Hà Nội có đủ điều kiện trở thành một trong những trung tâm ẩm thực của Đông Nam Á và Châu Á
Tại tọa đàm “Phát huy nguồn nhân lực - phát triển văn hóa ẩm thực trên địa bàn thành phố Hà Nội” do Sở VHTT Hà Nội tổ chức, các chuyên gia đã có cuộc bàn luận sôi nổi liên quan tới chủ đề rất gần gũi với mỗi người dân là làm thế nào để nâng tầm và khai thác hiệu quả ẩm thực Hà Nội trong quá trình công nghiệp văn hóa, đưa Hà Nội trở thành một trong những trung tâm ẩm thực của Đông Nam Á và châu Á.
Theo nhận diện của các chuyên gia, ẩm thực Hà Nội từ xưa đến nay luôn có sự phong phú, đa dạng và tinh tế. Nhiều món ăn dân dã đã trở thành thương hiệu của Thủ đô như: Phở Lý Quốc Sư, phở Thìn, bún ốc hồ Tây, bánh cuốn Thanh Trì, chả cá Lã Vọng, giò chả Ước Lễ, giò chả Chèm - Vẽ, xôi chè Phú Thượng…
Hà Nội cũng có những tuyến phố ẩm thực được du khách trong và ngoài nước tìm đến như: Tạ Hiện, Mã Mây, Đồng Xuân, Cầu Gỗ, Cấm Chỉ, Tống Duy Tân…
Danh mục đặc sản ở Hà Nội vô cùng đa dạng. Có những đặc sản bắt nguồn từ mảnh đất Tràng An. Có những đặc sản xuất xứ từ địa phương khác nhưng được người Hà Nội chế biến theo phong cách của mình, bởi thế những đặc sản này có hương vị riêng, chuyển tải nét văn hóa riêng có của Hà Nội.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng khẳng định, những nét đặc trưng nổi bật của văn hóa ẩm thực Hà Nội không chỉ là điểm nhấn quan trọng trong hành trình phát triển, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế của Thủ đô.
Đa số khách du lịch quốc tế đánh giá ẩm thực Hà Nội là điểm hấp dẫn bậc nhất. Hà Nội có đủ điều kiện để trở thành một trong những trung tâm ẩm thực của Đông Nam Á và Châu Á. Điển hình như Giải thưởng Ẩm thực thế giới (World Culinary Awards) công bố thành phố Hà Nội giành giải Điểm đến thành phố ẩm thực mới nổi tốt nhất châu Á 2023 (Asia's Best Emerging Culinary City Destination 2023). Chuyên trang du lịch Tripadvisor bình chọn là một trong 20 điểm đến ẩm thực hàng đầu thế giới năm 2023.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ẩm thực Hà Nội thường chỉ được nhìn nhận như một ngành tiêu dùng mà quên rằng đó còn là hồn thiêng sông núi, góp phần bảo tồn, phát triển văn hóa Việt, văn hóa Hà Nội; là cái nôi chuyên chở “tâm hồn người Việt, người Hà Nội” từ thuở hồng hoang cho tới thời hiện đại ngay nay và giữ mãi cho mai sau.
Hơn thế, dù ẩm thực không phải là một ngành công nghiệp văn hóa độc lập, tuy nhiên, lĩnh vực này lại là thành tố không thể không nhắc tới trong hệ sinh thái các ngành công nghiệp văn hóa của Hà Nội. Ẩm thực càng có vị trí đặc biệt hơn khi Hà Nội bắt tay vào tiến trình công nghiệp văn hóa, tạo điểm nhấn cho văn hóa Hà Nội nói chung và du lịch Thủ đô nói riêng.
Mỗi món ăn, từ khâu chọn nguyên liệu, đến cách chế biến ra từng món ăn, thức uống, hay thưởng ngoạn, thì mỗi sản phẩm ẩm thực của Hà Nội lại là một câu chuyện thật hấp dẫn của riêng mỗi món ăn đó. Mà điều quan trọng là ai sẽ làm ra những sản vật ẩm thực tinh hoa đó, lưu giữ, truyền nối, để mỗi người dân Hà Nội, hay những người yêu Hà Nội, người đến với Hà nội, đều được thụ hưởng sản phẩm đặc sắc tinh hóa đó.
