Giải tỏa trong giải tỏa
* Sơn Trà- minh chứng cho sự cộng hưởng của thành tựu chỉnh trang đô thị
(Cadn.com.vn) - Không có một cuộc chỉnh trang nào không nảy sinh những xáo trộn. Với Đà Nẵng, nơi cường độ chỉnh trang đô thị diễn ra một cách chóng mặt trong nhiều năm liền, việc sinh hoạt, đời sống của cư dân bị tác động là điều không tránh khỏi. Vậy nhưng, thật diệu kỳ và đáng để tự hào, đa số người dân Đà Nẵng đều tự nguyện chấp hành di dời, giải tỏa, nhường đất cho những dự án làm đẹp, phát triển thành phố. Có thể, kết quả to lớn ấy xuất phát từ truyền thống yêu quê hương đất nước; từ đức hy sinh cao cả và tinh thần dám nghĩ dám làm của người dân Đà Nẵng; sự đoàn kết, đồng thuận từ người dân đến chính quyền...
Nhưng, sẽ rất thiếu sót nếu như chúng ta không nói về “cách làm”, “lộ trình” của Đà Nẵng trong công tác này, để tự thân nó đã trở thành thương hiệu của thành phố bên bờ sông Hàn, được các địa phương trong cả nước học tập. Trải qua kinh nghiệm hàng chục năm trong công tác chỉnh trang đô thị ở Đà Nẵng, có một bài học được đúc kết: một khi quyền lợi của người dân vùng giải tỏa được quan tâm sâu sắc, một khi những vướng mắc trong công tác giải tỏa được “giải tỏa” thấu đáo... người dân sẽ tích cực ủng hộ.
Trong khuôn khổ của loạt bài này, chúng tôi xin nêu vài minh chứng thuyết phục từ đại diện một quận nội thành (Sơn Trà) và một đại diện cho một phường nông nghiệp (Hòa Xuân).
Mới đây thôi, chỉ mươi mười lăm năm về trước, Sơn Trà vẫn còn “bị” xem là một vùng đất kém phát triển. Giờ đây, Sơn Trà không chỉ đẹp hẳn lên trong mắt người dân và du khách mà còn đang sở hữu nhiều cái “nhất” đáng mơ ước. Đó là những tuyến đường thuộc hàng đẹp nhất nhì Đà Nẵng như Phạm Văn Đồng, Trần Hưng Đạo, Sơn Trà-Điện Ngọc; là một phần không thể thiếu của những cây cầu đẹp nhất miền Trung như cầu Sông Hàn, cầu Thuận Phước và tương lai là cầu Rồng; có bãi biển đẹp và quyến rũ thuộc tốp đầu hành tinh; có bán đảo Sơn Trà-nét chấm phá độc đáo của thiên nhiên đang hội tụ những dự án du lịch sinh thái lớn nhất Đà Nẵng...
Những khu phố mới bên chân núi Sơn Trà. |
Nhưng, để có được Sơn Trà như hôm nay, vùng đất này đã và đang diễn ra những cuộc chỉnh trang liên tục. Điều dễ dàng nhận thấy là khi đặt chân đến bất cứ phường nào của Q. Sơn Trà cũng có thể bắt gặp hình ảnh các công trình đường sá, nhà cửa, cống thoát nước... đang hối hả thi công, tất cả như một đại công trường. Chỉ riêng năm 2008, trên địa bàn Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng có 34 dự án về đầu tư giải phóng mặt bằng được triển khai thực hiện với số hộ di dời, giải tỏa lên đến hàng ngàn hộ dân cư.
Trong đó, một số dự án lớn như: Khu du lịch dịch vụ ven sông Hàn 180 hộ; Khu tổ hợp dịch vụ cao cấp phía đông cầu Sông Hàn 223 hộ; khu tái định cư đầu tuyến Sơn Trà-Điện Ngọc 203 hộ; Khu dân cư (KDC) Suối Đá 65 hộ; Khu cuối tuyến Bạch Đằng Đông 70 hộ; Đường nội bộ An Hải Đông 231 hộ. Đặc biệt, dự án đường Nguyễn Văn Linh đến đường Sơn Trà-Điện Ngọc là dự án có số hộ giải tỏa nhiều nhất (1.070 hộ), chưa kể một số dự án giải tỏa trong những năm trước nhưng hiện vẫn còn một số hộ chưa di dời.
Tính đến cuối tháng 12-2008, tổng số hộ đã chấp hành giải tỏa, bàn giao mặt bằng trên địa bàn toàn quận là 1.100 hộ. Chính sách đền bù giải tỏa và hỗ trợ nhà đất đối với các hộ giải tỏa đều được thực hiện đúng pháp luật và các quy định của UBND thành phố, mà mục tiêu trên hết vẫn là “nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”. Các khiếu nại, yêu cầu của nhân dân đều được xem xét, giải quyết đúng trình tự quy định. Các hộ không chấp hành việc bàn giao mặt bằng đều được lãnh đạo quận tiếp dân trực tiếp để kiểm tra lại hồ sơ và giải quyết thấu đáo.
