Giao hữu đội tuyển Hàn Quốc - đội tuyển Việt Nam: Dưới bóng dáng Park Hang-seo...
Quá khứ có bao xa
Bóng đá Việt Nam được thế giới biết đến nhiều hơn dưới “triều đại” HLV Park Hang-seo, đặc biệt với người hâm mộ xứ Hàn. Trước đó, bóng đá Hàn Quốc đã gặp Việt Nam 6 lần, thắng áp đảo (5 lần), chỉ thua 1 (tại vòng loại Asian Cup 2004). Nhưng phải đến năm 2018, ở VCK U23 châu Á, cái tên Việt Nam mới khiến khán giả xứ kim chi thực sự ngưỡng mộ, bởi ở giải đấu mà lứa 23 của họ chỉ xếp chung cuộc thứ 4, thì Việt Nam lên ngôi Á quân. Quan trọng hơn, người dẫn dắt U23 Việt Nam suýt lên ngôi cao nhất giải đấu ấy lại mang cái họ rất Hàn: họ Park, vốn bị nhiều đội bóng, chuyên gia Hàn Quốc “chê ỏng chê eo””.
Những thành tích ấn tượng tiếp sau đó của đội tuyển Việt Nam dưới sự dẫn dắt của “Thầy Park” khiến tên tuổi của ông nổi như sóng tại quê nhà, trở thành “người đặc biệt” và góp phần cho mối quan hệ 2 quốc gia Hàn- Việt nâng lên tầm cao mới. Việc đội tuyển Hàn Quốc nhận lời đá giao hữu với đội tuyển xếp dưới mình 69 bậc, phải chăng có một phần từ mối “giao hữu” ấy?
Phiên bản Park Hang-seo thời Troussier?
Sau 2 trận thua trước Uzbekistan và Trung Quốc cùng với tỷ số 0-2, HLV Troussier và các học trò dự báo sẽ gặp khó khăn hơn trước đội tuyển Hàn Quốc xếp hàng đầu châu lục. Không chỉ là kế hoạch, bối cảnh buộc HLV Troussier phải tung ra những gì tốt nhất có trong tay vào chiều nay, trừ Quang Hải, Tiến Linh gặp những sự cố bất khả kháng.
Trước đối thủ mạnh như Hàn Quốc, HLV Troussier có lẽ buộc phải “gác” lại quan điểm kiểm soát bóng, thay vào đó là phương án phòng ngự chặt chẽ. Nhà cầm quân người Pháp cũng đã dự liệu, là cần “ hoàn thiện và củng cố hơn nữa tổ chức phòng ngự trong tình huống mở” và “chỉ có thể kiểm soát 30-35% thời lượng bóng”. Có nghĩa, HLV Troussier ý thức và chấp nhận thực tế khó đôi công hoặc kiểm soát trận đấu trước đối thủ giỏi làm điều đó hơn các học trò gấp nhiều lần. Và cũng có thể hiểu, không phải là hệ thống vận hành 3-4-3, mà là 3-5-2 hoặc 5-4-1 cho trận đấu chiều nay. Nếu đúng thế, đội tuyển Việt Nam trở lại hình hài thời HLV Park Hang-seo!
Hành trình phải trải qua
Dù hệ thống 3-5-2 hay 5-4-1 không hề xa lạ Quế Ngọc Hải, Duy Mạnh, Hùng Dũng, Hoàng Đức hay Tuấn Anh, nhưng phần còn lại vẫn là những dấu hỏi. Nên vậy, dù phương án phòng ngự có được áp dụng, nó khó có thể vận hành thuần thục như thời HLV Park Hang-seo, đặc biệt trước lối chơi đa dạng của đội tuyển Hàn Quốc, với những ngôi sao đẳng cấp thế giới như như Hwang Hee Chan, Lee Kang In hay có khả năng cả Son Heung Min.
Một trận thua nữa trước đội tuyển Hàn Quốc là rất thực, đã được tính đến và “chẳng thấm vào đâu” với hành trình rất xa, rất dài và rất khó khăn phải đi đến World Cup. Nhưng băn khoăn là cách HLV Troussier lựa chọn thế nào cho đội hình ra sân ở Suwon World Cup. Đặng Văn Lâm, Quế Ngọc Hải, Duy Mạnh, Thanh Bình đã là ưu tiên số 1 cho hàng thủ, nhưng liệu Triệu Việt Hưng, Việt Anh vốn quen xu hướng dâng cao có được sử dụng?. Nếu vậy quá nguy hiểm. Đức Chiến, Hoàng Văn Toàn với khả năng hỗ trợ phòng ngự tốt, nhưng có chắc chắn được HLV Troussier trọng dụng?. Trong vai trò cặp tiền vệ trung tâm, Tuấn Anh và Hùng Dũng dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cả 2 nhiệm vụ phòng ngư và hỗ trợ trong các tình huống “mở”, bởi đối thủ của họ thể lực được ví như được “ướp sâm Cao Ly”, thừa kỹ thuật lẫn kinh nghiệm. Vậy Hoàng Đức có phải được kéo về sát cánh cùng 2 đàn anh thiết lập lớp phòng thủ từ xa mà tạm quên thử nghiệm “đá tiền đạo” như vài trận gần đây?… Nếu thế, nhiệm vụ kết thúc các tình huống “mở” lại được giao cho Văn Toàn vốn quen với “thổ nhưỡng” hay Tuấn Hải trẻ trung, nhiệt huyết?...
Đó là những gì tốt nhất có thể tính đến trong bối cảnh nhân sự hiện có, nhưng biết đâu HLV Troussier có tính toán khác?. Quả thật, khi lần đầu tiên có thể đội tuyển Việt Nam chơi phòng ngự dưới thời HLV Troussier có quá nhiều điều để khiến người hâm mộ tò mò, trong đó không thể thiếu một “khán giả” đặc biệt: thầy Park.
T.S