Hạnh phúc là sẻ chia!

Thứ bảy, 20/04/2019 13:01

Trước tôi đã có đồng nghiệp viết về bà. Dẫu thế, tôi vẫn muốn viết thêm một điều gì đó về người phụ nữ suốt 8 năm nay thường xuyên thuê xe ôm đi làm từ thiện. Đó là bà Nguyễn Thị Hứa (1955)- Chủ tịch Hội Bảo trợ Phụ nữ & trẻ em bất hạnh Q.Liên Chiểu (Đà Nẵng).

Bà Nguyễn Thị Hứa (thứ 2 từ trái sang phải) cùng Hội Bảo trợ Phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh TP trao quà hỗ trợ cho một trường hợp cần giúp đỡ Q.Liên Chiểu.

Qua cầu vượt Hòa Cầm, rẽ trái vào đường Nguyễn Như Đãi (Q.Cẩm Lệ) một đoạn là đến nhà bà. Câu đầu tiên tôi hỏi: "Cô không biết đi xe máy ạ?", bà cười xòa: "Biết chớ. Nhưng hồi đó cô bị bệnh rối loạn tiền đình nặng nên chồng con không cho đi xe.".  "Mỗi lần thuê xe ôm chở đi làm hết bao nhiêu cô? Tiền hỗ trợ công tác Hội có đủ để cô trả khoản chi phí đó không?", "Khi nào chú (chồng- P.V) rảnh hoặc đi nhờ được xe bạn, đồng nghiệp thì chỉ mất 50.000 đồng lượt đi hoặc về thôi, còn không thì 100.000 đồng cả đi lẫn về!". Thấy tôi ngạc nhiên đoạn đường xa mà giá như thế, bà  giải thích: "Biết cô đi làm từ thiện, họ chỉ lấy 50.000 đồng một lượt thôi. Có người chở cô đi cả ngày tới 8 địa chỉ cần xác minh để kêu gọi các tổ chức giúp đỡ cũng chỉ lấy 50.000 đồng. Thậm chí có người chở cô đi cả tuần cũng chỉ ngần ấy tiền. Biết hoàn cảnh họ chẳng khấm khá chi, cô nằn nì lấy thêm nhưng đều bị từ chối! Tấm lòng của họ đáng quý lắm con!". Gương mặt bà chợt sáng lên khi kể về những người có tấm lòng thơm thảo đã đồng hành cùng mình làm từ thiện suốt mấy năm qua.

Biết bà lớn tuổi, lại mắc bệnh rối loạn tiền đình, tôi ái ngại khuyên: "Tiền công tác Hội chẳng là bao, sức khỏe lại không tốt, sao cô không nghỉ ngơi cho khỏe?". Nghe tôi nói thế, bà chợt trầm tư: "Cũng có nhiều người khuyên như cháu, nhưng nghĩ đến những phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh gặp bệnh hiểm nghèo cần sự hỗ trợ, cô lại nhủ lòng, chừng nào còn sức thì cố gắng tham gia công tác hội để chung tay chia sẻ, giúp họ vượt qua khó khăn". Bà chợt ngừng lời, gương mặt lộ vẻ ưu tư. Gặng mãi, bà mới nói không phải ai cũng hiểu được tấm lòng của bà. Thảo nào, khi tôi liên hệ viết bài, bà tìm cách từ chối khéo, rằng trước đó đã có người viết rồi, viết nữa không hay lắm. Thuyết phục mãi, bà mới nhận lời sau khi dặn tôi đừng cường điệu, đừng viết quá! Điều đó khiến tôi quý bà hơn, hiểu vì sao ông Huỳnh Văn Hoa- Chủ tịch Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh TP- lại giới thiệu tôi đến viết tiếp về bà... 

