Giải cứu động vật quý hiếm trên “cổng trời”
Địa hình Khu BTTN Bắc Hướng Hóa là khu vực duy nhất của Việt Nam có cả Đông và Tây Trường Sơn với dãy núi cao trên 1.000 m chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, dọc ranh giới hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. Trong đó, có các đỉnh cao điển hình như Pa Thiên, Sa Mù (1.550m) và Voi Mẹp (1.771m) nên được ví von như lên “cổng trời” hay “nóc nhà” Quảng Trị. Khu bảo tồn có diện tích hơn 23.400 ha, bao quanh bởi vùng đệm có diện tích 83.000 ha. Đây là một trong những khu rừng đặc dụng của tỉnh Quảng Trị với hơn 1.296 loài thực vật, khoảng 110 loài thú, 33 loài cá, 206 loài chim, 81 loài bò sát ếch nhái. Đặc biệt, ghi nhận trong lâm phần quản lý có khoảng 112 đàn với 336 cá thể vượn Siki sinh trưởng ở khu bảo tồn tại rừng thường xanh giàu, rừng thường xanh trung bình… Công tác điều tra cũng đã phát hiện được 18 loài thú, 14 loài chim, chiếm đến 39,5% tổng số loài nguy cấp, quý, hiếm của Khu Bảo tồn.
Ghi nhận trong đợt tuần tra gần cuối tháng 9 này, ngay sau khi giải cứu 1 cá thể khỉ, tổ bảo vệ đã tiếp tục phát hiện thêm 1 bẫy hổ và 1 bẫy thòng lọng (lịa bẫy). Với kỹ năng thuần thục, thành viên Tổ bảo vệ Khu Bảo tồn đã gỡ, xử lý nhanh chóng. Với các loại bẫy như thế này thì các loại móng guốc như: lợn rừng, sơn dương và các loại gặm nhấm khác có thể sập bẫy dễ dàng nếu như dậm phải. Lãnh đạo Khu Bảo tồn cho biết từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng đã tổ chức trên 300 đợt với trên 1 ngàn lượt người tham gia tuần tra rừng, mỗi chuyến tuần tra kiểm soát có khi kéo dài cả tuần. Qua đó, phát hiện tháo gỡ, phá hủy được gần 200 bẫy động vật rừng.
So với trước đây, tình trạng bẫy bắt động vật hoang dã trong Khu Bảo tồn đã giảm hẳn. Đặc biệt, qua tổ chức hơn 200 buổi tuyên truyền, nhận thức của dân bản được nâng cao và tham gia tích cực vào bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm. Tuy nhiên, vẫn còn có một số đối tượng ngoài địa phương vẫn lén lút vào rừng để bẫy thú nhằm buôn bán như trên. Chính vì thế, việc luân phiên, tuần tra bám rừng sẽ kịp thời phát hiện, đẩy đuổi các đối tượng xâm hại Khu Bảo tồn, trong đó có việc săn bẫy thú hoang dã.
Được biết, để phục vụ cho công tác bảo vệ động vật hoang dã, Ban quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa cũng triển khai hiệu quả đặt bẫy ảnh tại hàng chục điểm trên toàn bộ diện tích của khu bảo tồn trong thời gian 2 năm qua. Kết quả, phát hiện được hình ảnh của nhiều loài động vật nguy cấp, quý, hiếm; trong có 11 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và Liên minh bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) như vượn, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn, voọc ngũ sắc, gà lôi lam, thỏ vằn, mang lớn... Đặc biệt, đã bổ sung 2 loài mới ghi nhận tại Khu Bảo tồn. Bẫy ảnh giúp xây dựng cơ sở dữ liệu, thu được hình ảnh, video sinh động minh chứng cho sự hiện diện của các loài động vật nguy cấp, quý hiếm, bên cạnh phục vụ cho nghiên cứu còn chỉ ra các mối đe dọa, từ đó rút ra những giải pháp để quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học một cách hiệu quả.
BẢO HÀ