Dư luận về vụ án làm bằng giả lớn nhất Đà Nẵng
>> Chuyện chưa kể về vụ án làm bằng giả lớn nhất Đà Nẵng (4)
>> Chuyện chưa kể về vụ án làm bằng giả lớn nhất Đà Nẵng (3)
>> Chuyện chưa kể về vụ án làm bằng giả lớn nhất Đà Nẵng (2)
>> Chuyện chưa kể về vụ án làm bằng giả lớn nhất Đà Nẵng
(Cadn.com.vn) - Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ án làm bằng giả lớn nhất Đà Nẵng từ trước đến nay. Không chỉ những chiêu thức, thủ đoạn của các đối tượng nằm trong đường dây này mà người dân, cơ quan chức năng và các trường ĐH còn quan tâm đến nguy cơ đã có nhiều bằng giả len lỏi vào các cơ quan tư nhân cũng như Nhà nước. Sau khi Báo Công an TP Đà Nẵng đăng tải loạt bài “Chuyện chưa kể về vụ án làm bằng giả lớn nhất Đà Nẵng”, chúng tôi đã nhận được một số ý kiến liên quan đến vụ việc này.
TS VÕ THANH HẢI - PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐH DUY TÂN:
“Chúng tôi sẽ phát hiện được vì có dấu hiệu nhận biết riêng”
Cho đến thời điểm hiện tại, ít nhất đã có 4 trường hợp sử dụng bằng giả Trường ĐH Duy Tân được phát hiện. Ngoài tấm bằng được xác minh là của một người đang làm việc tại Đà Nẵng trở thành đầu mối khám phá vụ án thì có 2 trường hợp tại tỉnh Đắc Nông và 1 trường hợp ở Quảng Ngãi. Một số dấu hiệu trên bằng phải nhờ cơ quan chức năng của CA vào cuộc giám định, song đối với công tác quản lý của nhà trường, chúng tôi vẫn có những dấu hiệu nhận biết riêng ngay khi quan sát. Một số đối tượng sử dụng bằng giả để đi xin việc, trong khi một số khác đã có việc làm, thậm chí là giàu có, muốn thành lập Cty hoặc muốn có chức danh cụ thể nhưng chưa qua trường lớp nên phải làm giả bằng. Đơn cử như trường hợp ở Quảng Ngãi, đối tượng đã làm giả bằng để đủ tư cách xin giấy phép thành lập Cty về lĩnh vực xây dựng.
Ảnh 1: Tem chống giả các đối tượng sử dụng “sản xuất” bằng giả. |
PGS.TS TRẦN VĂN
“Cơ quan, tổ chức có thể đối chiếu ngay trên mạng hoặc làm việc trực tiếp với ĐH Đà Nẵng”
Theo PGS.TS Trần Văn Nam, từ khi vụ án làm bằng giả lớn nhất từ trước đến nay tại Đà Nẵng được khám phá, đã có nhiều cơ quan, tổ chức tại địa bàn thành phố cũng như một số địa phương lân cận tiến hành phối hợp với ĐH Đà Nẵng để thẩm tra, xác minh bằng cấp của cán bộ, nhân viên do mình quản lý. Hiện tại có 2 cách để xác minh. Đối với văn bằng trong thời gian gần đây thì có thể vào trang web của các trường ĐH thành viên để đối chiếu vì số hiệu và các thông tin liên quan của các bằng đã cấp đều được công khai trên mạng. Còn các văn bằng đã cũ thì có thể liên hệ trực tiếp với ĐH Đà Nẵng vì công tác lưu trữ hồ sơ đã được thực hiện rất quy củ và cẩn thận. Theo PGS.TS Trần Văn Nam, các đơn vị tuyển dụng nhân sự cần đẩy mạnh công tác quản lý hồ sơ nhân sự, vì đó là yếu tố quan trọng trong quản lý con người để kinh doanh, sản xuất, làm việc có hiệu quả.
Ảnh 2: Theo đánh giá, vẫn còn một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm đến hồ sơ công chức, viên chức khi tuyển dụng người vào làm việc |
ÔNG ĐOÀN NGỌC SƠN - BÍ THƯ ĐẢNG ỦY, CHỦ TỊCH UBND P. HẢI CHÂU 1, Q. HẢI CHÂU, TP ĐÀ NẴNG: “Dùng bằng giả làm bình phong thì cơ quan, tổ chức không thể phát triển được”
Với quan điểm là lãnh đạo của một cơ quan trong hệ thống chính quyền, ông Sơn cho rằng không chỉ chất lượng cán bộ công chức không đảm bảo mà một cơ quan có nhiều tiêu cực, bất minh trong hồ sơ, bằng cấp của cán bộ, nhân viên còn là nguy cơ gây mất đoàn kết nội bộ. Đó là mưu cầu cá nhân hoặc để cơ quan lấp chỗ trống chứ không phải vì sự phát triển hay hiệu quả làm việc. “Theo tôi, cơ quan tuyển dụng phải quan tâm đến hồ sơ công chức, viên chức ngay từ đầu. Không phải khi nào cũng chăm chăm vào thanh tra, kiểm tra nhưng nhất thiết phải đầy đủ những gì cần phải có. Khi cần thiết phải có những đợt kiểm tra theo chuyên đề, tổng rà soát”, ông Sơn nhấn mạnh. Ông cũng cho rằng, nên có cam kết của người nộp hồ sơ tuyển dụng về trách nhiệm của họ đối với hồ sơ của mình. Nếu phát hiện có sai phạm, thiếu sót thì phải xử lý thật nghiêm.
Công Khanh