Giải mã ngôi vị số 1 về chuyển đổi số của Đà Nẵng (Bài 1: Lợi thế từ nền tảng hạ tầng)
ĐÀ NẴNG đứng ở vị trí số 1 trên bảng xếp hạng về chuyển đổi số năm 2020 (DTI 2020) ở cả 3 trụ cột gồm chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trước đó, 12 năm liền Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), 2 năm liền đạt giải thưởng thành phố thông minh cấp quốc gia và châu lục. Điều gì đã giúp Đà Nẵng có được những thành tích ấn tượng như vậy?
Phòng vận hành hệ thống thông tin Chính quyền điện tử Đà Nẵng. |
Dựa vào dữ liệu và công nghệ số để thay đổi cách nghĩ, cách làm, tạo ra phương thức phát triển mới, bứt phá, là xu hướng và yêu cầu bắt buộc trong bối cảnh hiện nay. Đà Nẵng là địa phương đầu tư, tạo dựng nền tảng hạ tầng CNTT từ sớm và bài bản, vì thế khi thực hiện đề án Chuyển đổi số có những lợi thế nhất định.
Hành trình
10 năm trước
10 năm trước Đà Nẵng đã xác định công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) là 1 trong 3 trụ cột phát triển kinh tế- xã hội, từ đó có nhiều chính sách đầu tư đồng bộ về hạ tầng CNTT&TT để phục vụ phát triển. Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cho biết, hiện Thành phố đã xây dựng được mạng hạ tầng viễn thông đảm bảo cho các hoạt động liên quan đến chuyển đổi số ở 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Về chính quyền số, Đà Nẵng hiện có 75% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, 100% văn bản trao đổi dưới dạng điện tử (trừ văn bản mật), 100% ứng dụng nội bộ được kết nối, sử dụng qua LGSP, 100% hệ thống thông tin được giám sát, bảo vệ bởi SOC. Về xã hội số, khoảng 92% hộ gia đình có Internet băng rộng, trên 91% người dân sử dụng điện thoại thông minh, 180.000 tài khoản điện tử của công dân, doanh nghiệp sử dụng trên mạng của chính quyền thành phố. Tính đến cuối năm 2020, nhân lực ngành CNTT của Đà Nẵng khoảng 40.500 người, 40 cơ sở đào tạo về CNTT cung cấp cho thị trường mỗi năm khoảng 4.000 cử nhân, kỹ sư.
Cũng theo ông Thanh, hiện Thành phố đã xây dựng được mạng viễn thông dùng riêng với băng thông kết nối mỗi cơ quan đến 10Gbp/s, xây dựng được Trung tâm dữ liệu, Hệ thống WiFi công cộng miễn phí, Tổng đài dịch vụ công 1022. Ông Thanh cho biết, Trung tâm dữ liệu Thành phố đã thực hiện theo tiêu chuẩn quốc tế đảm bảo đưa toàn bộ nền tảng của chính quyền điện tử lên nền tảng đám mây. Với nền tảng này, Thành phố có thể triển khai các cuộc họp trực tuyến từ Thành phố xuống quận, huyện, xã, phường, đảm bảo kết nối cho hơn 170 đầu mối trong điều kiện dịch bệnh. Thành phố cũng đã hình thành một số cơ sở dữ liệu nền phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN) như hộ khẩu, đất đai. Kho dữ liệu dùng chung của thành phố đảm bảo để phục vụ các ngành, các cấp trong quá trình chuyển đổi số. Hiện nay Thành phố đã cung cấp một số hồ sơ điện tử thay thế hồ sơ giấy thông qua dịch vụ công như cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hộ khẩu, đăng ký kinh doanh...
