Dùng luật mà chưa... hiểu luật?!

Thứ năm, 25/09/2008 00:00

(Cadn.com.vn) - Dường như đã thành lệ, cứ đến khoảng tháng 9 dương lịch hằng năm, công việc của CA cấp xã, thị trấn lại tăng đột biến, chủ yếu là các việc liên quan đến giấy tờ, lý lịch cho số học sinh, sinh viên mới. Bởi vậy nhiều người thường ví công việc ở CA cấp xã là “cả xấp”, hiểu được áp lực công việc những ngày này đối với Hai Công an xã (CAX) nên NXD hỏi thăm:

-Sao anh Hai “cả xấp”, năm ni ở mình con em đậu đại học, cao đẳng nhiều không?

-Cũng mừng, ngày mô cũng cả xấp, cả xấp giấy tờ liên quan đến việc học hành của con em địa phương cần được xác nhận để đi học nè - Hai CAX chỉ tay vào chồng giấy tờ.

-Rứa thì mừng rồi, con em địa phương học hành đỗ đạt như thế, dù có vất vả hơn cũng sướng cái bụng.

-Thì sướng nhưng trong chuyện này Hai CAX thấy nhiều loại thủ tục bảo bỏ rồi mà răng các trường học buộc phải có mới cho nhập học hả NXD?

-Chuyện chi, Hai CAX nói thử coi?

-Thì đây nè, Luật Cư trú đã bảo công dân không cần phải khai báo tạm vắng ở địa phương thường trú, chỉ cần đăng ký tạm trú ở địa phương nơi ở mới là được. Vậy sao các trường còn buộc học sinh, sinh viên phải có giấy tạm vắng nữa?

Theo Hai “cả xấp” thì việc áp dụng Luật Cư trú tại một số địa phương, đơn vị (đặc biệt là các trường học, khu công nghiệp...) không thống nhất nên không chỉ gây khó khăn cho công dân (học sinh, sinh viên, công nhân), đồng thời còn gây áp lực về số lượng công việc ở cấp xã, thị trấn... Để “khắc phục” vướng mắc này, ở nhiều cấp xã đã “sáng tác” ra một loại “giấy con” kèm theo đó chính là “Giấy xác nhận thường trú tại địa phương” để có cơ sở cho công dân đi học, đi làm ăn ở địa phương khác.

Nghe đến đây, NXD cảm thấy có gì đó ngờ ngợ nhưng không biết giải thích với Hai CAX như thế nào cả, bởi chính Hai “cả xấp” đã được tập huấn rất kỹ lưỡng về Luật Cư trú hồi năm ngoái rồi mà hổng lẽ nói sai. Đem vấn đề này trao đổi với cơ quan chức năng, được biết: Các trường yêu cầu phải có phiếu báo tạm vắng là không sai luật, bởi tại khoản 2, Điều 32 - Luật Cư trú quy định “Người trong độ tuổi làm nghĩa vụ quân sự, dự bị động viên đi khỏi huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi mình cư trú từ 3 tháng trở lên có trách nhiệm khai báo tạm vắng”.

Và cũng theo ngành chức năng, những người thuộc phạm vi điều chỉnh của điều 32 như đã nêu trên phải khai báo tạm vắng tại CA xã, phường, thị trấn nơi cư trú, khi đến khai báo tạm vắng phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân và ghi vào phiếu khai báo tạm vắng theo mẫu HK05 ban hành theo QĐ số 698/2007/QĐ-BCA, ngày 1-7-2007. Như vậy, việc các tân sinh viên phải có giấy tạm vắng là đúng thủ tục theo luật (vì còn trong độ tuổi làm nghĩa vụ quân sự) và việc Hai CAX “than thở” là do chưa hiểu cặn kẽ việc áp dụng luật, đồng thời việc “sáng tạo” ra một “giấy con” như đã nói là sai vì biểu mẫu đã được Bộ CA ban hành hẳn hoi.

Tuy nhiên, qua vấn đề này cũng cần đặt ra câu hỏi liệu việc khai báo tạm vắng đối với những người thuộc phạm vi điều chỉnh của khoản 2, điều 32, Luật Cư trú có cần thiết hay không? (vì đa phần trong số này là học sinh, sinh viên hoặc công nhân... thì luôn phải có sơ yếu lý lịch khai rất rõ ràng về nhân thân, nơi ở trước khi đi học hoặc làm việc ở nơi khác ngoài địa phương).

Nên chăng, việc khai báo tạm vắng chỉ nên áp dụng cho những trường hợp thuộc phạm vi điều chỉnh của khoản 1, điều 32, Luật Cư trú, gồm: Bị can, bị cáo đang tại ngoại; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù; người bị kết án phạt tù được hưởng án treo; người bị phạt cải tạo không giam giữ; người đang bị quản chế; người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ thi hành khi đi khỏi nơi cư trú từ một ngày trở lên.

N.X.D