Năm 2009, địa bàn Q. Sơn Trà còn khoảng 12 dự án dở dang tiếp tục thực hiện giải tỏa, trong đó có những dự án có số lượng hộ dân phải giải tỏa nhiều như: Dự án đường Nguyễn Văn Linh đến đường Sơn Trà-Điện Ngọc; vệt thương mại dịch vụ Nguyễn Phan Vinh-Lê Văn Thứ, đường nội bộ An Hải Đông... Tính đến ngày 15-6-2009, 5 đơn vị chủ đầu tư đang thực hiện hàng chục dự án trên địa bàn Q. Sơn Trà, đó là: BQLDA công trình Bạch Đằng Đông 4 dự án với tổng số 1.422 hồ sơ; Ban Giải tỏa các dự án đầu tư xây dựng số 3: 8 dự án tổng số 1.762 hồ sơ; BQL các dự án phát triển đô thị Đà Nẵng 2 dự án (1.412 hồ sơ); Ban Giải tỏa đền bù các dự án đầu tư-xây dựng Đà Nẵng thực hiện 2 dự án (1.377 hồ sơ); Cty ĐầU tư phát triển nhà Đà Nẵng thực hiện 1 dự án (55 hồ sơ.)
Những số liệu trên cho thấy Sơn Trà không chỉ nhiều về số lượng dự án, số hộ dân phải giải tỏa mà trong quá trình giải quyết còn nảy sinh không ít các vấn đề phức tạp. Bên cạnh phần đông nhân dân ủng hộ chủ trương chỉnh trang đô thị của thành phố và tự giác chấp hành việc giải tỏa đền bù, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công thì cũng còn một số ít trường hợp chây ì, không chịu nhận tiền đền bù, cản trở việc thi công, khiếu kiện kéo dài...
Năm 2008, UBND quận đã phải ban hành hơn 200 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong đó tại dự án Khu du lịch dịch vụ ven sông Hàn 20 trường hợp; KDC An Cư 4 23 trường hợp; KDC An Cư 5 21 trường hợp; khu cuối tuyến Bạch Đằng Đông 32 trường hợp. Các trường hợp xử lý hành chính và cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đều được thực hiện đúng trình tự và quy định của pháp luật, do vậy phần lớn các hộ thuộc diện này sau khi có quyết định đều tự giác chấp hành hoặc xin được tự tháo dỡ, UBND quận chỉ phải tổ chức cưỡng chế thu hồi đất 5 trường hợp, trong đó cưỡng chế tháo dỡ nhà 2 trường hợp, cưỡng chế thi công 3 trường hợp.
Nói về công tác giải tỏa, ông Huỳnh Văn Hùng, Phó Chánh Văn phòng UBND Q. Sơn Trà cho rằng: “Công tác đền bù giải tỏa là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, đời sống, tập quán sinh hoạt, quan hệ cộng đồng của từng hộ gia đình nên trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện phải hết sức chặt chẽ, khách quan, công minh. Người cán bộ làm công tác giải tỏa đền bù phải am hiểu về các chính sách, pháp luật, nhiệt tình và có cái tâm trong sáng thì mới thuyết phục được người dân, dân mới tin và ủng hộ”. Cũng theo ông Hùng, quan trọng nhất trong công tác giải tỏa chính là... giải tỏa lòng dân. Khi người dân tin vào chính sách đền bù phân minh, hợp tình hợp lý, công bằng... thì những vướng mắc nếu có, dù phức tạp đến mấy cũng có thể giải tỏa.
Những hộ dân nghèo nhất ở các khu vực nhà chồ cũng đã được thành phố quan tâm giải quyết nơi ở, những căn nhà nằm sâu trong kiệt hẻm chi chít hầu hết đều ra ở mặt tiền khang trang, điều kiện điện nước được cung cấp đầy đủ. Những hộ dân khá giả hơn làm nhà cao tầng, biệt thự, nhà vườn... ở những khu đất thương mại, du lịch trị giá hàng tỷ đồng... Rõ ràng, người dân đang là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ những dự án chỉnh trang đô thị. Sự cộng hưởng ấy là minh chứng thuyết phục rằng cách làm lâu nay của Đà Nẵng là hợp pháp lẫn hợp lòng dân. Sự thành công của dự án trước tạo tiền đề cho sự thành công dự án sau... Thậm chí, nhiều hộ dân các khu vực chưa có dự án còn mong khu vực, nơi ở của mình sớm... được giải tỏa!
Minh Hằng- Đăng Vinh
(còn nữa)