, khởi nghiệp, sáng tạo
Tại buổi tiếp xúc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cũng đã chia sẻ một số thông tin quan trọng liên quan đến các cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội vừa thông qua cho phép Đà Nẵng thí điểm thực hiện trong thời gian tới. Trong đó có 2 nội dung lớn, gồm việc cho phép Đà Nẵng tổ chức mô hình chính quyền đô thị và thí điểm Khu thương mại tự do.
Theo đó, Quốc hội cho phép Đà Nẵng thí điểm 30 cơ chế chính sách đặc thù trong vòng 5 năm. Đây là những nội dung lớn và rất quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế, xã hội của Đà Nẵng trong thời gian tới. “Trước khi đề xuất, Đà Nẵng đã tiếp thu và có chọn lọc các chính sách của các địa phương như TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Hải Phòng,… trên cơ sở đó để áp dụng phù hợp vào thực tiễn của thành phố”, Bí thư Thành ủy chia sẻ.
Bí thư Thành ủy cũng cho biết, TP Đà Nẵng cũng đề xuất 10 chính sách mới so với nhiều địa phương. Trong đó, có chính sách để phân bổ ngân sách từ 2-4% cho quận, huyện, phường, xã làm dự phòng để xử lý các vấn đề phát sinh, chủ động hơn trong triển khai thực hiện. Các cơ chế cắt giảm tài chính khi các nhà đầu tư đầu tư vào khu công nghệ cao và các khu công nghiệp. Giao thẩm quyền một cửa và tại chỗ cho Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng. Miễn thuế cho người tài năng, các nhà khoa học có những đóng góp cho TP nhằm thu hút nguồn nhân lực và nhân tài...
Đặc biệt, Quốc hội cho phép Đà Nẵng thử nghiệm có kiểm soát những chương trình, dự án, các hoạt động mà chưa có quy định pháp luật trên địa bàn TP. Cụ thể, khi thử nghiệm thì người thử nghiệm cũng như người giám sát thử nghiệm được miễn trừ trách nhiệm hình sự nếu để xảy ra hậu quả. Nhưng nếu gây thiệt hại kinh tế phải bồi thường theo quy định của pháp luật. “Làm như vậy thì mới thúc đẩy đổi mới, khởi nghiệp, sáng tạo. Đây cũng là một trong những đột phá để chúng ta có được các nhân lực, các công trình dự án, những người dám làm…”, ông Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh.
Trước đó, cử tri các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà và Cẩm Lệ bày tỏ sự tin tưởng và ủng hộ công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước. Cử tri đề nghị Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản, không để người vi phạm đứng vào hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà Nước.
Nhiều ý kiến cử tri cũng phản ánh tình trạng thường xuyên xảy ra thiếu thuốc điều trị dùng cho người khám và điều trị bảo hiểm y tế; việc tăng lương từ 1-7 dẫn theo Bảo hiểm y tế cũng tăng theo hệ số lương, gây khó khăn, ảnh hưởng đến người lao động phổ thông, buôn bán vỉa hè. Cử tri cũng lo lắng khi lương mới chưa tăng nhưng giá cả thị trường đã rục rịch tăng, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng đến đời sống người lao động. Do đó, cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp kiểm soát tình hình giá cả thị trường, xử lý nghiêm và có chế tài mạnh đối với các tổ chức, cá nhân lợi dụng, đầu cơ tăng giá hàng hóa.
MAI VINH