Ghi nhận ca tử vong do bạch hầu ở Nghệ An, Bộ Y tế yêu cầu khẩn trương giám sát phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ bệnh

Thứ ba, 09/07/2024 09:00

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị đã nhận được thông tin từ Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An về 1 ca tử vong nghi bị bạch hầu. Trung tâm đã cử đoàn giám sát tiến hành điều tra và lấy mẫu xét nghiệm.

Ngành Y tế Nghệ An và các địa phương liên quan đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Ngành Y tế Nghệ An và các địa phương liên quan đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Nữ bệnh nhân là P.T.C, (18 tuổi, trú tại xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, HS Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Kỳ Sơn) vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Theo thông tin dịch tễ, ngày 26-6, bệnh nhân C. có biểu hiện sốt, ho, đau họng, khàn tiếng. Bệnh nhân tự mua thuốc điều trị và vẫn tham gia dự kỳ thi THPT năm 2024 tại Trường THPT Kỳ Sơn trong 2 ngày 27, 28-6.

Sau khi thi xong, bệnh nhân C. về nhà nhưng bệnh không đỡ nên ngày 1-7 đã đến Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn khám và nhập viện điều trị tại Khoa Lây với chẩn đoán: Viêm loét họng - Amidan mủ, tiên đoán bạch hầu. Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn đã tiến hành hội chẩn liên khoa và hướng dẫn gia đình cho chuyển tuyến trên điều trị nhưng gia đình không đủ điều kiện, xin nằm điều trị tại khoa.

Ngày 4-7, tình trạng bệnh nhân không thuyên giảm nên được thuyết phục chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tiếp tục điều trị. Bệnh nhân nhập viện vào Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An chiều 4-7 với chẩn đoán: Sốc nhiễm khuẩn/bạch hầu, biến chứng viêm cơ tim, suy đa tạng, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu. Bệnh nhân được gia đình xin về lúc 23 giờ 50 phút ngày 4-7 và tử vong trên đường về rạng sáng 5-7.

Thực hiện điều tra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An đã xác định 7 trường hợp có tiếp xúc gần cùng bệnh nhân P.T.C tại phòng ký túc xá (KTX) Trung tâm GDNN - GDTX huyện Kỳ Sơn. Trong các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân C. ở KTX thì có 2 người đã di chuyển từ huyện Kỳ Sơn ra tạm trú tại tỉnh Bắc Giang. Trong đó, một người xuất hiện tình trạng đau họng và đã được hướng dẫn khai báo tại Trạm Y tế vào ngày 4-7. Đến nay, M.T.B đã được xét nghiệm với kết quả dương tính với bạch hầu.

Mở rộng điều tra các trường hợp tiếp xúc, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã xác định được 119 người có tiếp xúc với bệnh nhân từ lúc khởi phát đến lúc tử vong.

Các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân phân bố tại các xã Bắc Lý, Bảo Nam, Đoọc Mạy, Huồi Tụ, xã Hữu Kiệm, Keng Đu, Mường Ải, Mường Lống, Mường Típ (6 người), Mỹ Lý, Na Loi, Na Ngoi, Nậm Càn, Nậm Cắn, Phà Đánh, Tà Cạ, Tây Sơn, Chiêu Lưu, Hữu Lập (1 người)... Ở huyện Tương Dương có 2 người thuộc xã Mai Sơn và Lượng Minh.

Trước đó, năm 2017 Kỳ Sơn ghi nhận 1 ca mắc bệnh bạch hầu tại xã Mường Típ; năm 2021 ghi nhận 5 ca tại xã Hữu Lập; năm 2022 ghi nhận 2 ca tại xã Na Loi.

Hiện ngành Y tế Nghệ An và các địa phương liên quan đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch: Điều tra, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, khử trùng, cách ly, cho uống thuốc kháng sinh dự phòng và tiêm vắc-xin phòng bệnh, hướng dẫn điều trị tại chỗ, truyền thông...

Được biết, ngay sau khi ghi nhận ca tử vong do bạch hầu tại Nghệ An, để chủ động tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu, không để bệnh lây lan kéo dài, trên diện rộng, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Sở Y tế Nghệ An và Sở Y tế Bắc Giang về việc chủ động tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu, khẩn trương giám sát phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ bệnh. Cùng đó, đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám, phân tuyến điều trị bệnh nhân; thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế việc chuyển bệnh nhân đến bệnh viện tuyến trên khi không cần thiết. Cục Y tế dự phòng yêu cầu 2 Sở Y tế trên chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine phòng bệnh bạch hầu ở tất cả các xã, phường trên địa bàn; thực hiện tiêm bổ sung, tiêm vét ngay khi có vaccine, lưu ý các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực đi lại khó khăn.

Song song đó, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về bệnh bạch hầu, các biện pháp phòng, chống để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế trong quá trình điều trị. Tổ chức việc theo dõi chặt chẽ sức khỏe của trẻ em, HS-SV tại các cơ sở đào tạo; thường xuyên vệ sinh, thông thoáng lớp học, thông báo kịp thời cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để được cách ly, xử lý kịp thời, không để bùng phát ổ dịch.

Sở Y tế hai tỉnh rà soát, đảm bảo công tác hậu cần về vaccine, thuốc điều trị kháng sinh dự phòng, huyết thanh kháng độc tố, hóa chất… để triển khai các nhiệm vụ chống dịch; báo cáo UBND tỉnh bố trí kinh phí và huy động các nguồn lực hỗ trợ đảm bảo công tác hậu cần phục vụ chống dịch.

Dương Hóa-B.T