Bàn về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Thị Ánh Quyên, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, nếu nói ẩm thực là thiên đường, thì đầu bếp là những nhà sáng tạo, là những đại sứ của văn hóa ẩm thực. Hiện nay để đầu bếp làm được vai trò đó thì họ phải là người hiểu và yêu, là đầu bếp giỏi, nắm được công thức chế biến món ăn đặc sắc mang hương vị Hà Thành. Họ phải hiểu làm thế nào để chuyển tải nét tinh túy Hà Nội đến thực khách. Họ phải thấy vai trò sứ mệnh của họ để đưa văn hóa ẩm thực Hà Nội lên tầm cao mới.
PGS.TS. Nguyễn Thị Anh Quyên cho rằng, không nhất thiết đầu bếp phải sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Chỉ cần họ là những người nắm vững bí quyết, cách chế biến món ăn đặc sắc mang phong vị Hà Nội, làm nghề với sự hiểu biết, với trái tim và tình yêu ẩm thực HN.
TS. Phạm Mạnh Cường, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cho biết, định hướng phát triển du lịch Hà Nội đảm bảo bền vững, hiệu quả, vừa là cửa ngõ đón và phân phối khách du lịch ở phía Bắc và cả nước; vừa là điểm đến du lịch “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”. Để đạt được điều đó, nguồn nhân lực du lịch nói chung và nhân lực lĩnh vực ẩm thực nói riêng phải được nâng cao chất lượng là mục tiêu và sứ mệnh của các cơ sở đào tạo ẩm thực tại thành phố Hà Nội.
Để đưa ẩm thực trở thành thế mạnh du lịch của Thủ đô, góp phần phát triển Công nghiệp Văn hóa, các chuyên gia cũng hiến kế nhiều giải pháp thiết thực. TS Đặng Phương Anh (Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) chia sẻ, đưa ẩm thực phát triển du lịch cần phải chú ý đến không gian văn hóa, sự tương tác với chủ nhân của món ăn. Vì thế, Hà Nội nên phát triển foodtour thành sản phẩm du lịch ẩm thực đặc thù. Hà Nội cần quan tâm đến các điều kiện về hành lang pháp lý cũng như nét văn hóa riêng biệt… để tạo dấu ấn cho du khách trong nước và quốc tế.
PGS.TS. Nguyễn Thị Anh Quyên đề xuất, Hà Nội cần xây dựng chiến lược, kế hoạch phát huy tinh hoa văn hoá ẩm thực gắn với phát triển công nghiệp văn hoá và sáng tạo. Dựa vào Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22-02-2022, của Thành ủy Hà Nội “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, cần cụ thể hoá hơn nữa bằng việc xây dựng chiến lược và kế hoạch phát huy văn hoá văn hoá ẩm thực Hà Nội gắn với phát triển các ngành công nghiệp văn hoá và sáng tạo để các quận, huyện làm căn cứ triển khai nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, Hà Nội cần hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực ẩm thực. Cần có các chính sách hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực văn hoá ẩm thực để Hà Nội có nhiều thành tựu hơn nữa trong việc kinh tế, sáng tạo lĩnh vực văn hoá ẩm thực, góp phần phát triển kinh tế, xã hội thủ đô.
Tổ chức, hỗ trợ, đào tạo đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực văn hoá ẩm thực. Phát huy tinh hoa văn hoá ẩm thực Hà Nội không thể thiếu vai trò quan trọng của đội ngũ nhân lực, từ những người làm công tác quản lý, kinh doanh ẩm thực, nghệ nhân ẩm thực… vì vậy, cần có chính sách tổ chức, hỗ trợ đào tạo đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực văn hoá ẩm thực Hà Nội, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, văn hoá – xã hội nói chung, phát triển công nghiệp văn hoá và sáng tạo của thủ đô nói riêng.
Theo ANTD.VN