Góp tình gởi vô Nam...

Thứ ba, 10/08/2021 18:00

Dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh, phức tạp trên cả nước, trong đó có TP Hồ Chí Minh, khiến cho thành phố hoa lệ vào bậc nhất của Việt Nam mất đi dáng vẻ nhộn nhịp, hối hả thường ngày để bắt đầu những chuỗi ngày giãn cách xã hội. Khi cả nước đang chung tay hướng về miền Nam thân yêu bằng những chiến dịch cộng đồng đầy tính nhân văn, nhân ái, thì trong lĩnh vực văn hóa - văn nghệ, văn nghệ sĩ và cả những tác giả không chuyên đã có những bài thơ, ca khúc kịp thời góp phần động viên tinh thần chống dịch và thể hiện tình cảm của mình với TP Hồ Chí Minh thân yêu...

Ca sĩ Ánh Tuyết thực hiện MV “Gởi vô Nam”.

Từ TP Hội An (Quảng Nam), ca sĩ Ánh Tuyết điện thoại cho tôi giữa trưa một ngày miền Trung nắng nóng cực độ, chị xúc động bảo rằng mình mới thu âm bài hát “Gởi vô Nam” rất hay và xúc động của nhà báo Hồ Tấn Vũ (Báo Tuổi Trẻ ) vừa sáng tác trong một nguồn cảm hứng vô cùng dạt dào khi đứng trước cảnh cả nước, mà đặc biệt là  TP Hồ Chí Minh đang gồng mình chống dịch. Và, từ miền Trung thân yêu, bà con Quảng Nam, Đà Nẵng... đã có biết bao việc làm nhân ái, góp chút tình để gởi vô Nam, chia sẻ bớt gánh nặng và nỗi lo trong những ngày giãn cách xã hội. Hồ Tấn Vũ là nhà báo, nhưng anh rất yêu thích văn nghệ, đánh ghi-ta khá hay và trong một phút ngẫu hứng, Vũ đã cầm đàn, đánh lên giai điệu tha thiết của “Gởi vô Nam”: Buổi chiều nắng chang / Mẹ tôi gom rau gởi vào trong đó /Chị tôi gom dưa gởi vào xe đò/Miền Nam mến yêu/Tấm lòng miền Trung gởi vào trong nớ /Gởi bao yêu thương theo ngàn câu hò/Gởi em muối mặn, gởi mẹ gừng cay…”. Nhà báo Hồ Tấn Vũ bộc bạch: “Đó là những tình cảm, nghĩa cử đẹp của người miền Trung gởi vô Nam. Bản thân tôi bằng cảm xúc chân thành đã viết nên ca khúc “Gởi vô Nam”. Cảm ơn ca sĩ Ánh Tuyết và ê-kíp đã kịp thời thu âm và làm MV để tình cảm của chúng tôi được nhanh chóng lan tỏa, như một chút tình gom góp gởi vô Nam...”.        

Ca sĩ Ánh Tuyết bảo, hiện chị đã rút khỏi hoạt động nghệ thuật để về định cư lâu dài ở quê nhà Hội An. Và, cũng đã gần 10 năm rồi chị chưa hề thu âm bài hát mới nào, nhưng khi được nghe những giai điệu của bài hát mà nhà báo Hồ Tấn Vũ ngẫu hứng sáng tác trong bối cảnh TP Hồ Chí Minh, mảnh đất đã cho chị nhiều ân huệ trong cuộc đời làm nghệ thuật đang phải lao đao vì dịch bệnh… thì, dù Hội An cũng đang đối diện với sự bùng phát trở lại của dịch bệnh chị đã quyết tâm làm xét nghiệm, chứng tỏ bản thân âm tính để được đi lại để thu âm bài hát này sau đó là quay MV với nhiều hình ảnh rất xúc động.

Ca sĩ Ánh Tuyết nói, để thu âm bài hát này, chị và nhạc sĩ saxophone Ngọc Minh (TP Đà Nẵng), đã bằng nhiều cách, nhanh nhất có thể để hòa âm hoàn chỉnh bài hát. Khi hát lên những ca từ như rút từ ruột gan tác giả, ca sĩ Ánh Tuyết rất xúc động, hát bằng cả trái tim và nước mắt: “Hò ơ ớ ơ… Năm ngoái năm tê/Khi miền Trung lụt/ Từng chuyến xe Nam đi về thôn xóm/Mái nhà dựng lên/ Mẹ tôi chăn ấm/ Áo mới em tôi cắp sách tới trường/Là tình người trong Nam… Một sớm mai đây mây trời quạnh quẽ/ Miền Trung nắng lên/Miền Nam nắng lên/Con về thăm nhà/Anh vào tăng ca, em vào lớp học /Bên hè xôn xao lời cô hàng nước…”. Hơn thế nữa, “Gởi vô Nam” không đơn thuần là MV ca nhạc mà còn được thực hiện kèm một đoạn phim tài liệu ngắn mang hình ảnh của những cô dì, chú bác gửi những sản vật từ ruộng vườn miền Trung tới đồng bào miền Nam. Những đồng tiền chắt chiu của những người dân nơi đây được gửi đi với biết bao tình yêu thương... Ca sĩ Ánh Tuyết cho biết: “Khi bắt gặp hình ảnh nhà báo Hồ Tấn Vũ ôm đàn ghi-ta hát lên ca khúc của mình, tôi vô cùng xúc động. Giai điệu bài cũng khá bình thường nhưng từng từ, từng câu nghe rất thấm thía và truyền tải được những thông điệp nhân văn cao đẹp. Do đó, tôi bằng mọi cách để thu và hát xem như cùng Tấn Vũ gói ghém chút tình để gởi vô Nam, mong xoa dịu bớt nỗi nhọc nhằn, gian khó của bà con miền Nam trong đại dịch...”.

