Giúp dân chạy lũ, một Trung úy Công an ra đi mãi mãi

Thứ hai, 17/10/2022 17:27
3 ngày qua, đồng đội, người thân và hàng xóm vẫn còn bàng hoàng, chưa vơi được nỗi tiếc thương trước sự ra đi của Trung úy Trần Văn Cường - cán bộ Công an phường (CAP) Thọ Quang, Q. Sơn Trà (P Đà Nẵng). Là Phó bí thư Chi đoàn CAP, dù đã hoàn thành  ca trực theo quy định nhưng Cường đã xung phong ở lại đơn vị cùng đồng đội giúp đỡ nhân dân thoát khỏi các vùng nguy hiểm trong đêm cả Đà Nẵng ngập sâu trong đợt lụt lịch sử. Nhiều người dân đã thoát nạn trong thời khắc nguy hiểm với sự giúp đỡ của lực lượng Công an, nhưng anh đã mãi mãi ra đi sau ca trực dang dở.
Hình ảnh giúp đỡ nhân dân đi làm căn cước công dân.
Bà Nguyễn Thị Sớt bàng hoàng như đứt từng khúc ruột khi con mình ra đi giữa độ tuổi thanh xuân.

“Ở lại với anh em đi giúp bà con”

Phân chia quân số để vừa giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ vừa cùng gia đình lo cho đồng đội an nghỉ, những ngày qua cán bộ chiến sĩ CAP Thọ Quang dù cố điềm tĩnh đến mấy vẫn không giấu được niềm thương tiếc người đồng đội trẻ. Không ai ngờ được rằng, buổi tối anh em lạnh căm, rát mặt vì mưa lũ 14-10 lại là ca trực cuối cùng sát cánh với Cường thực hiện nhiệm vụ giúp đỡ nhân dân.

Thiếu tá Nguyễn Thị Nhung- Phó trưởng CAP Thọ Quang rưng rưng khi kể về người đồng đội trẻ hiền lành nhưng chỉn chu và đầy trách nhiệm trong công việc. Tối Đà Nẵng mưa lớn, Cường vừa hoàn thành ca trực của mình, định tranh thủ về nhà gia cố nhà cửa cho mẹ và vợ yên tâm như lời hứa trước ngày vào đơn vị. Nhưng điện thoại trực ban liên tục reo, người dân kêu cứu khắp nơi khi mưa quá lớn uy hiếp đến tính mạng. Quân số của phường có 26 cán bộ chiến sĩ thì tất cả đã chia ra các tổ công tác để ứng cứu bà con tại các khu dân cư xung yếu trên đường Lê Văn Lương, Nguyễn Phan Vinh, Yết Kiêu và dưới chân núi Sơn Trà. Không chút do dự, Cường xung phong ở lại để chia lửa cùng đồng đội. “Cường nói anh em làm không hết việc, người dân đang cần thì mình không thể về nhà lúc này. Đây là thời khắc có 2 ông cháu ở đường Nguyễn Phan Vinh bị lũ cuốn, một cán bộ Ban Chỉ huy quân sự quận gặp nạn nên anh em đều nhanh chóng lao ra đường”, Thiếu tá Nhung kể lại.

Lãnh đạo CAQ Sơn Trà thăm hỏi, động viên, chia buồn cùng mẹ Trung úy Trần Văn Cường và gia đình.

Trời mưa tầm tã, nước ngập nhanh khiến nhiều hộ dân trong các khu dân cư trên địa bàn P. Thọ Quang chới với. Dự liệu phải duy trì quân số, phương tiện trong thời gian dài mới đảm bảo an toàn cho bà con, lãnh đạo CAP Thọ Quang đã đề xuất CAQ Sơn Trà tăng cường thêm công cụ, phương tiện thiết yếu như đèn pin, áo phao cứu sinh. Do ô-tô chuyên dụng đang thực hiện nhiệm vụ di dân nên Trung úy Cường và đồng đội là Thượng úy Nguyễn Văn Hoài Nam phải dùng ô-tô cá nhân đến trụ sở Công an quận nhận trang bị. Khi đến ngã ba Ngô Quyền - Đỗ Anh Hàn, mưa to gió lớn đã quật mạnh khiến Cường chao đảo rồi va chạm với ô-tô đang đậu bên đường. Thượng úy Nam xuất phát sau mấy phút, phát hiện đồng đội mình gặp nạn đã lập tức gọi xe cấp cứu nhưng hệ thống giao thông tê liệt, không thể tiếp cận. Nam nhanh chóng đề nghị xe chuyên dụng và cán bộ chiến sĩ CAP An Hải Bắc bế Cường nhanh chóng vào Bệnh viện Đà Nẵng. “Nước dâng cao, xe cộ, đồ đạc của người dân trôi trên đường khiến việc di chuyển rất chậm. Chúng tôi ai nấy nóng ruột khi nhìn thấy đồng đội mình nguy kịch nhưng không thể làm nhanh hơn. Chứng kiến Cường ra đi ngay trước mắt mình mà không cứu được đau xót lắm”, Thượng úy Nguyễn Văn Hoài Nam khóc nghẹn.

