Gỡ điểm nghẽn trong thực hiện mô hình chính quyền đô thị

Thứ năm, 25/08/2022 10:42
Chủ trì sơ kết 1 năm triển khai mô hình Chính quyền đô thị (CQĐT) vào chiều 24-8, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã ghi nhận nhiều phản ánh và kiến nghị về các điểm nghẽn, vướng mắc khi thực hiện mô hình này từ cơ sở.
Việc thực hiện mô hình CQĐT ở Đà Nẵng vẫn còn nhiều vướng mắc cần sớm tháo gỡ.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh chủ trì sơ kết 1 năm thực hiện mô hình CQĐT chiều 24-8.

Việc triển khai mô hình CQĐT cùng với các cơ chế đặc thù được kỳ vọng tạo động lực lớn giúp Đà Nẵng phát triển mạnh hơn. Qua thực tế 1 năm triển khai, tính ưu việt của mô hình CQĐT cũng thể hiện rõ nét. Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng cho biết, bộ máy tổ chức chính quyền đã tinh gọn hơn, thủ tục hành chính được cắt giảm, phân cấp phân quyền mạnh mẽ (đã phân cấp 18 nội dung về tổ chức bộ máy, quản lý đầu tư, đô thị, tài nguyên, ngân sách và ủy quyền 72 nhiệm vụ). Cũng theo ông Đồng, tính chủ động của chính quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính cấp quận, phường đã được tăng lên.

Trong khi đó, ông Lê Tự Gia Thạnh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho biết, từ khi thực hiện mô hình CQĐT, công chức phường chuyển thành công chức quận thì việc điều động, luân chuyển cán bộ dễ dàng, chủ động hơn. Trước đây, cán bộ công chức phường giỏi, muốn điều động lên quận phải trình hồ sơ thủ tục qua Sở Nội vụ rất phức tạp. Nay đều là công chức quận vì vậy quận có thể chủ động luân chuyển từ phường này sang phường khác, địa bàn khác cho phù hợp với điều kiện, tình hình và yêu cầu công tác. Cũng theo ông Thạnh, khi thực hiện mô hình CQĐT, nhiều nhiệm vụ được phân cấp, ủy quyền dẫn tới thủ tục giải quyết nhanh hơn. Chẳng hạn việc công chứng, chứng thực được ủy quyền từ lãnh đạo phường cho cán bộ tư pháp, hộ tịch, người dân đến giải quyết chứng thực thuận lợi hơn, nhanh hơn.

Ông Nguyễn Hòa nói về việc bị động trong nguồn chi xử lý các vấn đề cấp bách, phát sinh từ cơ sở.

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Phụng cho biết, thời điểm triển khai thí điểm mô hình CQĐT đầu tháng 7-2021, là thời điểm Đà Nẵng đối mặt với đại dịch Covid-19. Do đó, tại các quận, phường phát sinh nhiều khoản chi cần xử lý gấp, đảm bảo yêu cầu an sinh xã hội, chống dịch. Tuy nhiên, cấp quận, phường lại chuyển sang đơn vị dự toán ngân sách, đều phải đề xuất, xin cấp ngân sách từ thành phố, cần thời gian. Trước thực tế đó, thành phố cũng đưa ra nhiều giải pháp khắc phục, đảm bảo nguồn chi chống dịch, cấp bách cho quận, phường. “Đang từ 1 cấp ngân sách chuyển sang cấp dự toán ngân sách sẽ có những bỡ ngỡ bước đầu. Cũng giống như lúc đầu quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm, thấy khó khăn, nhưng dần vào nề nếp, sẽ quen”- ông Phụng chia sẻ.

