Giá hàng hóa, dịch vụ ở Đà Nẵng không bị “thổi” tăng bất thường

Thứ ba, 31/01/2023 10:29
Nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tăng cao dẫn tới giá cả một số hàng hóa như thực phẩm, dịch vụ ăn uống, giao thông… cũng tăng lên. Tuy vậy, theo ghi nhận tại Đà Nẵng, giá hàng hóa, dịch vụ được kiểm soát, không tăng quá cao và bất thường.
Phần lớn các dịch vụ ẩm thực dịp Tết đều thu phụ phí.
Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua tại Đà Nẵng chưa xử lý vụ việc tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất thường nào.

Ghi nhận tại một số quán ăn, quán cà phê trên địa bàn Đà Nẵng mức giá đều tăng từ 25-30% tính vào phụ phí và đều được ghi trong biên lai, giải thích cho khách hàng. Lý do các cửa hàng này tăng thêm phụ phí vì chi phí cho nhân viên phục vụ dịp Tết tăng lên. Từ sau mồng 6 tháng Giêng, các cửa hàng không còn thu phí dịch vụ. Theo lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Đà Nẵng, trong dịp Tết năm nay, đơn vị lên kế hoạch kiểm soát tập trung vào các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng tăng cao, lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh việc tăng giá bất thường các loại hình dịch vụ. Nếu dịp Tết năm trước đơn vị có xử lý một số cơ sở tăng giá dịch vụ bất thường thì năm nay không xử lý cơ sở nào, đồng thời cũng không tiếp nhận phản ánh việc tăng giá dịch vụ bất thường.

Mặc dù kỳ nghỉ Tết năm nay kéo dài, lượng hàng hóa phục vụ dồi dào, tuy nhiên theo các tiểu thương chợ truyền thống, sức mua tăng không đáng kể. Ngoài một số mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết tăng như lương thực, thực phẩm tăng khoảng 9%, hàng hóa khác tăng 7,2%, may mặc tăng 4,1 thì các mặt hàng hoa, trái cây, thủy sản tươi sống, bánh kẹo cũng tăng nhẹ. Thống kê cho thấy, trong tháng 1-2023 (tháng Tết), tổng mức bán lẻ hàng hóa của Đà Nẵng đạt khoảng 5.792 tỷ đồng, trong đó bán lẻ tại các siêu thị, trung tâm thương mại đạt 326 tỷ đồng, tăng 7% so với tháng trước.

Ngoài hàng hóa thì nhu cầu sử dụng một số nhóm dịch vụ như ăn uống, giao thông, du lịch… dịp Tết tại Đà Nẵng cũng tăng lên. Trong đó, giá dịch vụ tăng cao trong dịp Tết so với tháng trước là dịch vụ giao thông, tăng hơn 1,6% (do nhu cầu đi lại của người dân tăng cao); dịch vụ ăn uống tăng 1,27%; đồ uống tăng 1,32%... Giá các mặt hàng này tăng đã đẩy chỉ số giá tiêu dùng trong tháng Tết của Đà Nẵng tăng 1,12% so với tháng trước và tăng hơn 9,4% so với cùng kỳ.

Phần lớn các dịch vụ ẩm thực dịp Tết đều thu phụ phí.

Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, hầu hết các mặt hàng thực phẩm trong tháng Tết đều tăng giá, đặc biệt là nhóm thủy sản tươi sống và hoa quả tươi do nhu cầu cúng tất niên của người dân tăng. Riêng với các dịch vụ ăn uống ở nhà hàng, nguyên liệu đầu vào dùng để chế biến các món ăn tăng, chi phí nhân công phục vụ dịp Tết tăng, dân tới phải tăng giá để bù đắp các khoản chi phí. Ngoài ra, nhu cầu đi lại, về quê ăn Tết của người dân tăng cao nên dịch vụ giao thông công cộng tăng giá ở tất cả các loại phương tiện đường sắt, hàng không, đường bộ. Trong tháng Tết, doanh thu vận tải hành khách tại Đà Nẵng đạt khoảng 654 tỷ đồng, tăng gần 15%.

Có thể thấy, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ tại Đà Nẵng trong dịp Tết vừa qua có tăng, song không quá mạnh như những năm trước. Ngoài những khó khăn của người tiêu dùng hậu Covid-19 thì nguồn hàng hóa phục vụ Tết cũng dồi dào (tổng giá trị hơn 2.300 tỷ đồng), chưa kể các điểm bán hàng bình ổn giá của TP. Những nguyên nhân đó khiến giá cả hàng hóa, dịch vụ ở Đà Nẵng dịp Tết vừa qua không tăng đột biến, bất thường. Các hành vi găm hàng, thổi giá, “chặt chém” khách hàng cũng chưa được ghi nhận, phản ánh.

HẢI QUỲNH