Ở một phía khác, từ TP Hồ Chí Minh, những người con của đất Quảng đang làm ăn, sinh sống, chọn nơi đây làm quê hương thứ hai của mình, trong đó có những doanh nghiệp người Quảng, cũng đang làm hết sức, chung tay cùng chính quyền và bà con thành phố, góp công, góp của, góp sức mình cho công cuộc chống dịch. Đồng thời với đó, bằng nhịp đập trái tim yêu thương, đồng cảm, nhiều người đã viết nên những bài thơ, câu hát thấm đượm nghĩa tình về thành phố Hồ Chí Minh những ngày giãn cách xã hội. Bài thơ “Sài Gòn ngày giãn cách” của tác giả, doanh nhân Nguyễn Đức Quốc (quê Thăng Bình, Quảng Nam), chủ tịch HĐQT tập đoàn Giáo dục quốc tế Nam Việt là một tấm chân tình của người Quảng khi đối diện với bối cảnh hiện tại nơi mình đang sống. Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất mang hương rượu hồng đào, nhưng Sài thành là nơi cưu mang chàng trai Nguyễn Đức Quốc trong những ngày chập chững tha hương.

Với ông, TP Hồ Chí Minh như một vị ân nhân, luôn sẵng sàng dang tay và chắp cánh ước mơ, khát vọng cho bất kỳ ai muốn chọn đất này để lập nghiệp. Chính thành phố này đã mang đến cho chàng trai đất Quảng những thành công nhất định trên con đường sự nghiệp. Nặng lòng và tràn đầy yêu thương với đất và người thành phố phương Nam như thế, nên khi mảnh đất này vừa “chuyển mình” trong đại dịch, ông Nguyễn Đức Quốc cũng như bao nhiêu người dân nơi đây không khỏi xót xa, trăn trở... Cảm xúc ấy chợt bật lên đầy tha thiết: “Những dãy phố thênh thang chỉ có nắng ngập tràn / Gió vi vu với hàng cây xao xác / Tạm cách xa thôi, hẹn với nhau đây / Một chút góp vào giữ cho thành phố / Quyết chí đồng tâm vượt qua gian khó / Covid tan rồi ta lại gặp nhau! / Sẽ xóa nỗi buồn sẽ hết lo lâu / Phố sẽ lại với dòng đời tấp nập / Phố sẽ yên bình ta sẽ lại bên nhau”…

Điều rất thú vị là, khi bài thơ vừa ra đời đã được nhạc sĩ Lê Xuân Bá (Hội viên Hội Văn học- Nghệ thuật Quảng Nam) chọn để phổ nhạc, trở thành ca khúc Tràn đầy yêu thương “Sài Gòn ngày giãn cách”. Nhạc sĩ Xuân Bá cho biết, khi tiếp cận với bài thơ này, anh đã rất đồng cảm với nỗi lòng của tác giả. Từng lời, từng câu trong bài thơ “Sài Gòn ngày giãn cách” đến với anh trên trang giấy mà dường như hiển hiện trước mắt là khung cảnh thành phố đang lặng yên, ẩn mình trong đại dịch với biết bao phận đời, phận người gồng mình vượt qua gian khó. Có lẽ vì thế mà, rất nhanh, nhạc sĩ đã hoàn thành bản phổ ca khúc này xem như một cách để cùng tác giả thơ góp phần động viên tinh thần với TP Hồ Chí Minh chống dịch. Với nhịp 2/4 nhẹ nhàng tha thiết của điệu Slow mềm mại, “Sài Gòn ngày giãn cách” qua giọng hát đầy nội lực và truyền cảm của ca sĩ Tiến Dũng-Đoàn ca múa Quân khu V... cứ thế miên man vang vọng giữa yên ắng đất Sài thành...

Vâng, bằng sự yêu thương, trăn trở của mình, các tác giả, thơ, nhạc… đã gửi đến tất cả chúng ta một thông điệp, niềm hy vọng TP Hồ Chí Minh sẽ sớm vượt qua đại dịch để trở lại yên bình và sôi động như ngày nào… Và, với sự chung tay, đồng lòng của đồng bào cả nước, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền từ Trung ương đến địa phương, tin chắc rằng, sẽ có một ngày, chúng ta sẽ có thể cởi bỏ những lớp khẩu trang, dành tặng cho nhau những cái ôm thật chặt và nói rằng: Chúng ta đã thành công! Hãy cứ tin và chắc chắn rằng những cố gắng nỗ lực, sự đồng tâm một lòng chung tay chống dịch sẽ như những phép mầu mang đến thành công... 

Đặng Trương