Góc khuất ở “thủ phủ vàng” Phước Sơn (Kỳ 1: “Điểm nóng” bãi vàng Khe 39)
Phước Sơn là địa phương duy nhất của Quảng Nam có nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản vàng. Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, nguồn thuế thu được từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này chẳng được bao nhiêu. Trong khi đó, hệ quả của hoạt động này đem lại rất nghiêm trọng, đặc biệt trong vấn đề ô nhiễm môi trường, bóc lột sức lao động, sử dụng lao động trẻ em... Vừa qua, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã có nhiều ngày thâm nhập một số mỏ vàng tại đây, qua đó ghi nhận những thực tế nhức nhối, đáng báo động...
Các đối tượng giữ chốt, ngăn cản không cho P.V vào bãi vàng Khe 39. |
Hỗn chiến ở bãi vàng
Bãi vàng đầu tiên mà nhóm P.V chúng tôi tìm cách thâm nhập đó là bãi vàng Khe 39 (thuộc thôn 5, xã Phước Hòa, H. Phước Sơn) do Cty TNHH Phước Hưng quản lý. Sở dĩ chúng tôi chọn bãi vàng này bởi mới đây, ngày 29-5-2020, tại bãi vàng này đã xảy ra vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng khiến 2 người thương vong.
Theo kết quả điều tra ban đầu, sau khi nhận điện thoại của mẹ, sáng 29-5 Lô Văn Lợi (1997, trú xã Noong Hẻo, H. Sìn Hồ, Lai Châu) xin quản lý bãi vàng cho về quê vì gia đình có việc, nhưng quản lý không đồng ý. Sau khi năn nỉ không thành, lúc này Lợi nói với quản lý: “Không cho cũng về vì nhà có việc”. Nói rồi Lợi bỏ đi. Đi được một đoạn thì bị quản lý bãi vàng là ông Nguyễn Công Hưng (1983) và ông Phạm Văn Toản (1963, cùng trú H. Đồng Hỷ, Thái Nguyên) đuổi theo bắt Lợi về. Cả hai đánh Lợi ngay ngoài đường rồi dẫn về lán trại. Tại đây, Lợi lấy một con dao dài khoảng 20cm thủ sẵn trong người phòng thân. Tại lán trại, ông Phạm Văn Toản dùng chiếc búa đánh vào đầu của Lợi, trong khi đó ông Hưng liên tiếp tát nhiều cái vào mặt Lợi. Quá bức xúc, Lợi dùng dao đâm khiến ông Toản chết trên đường đi cấp cứu, ông Hưng bị thương nặng. Sau khi gây án, Lợi cầm theo con dao bỏ trốn và tìm cách ra đến đường mòn Hồ Chí Minh. Tại đây, Lợi vào lán trại của một người dân nằm nghỉ. Đến khuya cùng ngày, đối tượng bị CAH Phước Sơn phát hiện, bắt giữ.
Hiện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam 3 tháng đối với Lô Văn Lợi về hành vi “Giết người” trong trạng thái bị kích động mạnh. Rồi đây, Lợi sẽ phải trả giá cho hành vi của mình gây ra. Tuy nhiên, để hiểu rõ hơn bản chất của vụ việc trên, chúng tôi đã tìm cách thâm nhập hiện trường, nơi xảy ra án mạng trên. Ngoài nguyên nhân trên, bãi vàng Khe 39 này cũng từng được biết đến với vụ sập hầm vào tháng 4-2013 khiến 3 phu vàng quê Thái Nguyên tử vong. Rồi liên tiếp trong hai tháng 6 và 7 cùng năm, cơ quan chức năng phát hiện tổng cộng hơn 600kg thuốc nổ và vật liệu nổ được tàng trữ trái phép tại đây... Thế nhưng, để vào khu vực bãi vàng này không đơn giản. Bởi mọi con đường dẫn vào đều bị người của Cty Phước Hưng chốt chặn, canh giữ.
Một góc bãi vàng Khe 39. |
Nơi chỉ có luật “rừng”?
Đứng bên đường mòn Hồ Chí Minh (thuộc thôn Lao Đu, xã Phước Xuân, H. Phước Sơn) nhìn xuống, chúng tôi dễ dàng nhận thấy dòng nước trắng đục chảy ra từ bãi vàng hòa vào dòng sông Nước Mỹ. Từ đây, dòng chảy này đổ về lưu vực sông Vu Gia... Đường gần nhất để vào bãi vàng Khe 39 bắt đầu từ một con đường dân sinh tiếp giáp với sông Nước Mỹ. “Các anh cứ hướng theo dòng suối đục đó mà đi. Chạy xe máy chưa đến 1 tiếng đồng hồ sẽ đến đầu khu vực bãi vàng”- người chỉ đường nói. Theo chỉ dẫn của người dân, nhóm P.V đã men theo con đường mòn dọc bờ suối để vào bãi vàng. Quan sát tại con suối, chúng tôi nhận thấy dòng nước đổi màu trắng đục và có mùi nồng nặc của hóa chất, dưới suối không có loại thủy sinh nào sinh sống.
Chất thải từ bãi vàng Khe 39 chảy ra khiến con suối đổi màu trắng đục. |
“Bãi vàng 39 thuộc khu vực xã Phước Hòa, tuy nhiên dòng suối lại chảy về hướng xã Phước Xuân. Từ khi bãi vàng hoạt động, dòng suối bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nước thải từ trong bãi vàng chảy ra màu trắng đục, có mùi rất nồng khiến các loại thủy sinh sống ở con suối chết hết. Con suối này đổ ra sông chính khiến dòng nước cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trâu bò của người dân uống phải dòng nước này bị bệnh rồi chết dần, người dân cũng không ai dám sử dụng nguồn nước này để sinh hoạt. Mặc dù người dân đã nhiều lần phản ánh đến chính quyền các cấp, nhưng tình trạng ô nhiễm trên vẫn cứ diễn ra”, ông N.V.A (55 tuổi, trú xã Phước Xuân, H. Phước Sơn) bức xúc nói.
Bãi vàng Khe 39 nằm sâu trong rừng phòng hộ Đắk Mi. Theo đường mòn nhỏ chỉ vừa lọt chiếc xe máy, chúng tôi di chuyển được khoảng 5km thì bắt gặp một điểm chốt, rào chắn ngang đường. Lúc P.V tới có 3 đối tượng xông ra ngăn cản, không cho chúng tôi vào rồi khóa cổng lại. Một đối tượng mặt mày bặm trợn lớn tiếng: “Các anh vào đây làm gì? Muốn vào phải xin phép ông chủ chứ không phải ưng là vào được. Không nhìn thấy dòng chữ ghi trước cổng là vô phận sự miễn vào sao?”. Chúng tôi xuất trình thẻ nhà báo đồng thời nói muốn vào bãi để ghi nhận hiện trường theo phản ánh của người dân về việc Cty xả thải gây ô nhiễm. Tuy nhiên, các đối tượng bảo phải được sự đồng ý của ông Quang mới được vào. P.V hỏi tiếp: “Ai cho phép các anh lập chốt giữa rừng? Đây có phải khu vực thuộc sự quản lý của Cty?”. Lúc này một đối tượng chỉ tay vào mặt nhóm P.V đáp: “Đã vào rừng phải tuân theo luật rừng, các anh không có quyền ý kiến ở đây. Biến...”.
Trước thái độ hung hãn của nhóm người gác cổng, biết không thể tiếp cận bãi vàng trên bằng con đường này nên nhóm P.V đành phải rời khu rừng tìm cách khác để thâm nhập...
(còn nữa)
BÃO BÌNH - LÊ VƯƠNG