Phòng vận hành hệ thống thông tin Chính quyền điện tử Đà Nẵng. |
Luôn thích ứng với nhu cầu xã hội
Trên nền tảng hạ tầng được đầu tư đồng bộ từ sớm, Đà Nẵng đã phát triển nhiều ứng dụng thông minh phục vụ theo nhu cầu của người dân, du khách, DN. Các ứng dụng xuất hiện kịp thời và sẵn sàng thích ứng, hiệu chỉnh khi có góp ý phản hồi từ người sử dụng. Đơn cử trong thời điểm đại dịch phức tạp, Đà Nẵng đã triển khai 17 giải pháp công nghệ để phòng chống dịch, nổi bật như thẻ đi chợ, giấy đi đường QRCode, bản đồ dịch tễ, ứng dụng quản lý và phân tích dữ liệu khai báo y tế điện tử… Chỉ với app DaNang Smart City được cài trên điện thoại thông minh người dùng có thể khai báo, nhận về ngay mã QRCode xác định tình trạng tiêm vaccine với 3 nhãn màu tương ứng (chưa tiêm, tiêm 1 mũi, tiêm 2 mũi). Mã QRCode này được sử dụng để kiểm soát ra vào nhà hàng, siêu thị, công sở, bệnh viện… hỗ trợ hiệu quả trong truy vết, kiểm soát dịch. Có gần 5.000 cơ quan, đơn vị tại Đà Nẵng đã sử dụng thiết bị quét mã QRCode này để chống dịch.
Không những thế, qua Danang smart city người dân có thể sử dụng hàng trăm tiện ích khác. Cụ thể như sử dụng dịch vụ công trực tuyến về tra cứu, đăng ký dịch vụ; quản lý văn bản và điều hành; tra cứu lịch trình xe buýt (DanaBus và Busmap); thông tin du lịch; khai thác dữ liệu mở; dịch vụ đỗ xe thông minh… Đặc biệt, Danang smart city tích hợp dịch vụ hỗ trợ từ cộng đồng qua ứng dụng Kuuho, giúp người dùng đưa ra các yêu cầu hỗ trợ trong tình huống khẩn cấp, kêu gọi sự giúp đỡ (hư xe, sửa chữa điện, nước…) hoặc phản ánh, góp ý (liên thông đến Cổng góp ý Đà Nẵng). Khảo sát cho thấy, 98% người dân, DN hài lòng khi sử dụng các ứng dụng, tiện ích trên môi trường số ở Đà Nẵng.
Ngoài phát triển các ứng dụng thông minh trên nền tảng hạ tầng viễn thông phục vụ người dân, Đà Nẵng còn ứng dụng hiệu quả vào quản trị xã hội. Từ 5 năm trước thành phố đã triển khai xử phạt nguội vi phạm giao thông qua hệ thống camera giám sát (khoảng 200 camera). Thành phố cũng có hệ thống 34.500 camera giám sát an ninh huy động từ người dân, DN và 1800 camera an ninh chuyên dụng. Hiện 100% y tế các cấp ở Đà Nẵng triển khai ứng dụng y tế điện tử từ một nền tảng dùng chung. Đặc biệt, nhờ huy động sự hỗ trợ, tham gia của chuyên gia, doanh nghiệp, Đà Nẵng đã phát triển được nhiều sản phẩm công nghệ có thương hiệu như Trạm đo mưa, nền tảng VMS, nền tảng quan trắc môi trường, các ứng dụng phòng chống dịch…
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế về chuyển đổi số như đã nêu, Đà Nẵng cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, thách thức lớn nhất với chuyển đổi số là thay đổi thói quen từ truyền thống sang sử dụng công nghệ số, dữ liệu số, hoạt động trên môi trường mạng. Kế tiếp là xây dựng nguồn dữ liệu sạch và chuẩn. Cơ sở dữ liệu của Thành phố hiện chưa được tạo lập toàn diện, còn rời rạc, cát cứ. Hầu hết hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại nhiều cơ quan thành phố chưa được số hóa, lưu trữ và quản lý như bản vẽ quy hoạch, thiết kế xây dựng, hộ tịch, tài nguyên và môi trường... Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành chưa được thu thập, chia sẻ về Kho dữ liệu dùng chung để làm sạch, chuẩn hóa và chia sẻ, khai phá.
(còn tiếp) HẢI QUỲNH