Gắn bó với ruộng đồng

Thứ tư, 19/04/2023 07:53
Theo Phòng NN&PTNT H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng), vụ lúa đông xuân 2022-2023, toàn huyện gieo sạ gần 2.300ha lúa. Đến nay, nhiều diện tích lúa đã chín vàng và đang được nông dân các xã khẩn trương thu hoạch. Trên các cánh đồng, những chiếc máy gặt, công nông hoạt động tối đa công suất, hỗ trợ nông dân hoàn thành việc thu hoạch để nhanh chóng chuẩn bị sản xuất vụ lúa hè thu 2023 đang cận kề.
Nông dân thôn Yến Nê 2 (xã Hòa Tiến) tập trung phơi lúa vụ đông xuân 2022-2023.
Nông dân thôn Yến Nê 2 (xã Hòa Tiến) tập trung phơi lúa vụ đông xuân 2022-2023.

Vừa thu hoạch xong 5 sào lúa, trung bình mỗi sào được khoảng 450kg lúa tươi, bà Nguyễn Thị Tình (thôn Yến Nê 2, xã Hòa Tiến) phấn khởi nói: "Chưa có khi nào người trồng lúa trải qua nhiều lo âu và cảm xúc như năm nay. Đầu vụ sản xuất thời tiết thất thường rét đậm kéo dài, bà con nông dân lo lắng vì sợ phải đối mặt với một vụ sản xuất khắc nghiệt. Song khi rét hại vừa kết thúc thì thời tiết bất ngờ đổi chiều thuận lợi ngoài dự đoán của nhiều người. Trời ấm áp, lại có mưa vừa, không có lốc xoáy nên bà con bớt phập phồng"… Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến Đặng Quốc Tuấn cho biết, vụ đông xuân này, địa phương gieo sạ 460ha, hiện các thôn đang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch theo phương châm "lúa chín đến đâu, thu hoạch đến đấy" để kịp thời gian phơi lúa, giải phóng đất, nhanh chóng bắt tay vào vụ sản xuất hè thu. Đây là vụ mùa tiếp tục có năng suất cao với sản lượng bình quân khoảng 64-66 tạ/ha. Đạt kết quả ấy bà con ai cũng vui mừng, những ngày lo toan mùa vụ tạm thời đi qua, giờ là lúc gặt hái thành quả của nhà nông.

Còn theo lão nông Trần Hơn (thôn Khương Mỹ, xã Hòa Phong), trước đây, trồng lúa nước là nghề vất vả của nhà nông. Cha ông ta từng có nhiều so sánh để diễn đạt, ca thán "Ai ơi bưng bát cơm đầy/Dẻo thơm một hột đắng cay muôn phần" hay "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". Còn bây giờ, máy gặt đập liên hợp liên tục thả xuống chân ruộng, chỉ vòng quanh mấy lượt rồi tấp sát vào đường bê-tông nội đồng thả xuống các bao lúa căng đầy; chủ ruộng chỉ biết chạy xe máy ra tận nơi chở về nhà phơi, tay chân không phải lấm bùn đất. Ông Hơn chia sẻ thêm: "Nói trồng lúa cực khổ vất vả là khoảng chục năm về trước, khi lúa chín phải gặt, gánh chất đống, kêu thùng suốt tới, thậm chí có lúc còn kêu công không được, suốt ra thì gặp mưa không biết phơi đâu, còn nay thì nhàn hạ lắm, đường bê-tông san sát, sân chơi thể thao thôn tha hồ mà phơi"… Nhiều nông dân khác còn cho biết, vụ này đạt lợi nhuận cao nhờ chi phí sản xuất lúa tương đối thấp do các điều kiện thời tiết, thủy văn thuận lợi, đặc biệt đồng ruộng được bồi bổ nhiều phù sa trong mùa mưa lũ, lúa ít bị các loại sâu bệnh và dịch hại, nông dân giảm chi phí tiền vật tư, tập trung xuống giống đồng loạt né rầy trên từng cánh đồng, thực hiện tưới, tiêu nước tập thể và tăng cường liên kết, đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Các diện tích lúa đều được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp đã giúp nông dân tiết kiệm được khá nhiều thời gian và chi phí.

"Người nông dân không ai là không chăm chỉ"- chúng tôi cảm nhận được điều đó khi nghe họ kể chuyện về sản xuất nông nghiệp. Với họ, tài sản lớn nhất của người nông dân suy cho cùng cũng chỉ có đất, lúa và các loại hoa màu, nếu không gắn bó thì đời sống khó mà khá lên được. Vì vậy, trong khi ngày càng có nhiều người rời làng, xa quê tìm kiếm công việc khác thì vẫn còn những người hết lòng gắn bó với ruộng đồng và chủ động hơn trong sản xuất nông nghiệp.

VY HẬU