Hàng trăm hộ dân Quảng Nam “sống khổ” trên đất Kon Tum do địa giới chồng lấn

Thứ hai, 29/08/2022 07:07
Hơn 30 năm qua, do chồng lấn địa giới hành chính nên 238 hộ dân có hộ khẩu tại xã Trà Vinh (H. Nam Trà My, Quảng Nam) đang sinh sống trên đất của xã Đắk Nên (Kon Plông, Kon Tum) gặp rất nhiều khó khăn. Chính quyền hai địa phương đã nhiều lần bàn bạc, nhưng vẫn chưa thống nhất phương án giải quyết.
Do bị chồng lấn địa giới, người dân thôn 3 không được đầu tư cơ sở hạ tầng.

Người dân chia sẻ những khó khăn và mong muốn chính quyền hai tỉnh sớm giải quyết việc chồng lấn địa chính.

Chồng lấn địa giới

Do chồng lấn địa giới hành chính nên khu vực này cơ sở hạ tầng không được đầu tư. Có 238 hộ với 1.034 nhân khẩu tại thôn 3 phải sống cảnh không cơ sở hạ tầng, không điện, không đường… và không biết mình thuộc về đâu.

Ngày 23-8, chúng tôi đã về tìm hiểu cuộc sống của người dân thôn 3 đang nằm trong khu vực chồng lấn địa giới hành chính. Từ trụ sở UBND xã Trà My, chúng tôi di chuyển theo con đường đất vào khu vực các hộ dân đang sống. Con đường đất sình lầy rất khó đi, cây cầu làm tạm bợ vắt vẻo bắt qua con suối rất nguy hiểm, có thể bị đổ sập bất cứ lúc nào. Đến nơi người dân sinh sống, chúng tôi cảm nhận được cuộc sống khó khăn, thiếu thốn của người dân khi không được đầu tư cơ sở hạ tầng.

Gặp chúng tôi, già làng Nguyễn Xuân Bốn (64 tuổi) tâm sự, ông bà, cha mẹ ông định cư, sinh sống ở đây đã lâu, tất cả người dân thôn 3 đều mang hộ khẩu xã Trà Vinh. Do bị chồng lấn địa giới hành chính nên chính quyền hai địa phương không đầu tư cơ sở hạ tầng khiến cuộc sống người dân nơi đây rất khó khăn. Con đường đất từ thôn 3 về trung tâm xã Trà Vinh do người dân tự mở tạm để đi. Trời mưa đường đất sình lầy không thể đi được. Tại thôn 3 có 2 điểm trường mẫu giáo và tiểu học tạm bợ dạy trẻ, điều kiện học tập rất khó khăn.

Người dân thôn 3 tâm sự, đường về trung tâm xã Đắk Nên xa nên họ chỉ về trung tâm xã Trà Vinh mua thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt. Người dân ở đây đều bày tỏ mong muốn chính quyền hai địa phương sớm thống nhất phân chia lại địa giới hành chính, để khu vực đất sản xuất của người dân thôn 3 cho xã Trà Vinh quản lý, đầu tư cơ sở hạ tầng giúp người dân ổn định cuộc sống.

Về mong muốn của người dân, ông Trần Văn Thương - Chủ tịch xã Trà Vinh cho hay, do đất thuộc quản lý của xã Đắk Nên nên địa phương không thể thực hiện việc thu hồi đất để đầu tư cơ sở hạ tầng. Hơn 30 năm qua cuộc sống các hộ dân ở thôn 3 sống trong cảnh “màn trời chiếu đất”, không được đầu tư cơ sở hạ tầng, không điện, không có nguồn nước hợp vệ sinh, không có thủy lợi sản xuất… Mặc dù đang chồng lấn địa giới, nhưng địa phương luôn chăm lo cho người dân ở thôn 3. Người dân được hưởng đầy đủ các chính sách theo quy định của nhà nước.

Do bị chồng lấn địa giới, người dân thôn 3 không được đầu tư cơ sở hạ tầng.

Vẫn chưa thống nhất

Để giải quyết những vướng mắc trên, Bộ Nội vụ đã có Văn bản hướng UBND tỉnh Quảng Nam và UBND tỉnh Kon Tum phối hợp giải quyết về địa giới hành chính khu vực giáp ranh giữa xã Trà Vinh và xã Đắk Nên. Từ năm 2008 đến 2021, hai tỉnh đã nhiều lần tổ chức làm việc nhưng chưa thống nhất các phương án giải quyết.

Mới đây, ngày 18-8, tại tỉnh Kon Tum, lãnh đạo hai địa phương cũng đã có buổi làm việc tìm hướng giải quyết chồng lấn địa giới hành chính tại thôn 3 và đưa dân về đâu. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đề nghị, trong hơn 6.000ha đất đang bị chồng lấn, kiến nghị tỉnh Kon Tum thống nhất điều chỉnh hơn 3.000ha phần diện tích đất nhân dân xã Trà Vinh đang sinh sống, canh tác thuộc địa phận quản lý của xã Đắk Nên về xã Trà Vinh quản lý, chăm lo, cải thiện đời sống. Ông Lê Trí Thanh cho rằng, đó là phương án hợp lý nhất, mong muốn hai địa phương sớm thống nhất phương án.

Tỉnh Kon Tum cũng đưa ra phương án giải quyết các hộ dân tại thôn 3 đang sinh sống trên địa phận xã Đắk Nên chuyển giao cho xã Đắk Nên tiếp nhận, quản lý, sắp xếp, tạo điều kiện nhằm sớm cho người dân ổn định cuộc sống; hoặc tỉnh Quảng Nam xây dựng khu tái định cư để vận động đưa các hộ dân đang sinh sống trên địa phận xã Đắk Nên về sinh sống, sản xuất trên đất của xã Trà Vinh.

Về phương án của tỉnh Kon Tum, ông Nguyễn Công Tạ- Bí thư Đảng ủy xã Trà Vinh cho rằng, thời gian qua, UBND xã Trà Vinh đã tổ chức 5 cuộc họp khảo sát ý kiến của người dân thôn 3. Kết quả, tất cả người dân đều không muốn chuyển hộ khẩu về xã Đắk Nên, bởi từ thôn 3 về trung tâm xã Trà Vinh chỉ mất gần 8km, trong khi đó về xã Đắk Nên phải mất hơn 20km. Đất đai canh tác, mồ mả ông bà đang chôn cất tại đây nên không thống nhất việc bỏ về tái định cư trên đất xã Trà Vinh. Nhân dân thống nhất với phương án điều chỉnh đường địa giới hành chính giữa xã Trà Vinh và xã Đắk Nên theo lịch sử truyền thống, hiện trạng sinh sống lâu nay của người dân. Qua buổi làm việc, chính quyền hai tỉnh vẫn chưa hoàn toàn thống nhất các phương án, cần tiếp tục xem xét, đánh giá.

Thiết nghĩ, 238 hộ dân thôn 3 sống trên đất Quảng Nam hay Kon Tum cũng là công dân của đất nước Việt Nam. Điều quan trọng lúc này là hai địa phương cần sớm đồng nhất phương án, giúp người dân nơi đây có điều kiện sống tốt hơn. Và trên hết phải lắng nghe, tôn trọng ý nguyện của bà con nơi đây.

THÀNH NHÂN