Trước giải phóng, bà đi bộ đội, làm y tá kiêm văn thư ở chiến trường Khu 1, Cánh bắc Hòa Vang. Đất nước thống nhất, bà về công tác tại Phòng Tổ chức H.Hòa Vang rồi được đi học Trường chính trị Nguyễn Ái Quốc. Năm 1985, khi con trai đầu mới 5 tuổi, con trai út chưa tròn 1 tuổi,  chồng bà (bộ đội) được cử đi làm  nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Ở nhà tập thể, bà vừa chăm sóc 2 con nhỏ, vừa chăm sóc cha chồng già yếu. Khó có thể kể hết những khó khăn mà bà đã trải qua trong những năm tháng "làm hậu phương vững chắc" để chồng yên tâm công tác xa nhà. Thời gian này, bà chuyển công tác ở nhiều cơ quan như Phó Chánh Văn phòng UBMTTQ H.Hòa Vang, Trưởng Phòng tổ chức kiêm Bí thư Chi bộ Xí nghiệp Xây dựng Hòa Vang. Năm 1989, chồng bà hoàn thành nhiệm vụ trở về, thấy gia đình quá khó khăn, ông xin về hưu sớm để làm kinh tế, đỡ đần vợ bớt vất vả. Năm 1993, bà cũng xin nghỉ hưu sớm phụ chồng làm kinh tế lo cho 2 con ăn học. Năm 1997, khi Q.Liên Chiểu thành lập, cuộc sống gia đình đã dần ổn định, bà xin đi làm công tác dân số kế hoạch hóa gia đình Q.Liên Chiểu theo dạng hợp đồng. Sau hơn 12 năm công tác ở lĩnh vực này, bà chuyển sang làm Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội Bảo trợ Phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh Q.Liên Chiểu đến nay. Từ khi tham gia công tác xã hội này, bà trở thành cầu nối giữa các tổ chức, cá nhân, những tấm lòng hảo tâm đến với phụ nữ và trẻ em nghèo bị bệnh hiểm nghèo, nhất là trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh có điều kiện được khám, chữa bệnh.

Nghe ở đâu có hoàn cảnh khó khăn bất hạnh,  bà lại thuê xe ôm lặn lội tìm đến các địa chỉ để xác minh rồi hướng dẫn họ cách làm thủ tục xin hỗ trợ. Có người không biết chữ, bà viết thay luôn. Chỉ tính riêng trong năm 2018, bà đã làm cầu nối để tổ chức khám, tầm soát tim cho gần 5.000 trẻ em ở Q.Liên Chiểu, qua đó phát hiện 14 bé bị tim bẩm sinh. Và kể từ khi tham gia công tác Hội, với vai trò là cầu nối, bà đã giúp cho 120 cháu bé được mổ tim. Dịp lễ, tết, bà liên hệ các mạnh thường quân, các tổ chức cá nhân tặng quà cho trẻ em, phụ nữ nghèo; tạo điều kiện giúp nhiều phụ nữ nghèo được tầm soát ung thư vú, ung thư cổ tử cung...

Từng đi qua chiến tranh, bà rất hiểu giá trị của hòa bình hôm nay được đánh đổi bằng máu, nước mắt của hàng triệu quân dân Việt Nam, trong đó có đồng đội bà. Nhiều người trở về sau chiến tranh bị nhiễm chất độc hóa học, mắc bệnh hiểm nghèo hoặc có con bị nhiễm chất độc da cam. Cảm thấy mình quá may mắn khi được sống đến ngày hôm nay, vì thế bà luôn tâm niệm phải làm điều gì đó để trước hết giúp đỡ những đồng đội hoặc con cái của họ bị nhiễm chất độc hóa học, sau là giúp đỡ những phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh ở Liên Chiểu- nơi "chôn nhau cắt rốn" của bà. "Cô luôn mong mình khỏe mạnh để tiếp tục làm cầu nối giúp phụ nữ và trẻ em nghèo bị bệnh hiểm nghèo, bị tim bẩm sinh"- bà bộc bạch. Bởi với bà, hạnh phúc là biết sẻ chia!

P.THỦY