Dù được y bác sỹ Bệnh viện Đà Nẵng tận tình cứu chữa nhưng Trung úy Trần Văn Cường đã không qua khỏi.

Đồng đội tiếc thương chào tiễn biệt Trung úy Trần Văn Cường.

Dang dở lời hứa với mẹ và vợ

Trong căn nhà nằm bên bờ sạt lở của sông Cổ Cò ở tổ 4, P. Hòa Hải, Q. Ngũ Hành Sơn, mỗi lần tỉnh dậy bà Nguyễn Thị Sớt vịn vai con dâu dìu ra để ôm lấy di ảnh, mân mê đôi cầu vai, cái bảng tên của đứa con trai hiền lành rồi khóc nghẹn. Cường hứa mãi với mẹ “con và anh em giúp bà con tới nơi an toàn rồi con về lo nhà mình”, nhưng rồi niềm tự hào của bà và gia đình cuối cùng đã ra đi mãi khi còn dở ca trực trong đêm Đà Nẵng mưa trắng trời. Căn nhà bà Sớt ở với vợ chồng Cường đã xuống cấp lâu năm nhưng không được sửa chữa do vướng quy hoạch dự án. Trước ngày vào ca trực, Cường tranh thủ thời gian chèn bao cát lên mái, khắc phục chỗ thấm dột và vây chỗ sạt lở trước sân để mẹ và vợ yên tâm rồi mới lên đơn vị. “Nó nói tui yên tâm, đợt này mưa to chứ không có bão. Nhà ở nơi cao, lại gần sông nên không ngập lụt. Nhưng mưa liên tục, nước vây lấy nhà, chảy mạnh sạt hết ngõ vào. Tôi gọi điện thì nó bảo ráng chờ xí, đưa bà con ra khỏi vùng nguy hiểm rồi về liền. Ai ngờ nó thất hứa không về nữa…”, bà Sớt khóc ngất.

Chị Đặng Ngọc Thảo, vợ Cường 3 ngày qua suy sụp, khóc hết nước mắt. Vợ chồng Thảo- Cường cưới nhau vào năm 2020. Trong 2 năm qua vừa dịch bệnh vừa thiên tai nên thời gian Cường ờ nhà không được nhiều. Khi thì cách ly xã hội, bám đơn vị để giúp dân vùng phong tỏa, khi thì phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn…, có thời gian chồng ở đơn vị nhiều hơn ở nhà nên chưa có thời gian tính chuyện sinh con. “Tụi em tính đi chơi cùng nhau đâu đó cũng nói mãi chưa thực hiện được. Vừa rồi thấy công việc ổn dần, mẹ và anh chị giục quá, hai vợ chồng lên kế hoạch cuối năm chuẩn bị, sang năm sinh em bé. Vậy mà… Giờ cứ nghĩ đến nụ cười hiền lúc ảnh đi trực, rồi nước mắt đồng đội khi đưa về trong bộ quân phục ướt sũng, em thương ảnh vô cùng”, chị Thảo đưa chiếc khăn tang lên lau nước mắt nức nở.


Trung úy Trần Văn Cường ra đi khi làm nhiệm vụ giúp dân, tuổi đời còn rất trẻ.
Hình ảnh giúp đỡ nhân dân đi làm căn cước công dân.

Mân mê tấm ảnh của em trai, chị Trần Kim Hường không sao tin được đứa em út mà cả nhà dành hết tình thương yêu và niềm tự hào đã không còn nhoẻn miệng cười mỗi buổi sáng và rộn tiếng đầu ngõ mỗi khi hết ca trực trở về. Mỗi bận cậu út về thì mấy đứa cháu hay có gói bánh, chai nước ngọt, còn anh chị em sống gần trong xóm có mớ cá biển tươi ngon. “Cường con út trong nhà, dù nghèo khó nhưng được mẹ và anh chị yêu thương từ nhỏ. Hồi đi nghĩa vụ, nó quyết tâm phải tự học để thi đậu vào trường Công an. Khi ước mơ thành hiện thực, cả nhà mừng và tự hào lắm. Có đồng lương nó chăm mẹ, chăm vợ rồi chia sẻ với anh chị đã đùm bọc, tiếp sức những ngày khó khăn. Niềm vui chưa được nhiều, gia đình còn vất vả mà em nó đi khi nhiều dự định còn dang dở…”, chị Hường nghẹn ngào.

Nhìn bức di ảnh của người đồng đội hiền lành mà không cầm được nước mắt, Thiếu tá Nguyễn Thị Nhung xúc động: “Cường là Phó bí thư Chi đoàn Công an phường, sống hiền lành, tình cảm với đồng chí, đồng đội, trách nhiệm với công việc và được bà con nhân dân yêu quý. Mất một người đồng đội như vậy, đau xót vô cùng. Giờ mong em yên nghỉ, phần việc còn lại, chúng tôi sẽ làm thay em”.

Công Khanh