Mặc dù vậy, ý kiến từ lãnh đạo quận, phường cũng cho thấy nhiều điểm nghẽn, vướng mắc khi triển khai mô hình CQĐT cần sớm có giải pháp tháo gỡ. Chủ tịch UBND phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê cho biết, khi chuyển cán bộ công chức phường thành cán bộ công chức quận đã dẫn tới tâm lý so sánh của cán bộ khối đảng, đoàn thể. Bởi lẽ, cán bộ khối đảng, đoàn thể vẫn là công chức phường. Mặt khác, khi thực hiện CQĐT, phường Vĩnh Trung cũng là cấp dự toán ngân sách, rất bị động trong chi tiêu các vấn đề cấp bách. Đơn cử trong dịch sốt xuất huyết vừa qua, phường chi hơn 1 triệu đồng để phòng chống, ghi vào khoản chi khác, nhưng khi đưa lên kho bạc nhà nước gạt ra, yêu cầu đưa vào mục y tế. Trong khi mục y tế, mỗi năm phường chỉ được cấp khoảng 10 triệu đồng, vì thế rất bị động.

Tương tự, ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch UBND Q.Ngũ Hành Sơn cho biết, ở cơ sở rất nhiều vấn đề phát sinh đột xuất, cần xử lý gấp, từ trường lớp hư, ống cống sụp, cây xanh ngã đổ, dịch bệnh bùng phát, xóa đói giảm nghèo… Do đó, quận phải có sẵn nguồn chi, khi cần xử lý ngay, đảm bảo yêu cầu. Bây giờ là cấp dự toán, cái gì cũng đề xuất, xin kinh phí thành phố, thời gian chờ đợi lâu, nhiều khi kế hoạch chi phát sinh không giống kế hoạch dự toán ban đầu. Cũng theo ông Hòa, dự toán ngân sách giao cho quận theo quy mô dân số, nhưng thực chất số lượng đầu việc các quận đều phải đảm bảo như nhau. Trước quận Ngũ Hành Sơn mỗi năm được giao 500 tỷ đồng, nay hụt 117 tỷ đồng, nhưng những đầu việc vẫn thế. “Trong số 385 tỷ đồng giao về quận riêng chi cho giáo dục đã 130 tỷ đồng, còn rất nhiều việc khác, làm sao đảm bảo nguồn chi. Vì vậy phải xem xét lại”- ông Hòa kiến nghị.

Việc thực hiện mô hình CQĐT ở Đà Nẵng vẫn còn nhiều vướng mắc cần sớm tháo gỡ.

Một số ý kiến từ cơ sở cũng cho rằng, phải khẩn trương phân cấp cho các quận được làm chủ đầu tư các dự án đầu tư công quy mô nhỏ trên địa bàn. Nhiều công trình dân sinh bức xúc, mức đầu tư chỉ vài trăm triệu đồng, nếu giao cho quận quyết, xử lý rất nhanh. Ngược lại, phải làm đề xuất, xin kinh phí từ thành phố, quy trình thủ tục phức tạp, thời gian lâu, không đảm bảo yêu cầu thực tiễn phát sinh ở cơ sở.

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết đã thống nhất ủy quyền cho các quận làm chủ đầu tư các dự án đầu tư công quy mô nhỏ trên địa bàn. Theo đó việc ủy quyền gắn liền với phân bổ nguồn vốn để triển khai. Trước mắt tạm ủy quyền trong thời gian thí điểm mô hình CQĐT đến hết năm 2023. Về nguồn ngân sách để xử lý các vấn đề cấp bách, phát sinh từ cơ sở, ông Chi cho biết vừa rồi TP đã thống nhất chuyển phần vượt thu ngân sách về cho các địa phương. Hiện thu ngân sách toàn thành phố đã đạt 85%, trong đó nhiều địa phương đã về đích kế hoạch thu ngân sách. Riêng phần tăng thêm vượt thu các địa phương sẽ được phân bổ để chủ động giải quyết các vấn đề cấp bách, phát sinh. Ngoài ra, những vướng mắc khi thực hiện mô hình CQĐT mà vượt thẩm quyền, thành phố cũng đã đề xuất, kiến nghị Trung ương sớm tháo gỡ.

HẢI QUỲNH