Gánh hồn quê vào phố
Nhưng, thành phố nơi tôi đang sống, những đôi quang gánh không vội vã, liêu xiêu, lại càng không lầm lũi, chơ vơ, đơn độc. Một chiều nơi phố cổ, ngồi nghe giọt cà-phê lặng lẽ nhỏ vào lòng tách trắng, ngắm nhìn những đôi quang gánh nhẹ lướt qua, chợt thấy lòng mình thanh thản, ấm áp lạ kỳ.
Là một trong những cảng thị tấp nập nhất nhì Đông Nam Á từ thế kỷ XVI, Hội An (Quảng Nam) được biết đến như một nơi trao đổi hàng hóa của Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ. Những thuyền buôn xa xôi ở Châu Âu như Hà Lan, Bồ Đào Nha, Anh... cũng từng ghé thăm. Mặc cho bánh xe thời gian mải miết lăn, bất chấp mọi biến đổi của cơn lốc đô thị, Hội An dường như không phụ lòng người, vẫn còn đó nét hào nhoáng, đô hội của một đô thị và sự bình yên vẹn nguyên trong lòng phố cổ. Cái vẻ bình yên không chỉ hiện hữu trên đường nét cổ kính của từng mái đình, ngôi chùa, mà ở cả những con người ngày đêm lặng lẽ thổi hồn quê vào lòng phố. Họ chính là người mẹ, người chị, người em gái nhẹ nhàng đôi quang gánh trên vai. Ít ai biết được những gánh hàng rong có từ bao giờ. Chỉ biết rằng khi phố cổ còn đang yên giấc, đâu đấy đã nghe thấy những tiếng rao. Nhiều người đã thành thói quen, cứ nghe thấy những âm thanh đó là biết giờ dậy chuẩn bị một ngày mới. Những gánh hàng rong mang cả bốn mùa quê hương vào phố, rất dung dị, hiền lành, hiện hữu qua mỗi sớm mai, mỗi chiều tà, trên khắp các cung đường nơi phố cổ, hay bên góc phố trầm mặc. Không lời chào đon đả, không lời mời mọc vồn vã nhưng người đến rồi đi vẫn nhận ra niềm mong đợi một tiếng gọi, đợi một lần lữ khách ghé thăm để thưởng thức đôi quả trái cây miệt vườn xứ Quảng, vài ba trái bắp… để rồi rời xa nhớ mãi những quang quánh nơi này.
Giữa cuộc sống bộn bề, nhộn nhịp, những gánh hàng rong như sợi xích của thời gian lưu giữ lại những nếp văn hóa thắm đượm cái tình, cái hồn của người Việt.
Tạp bút: Phan Thị Thanh Ly