Hà Kiều Anh có thuộc dòng dõi "con vua cháu chúa"?

Thứ ba, 06/07/2021 14:16

Những thông tin về việc cựu Hoa hậu Hà Kiều Anh có thuộc dòng dõi vua chúa hay không đã thu hút sự chú ý của dư luận những ngày qua. Để xác minh thông tin, chúng tôi đã liên hệ với ông Nguyễn Phúc Vĩnh Phú- cháu đời thứ 5 của đức Tùng Thiện Vương hiện đang là Trưởng Phòng hay còn gọi là Chủ từ Đền thờ Tuy Lý Vương (142 Nguyễn Sinh Cung, P. Vỹ Dạ, TP Huế).

Ông Nguyễn Phúc Vĩnh Phú tại Phủ Tuy Lý Vương.

Ông Nguyễn Phúc Vĩnh Phú cho biết: "Đức ông Tuy Lý Vương có tất cả là 77 người con, trong đó có 41 người con trai và 36 người con gái. Trong đó, ông Hường Ngại là người con trai thứ 24 của Tuy Lý Vương cũng chính là ông của ông Nguyễn Phúc Vĩnh Phú. Gia đình ông Phú, 5 đời ở tại phủ thờ trông coi gìn giữ hương quả.  

PV: Vừa qua, ông có nghe những thông tin chia sẻ của cựu Hoa hậu Hà Kiều Anh về dòng họ mình chưa? Ông có thể cho biết, Hà Kiều Anh có mối liên hệ thế nào với dòng họ Tuy Lý Vương?

Ông Vĩnh Phú: Tôi xin xác nhận rằng, Hà Kiều Anh là hậu duệ đời thứ 6 của Tuy Lý Vương nhánh bên ngoại. Hà Kiều Anh là cháu nội của ông Hà Văn Lâu và bà Nguyễn Tăng Diệu Hương. Mẹ của bà Nguyễn Tăng Diệu Hương là bà Công Tôn Nữ Tuyền Kinh, là con của ông Hường Ngại. Như vậy bà Công Tôn Nữ Tuyền Kinh là cháu nội của đức ông Tuy Lý Vương. Tôi có đọc trên mạng và thấy Hà Kiều Anh chia sẻ một số tự hào về dòng họ bên ngoại và tôi thấy đây là một điều đáng mừng khi một người cháu chắt bên ngoại có mang dòng máu của dòng tộc và tự hào về điều đó.

PV: Giữa dòng họ và Hoa hậu Hà Kiều Anh có mối liên hệ mật thiết từ trước tới nay không?

Ông Vĩnh Phú: Hà Kiều Anh mặc dù ở TPHCM, nhưng thỉnh thoảng vẫn gọi điện về hỏi thăm. Và mỗi lần về Huế, bao giờ cũng ghé dâng hương tại phòng thờ Tuy Lý Vương. Mỗi lần cô ghé thăm đều dâng hương và đóng góp để tu sửa phòng thờ cũng như lăng mộ của phòng Tuy Lý Vương. Gia đình của ông Hà Văn Lâu, chủ yếu là Hà Kiều Anh mỗi lần có những đợt thiên tai, lễ tết thường xuyên đóng góp, giúp đỡ đồng bào tại xã Phú Mậu, H. Phú Vang (TT Huế).

PV: Mấy ngày nay, ông có nghe những luồng thông tin phản bác lại chia sẻ này của Hà Kiều Anh chưa? Ông có suy nghĩ như thế nào?

Ông Vĩnh Phú: Tôi thấy rất buồn khi đọc một số bài báo, thông tin trên mạng cho rằng Hà Kiều Anh mạo nhận là cháu của đức ông Tuy Lý Vương. Tôi, với tư cách là chủ tự Trưởng phòng Tuy Lý Vương, trông coi và giữ gìn phủ thờ, xin xác nhận rằng Hà Kiều Anh là cháu chắt bên ngoại của dòng họ nhà đức ông Tuy Lý Vương, luôn ghé thăm và dâng hương tại phủ thờ.

PV: Trong chia sẻ của Hà Kiều Anh có nhắc đến 1 người có tên là "Tiệp Phi" vợ của vua Minh Mạng, mẹ của Tuy Lý Vương, về sau được đón về phủ Tuy Lý Vương đến khi mất. Thì người này có thật hay không?

Ông Vĩnh Phú: Tại phủ thờ của Tuy Lý Vương, ở phía trước là có nhà thờ của đức từ Lê Tiệp Dư, đức từ họ Lê, tên là Ái, là vợ của vua Minh Mạng, được vua ban cho chức Tiệp Dư (chứ không phải Tiệp Phi)- chức vị vua Minh Mạng ban cho các người vợ của mình. Khi ông Tuy Lý Vương rước mẹ, bà Lê Tiệp Dư về phụng dưỡng cho đến khi mất và lập nhà thờ hiện nay tại phủ.

PV: Vừa qua cũng có thông tin tranh cãi về cách gọi Hương Ngãi hay Hường Ngãi, ông có thể chia sẻ chính xác về cách gọi này?

Ông Vĩnh Phú: Xin xác minh rõ sự việc là ông Hường Ngại là ông cố ruột của tôi. Trong gia phả là ghi tên Hường Ngại, sau này một số người cho rằng tên ông là Hương Ngãi (hay Hương Ngải), nhưng tôi xác nhận trong gia phả ghi là Hường Ngại, là con thứ 24 của đức ông Tuy Lý Vương".

PV: Hà Kiều Anh dùng chưa chính xác các từ ngữ khi nói về tổ tiên như tên gọi, tước hiệu. Ông đánh giá việc này như thế nào?

Ông Vĩnh Phú: Với vai trò là một người lớn tuổi thì ta nên động viên, khuyên răn, nhắc nhở để cho lớp trẻ hiểu biết, nhận thức đúng và tiếp tục truyền thống uống nước nhớ nguồn. Ta cũng nên bao dung, tha thứ chỉ bảo cho các cháu nếu có những sai lầm gì đó chứ cũng không nên phê phán hay chỉ trích.

PV: Ông có thể chia sẻ một chút về dòng họ Nguyễn Phước Tộc?

Ông Vĩnh Phú: "Dòng họ Nguyễn Phước (hay còn gọi là Nguyễn Phước tộc) là một dòng họ rất lớn của Việt Nam. Triều Nguyễn chủ yếu là dòng họ Nguyễn Phước. Khi chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa, sau đó mở mang bờ cõi vào phương Nam. Sau này đến đời vua Gia Long, thống nhất đất nước và gây dựng nên triều Nguyễn. Vị vua cuối cùng là vua Bảo Đại.

PV: Ông có thể chia sẻ một số kỷ vật của tiền nhân để lại không?

Ông Vĩnh Phú: "Trải qua nhiều đời, rồi chiến tranh, thời tiết,…hiện tại phủ thờ còn lại một số hiện vật của Đức ông Tuy Lý Vương: bàn thờ, các bức hoành, câu đối, đôi di hài,…".

P.V: Xin cảm ơn ông về buổi chia sẻ, chúc ông nhiều sức khỏe để chăm sóc Phòng Tuy Lý Vương-Di tích lịch sử cấp Quốc gia!

Trương Huyền