Hậu quả của việc buông lỏng quản lý xây dựng trên địa bàn

Thứ bảy, 23/10/2021 07:40

Mới đây, UBND xã Hòa Liên tổ chức cưỡng chế nhà của một số hộ dân tại tổ 6, thôn Quan Nam 4, xã Hòa Liên (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) với lý do xây dựng trái phép. Tuy nhiên qua tìm hiểu, trong thời gian hơn 10 năm qua, có gần 30 hộ dân đến khai hoang hơn 19,8 ha đất tại đây rồi xây dựng nhà trên đất nông nghiệp, chính quyền, ngành chức năng địa phương đã thiếu kiểm tra, ngăn chặn nên mới xảy ra tình trạng xây dựng  vi phạm pháp luật vừa gây thiệt hại kinh tế  của  người dân.



Nhiều nhà ở của người dân tại tổ 6, thôn Nam 4, Hòa Liên đã xây dựng từ nhiều năm trước trên đất nông nghiệp, nhưng chính quyền không xử lý.

Theo ông Phạm Huỳnh Sơn - Chi Hội phó Chi hội Nông dân thôn Quan Nam 4, tâm sự: Trước đây, ông đi bộ đội rồi ra quân về với gia đình tại P. Hòa Hiệp Nam (Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Năm 2010, vì kế sinh nhai gia đình ông Sơn phải tìm lên khu vực thôn  Quan Nam 4 khai hoang đất, dựng nhà để ổn định cuộc sống cùng vợ con đến nay đã hơn chục năm. Sinh sống tại địa phương, là cán bộ của thôn, nhưng gia đình ông không được kéo điện, nước sinh hoạt vì không có giấy xác nhận nhà ở,  phải xin  bắt tạm của HTX Sản xuất hoa Vân Dương ngay bên cạnh đó. 

Từ năm 2020, có Dự án khu tái định cư Tân Ninh (giai đoạn 1) triển khai ngay khu vực tổ 6, thôn Quan Nam, Ban Giải phóng mặt bằng huyện Hòa Vang  đã đo đạc, kiểm đếm nhà cửa, tài sản, đất đai của tất cả các hộ dân ở đây để đền bù, tái định cư. Tổng cộng có khoảng 30 hộ dân nằm trong quy hoạch dự án và đã làm nhà như trường hợp gia đình ông Phạm Huỳnh Sơn. Tuy nhiên mới đây, UBND xã Hòa Liên kiểm tra lại và cho rằng người dân xây dựng nhà trái phép nên lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt. UBND xã đã  ra 5 quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp tháo dỡ nhà cửa,  khắc phục hậu quả trả lại nguyên trạng đất đai, theo ý kiến người dân không đồng tình với việc này…

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu vực Dự án khu tái định cư Tân Ninh mới công bố quy hoạch hiện nay, trước đây vào năm 2014, đã công bố quy hoạch là Dự án  HTX Sản xuất hoa Vân Dương rồi không triển khai. Đến năm 2015, tiếp tục công bố là Dự án của HTX Sản xuất Hoa Vân Dương, rồi cũng không triển khai. Đến năm 2018, khu vực  lại công bố quy hoạch thực hiện Dự án Đường gom dân sinh, công tác đo đạc, kiểm đếm xong, nhưng cũng không triển khai thực hiện. Gần nhất là đầu năm 2020, khu vực  lại được công bố  quy hoạch Dự án Khu tái định cư Tân Ninh cho đến nay…

Người dân tại khu vực phản ánh,  điện, nước sinh hoạt chỉ có vài hộ gia đình được ký hợp đồng sử dụng, còn lại phải xin nối điện, bắt nước từ các hộ có điện và HTX  sản xuất Hoa Vân Dương. Riêng đất sản xuất bình quân mỗi hộ có từ 200 – 400m2 đất lúa nhưng  khi thi công đường cao tốc La Sơn – Túy Loan từ năm 2014 đến nay làm đất, đá sạt lở tràn xuống ruộng, nước tưới không có nên đành bỏ hoang hóa, người dân không có công ăn việc làm, phải đi làm thuê khắp nơi. 

Cũng  theo phản ánh của người dân, tại khu vực  có nhà xây dựng trước hơn  chục năm nay, có nhà mới xây, có nhà xây đổ mê 2 tầng, nhà được xác nhận quy chủ,  đã có 2 -3 thế hệ cùng sinh sống trong một nhà… Nhưng chính quyền và lực lượng chức năng địa phương không kiểm tra, ngăn chặn gì. Đến nay theo quy hoạch dự án, Ban giải phóng mặt bằng tiến hành kiểm đếm, quy chủ và chưa nhận tiền đền bù thì địa phương lại ra quyết định cưỡng chế.

Trao đổi về câu chuyện trên với  ông Ngô Thanh Tâm - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Liên, cho biết: Để ra quyết định cưỡng chế thì dựa trên cơ sở là dân xây nhà trên đất nông nghiệp trái phép, sau khi công bố quy hoạch dự án nên  địa chính xã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính. Quyết định cưỡng chế 5 trường hợp ban đầu là do sau khi  khu vực đã công bố quy hoạch, tiến hành quay phim hiện trường nhưng một số hộ dân vẫn  tự ý xây nhà cấp 4 để đối phó. 

“Quan điểm của xã là vận động nhân dân, hỗ trợ kinh phí để người dân tự tháo dỡ tránh gây thiệt hại tài sản. Chính quyền không mong muốn việc  cưỡng chế, đối với người dân, còn người dân phải nhận ra cái sai của họ. Nếu xã cưỡng chế sai thì dân khởi kiện là chuyện bình thường…”, ông Tâm nói.  

Chúng tôi đặt câu hỏi: Vì sao người dân xây dựng nhà ở trái phép kéo dài nhiều năm mà chính quyền không kiểm tra, ngăn chặn ngay từ đầu để tránh gây thiệt hại kinh tế về sau? ông Tâm cho rằng tình trạng trên đã trải qua nhiều năm trước để lại hậu quả  như bây giờ! Như vậy, có thể thấy rằng, nguyên nhân xảy ra tình trạng xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp tại Quan Nam 4 là do sự buông lỏng trách nhiệm từ phía chính quyền địa phương những năm trước đây. Hậu quả là các quy định về quản lý, xây dựng của Nhà nước không được thực hiện nghiêm túc,  người dân bị thiệt hại tiền bạc, tài sản và dễ phát sinh “điểm nóng” về khiếu kiện đền bù, giải tỏa… 

Chúng tôi đề nghị chính quyền và ngành chức năng huyện Hòa Vang cần nhanh chóng xem xét, kiểm tra những phản ánh thắc mắc của người dân tổ 6, thôn Quan Nam 4, Hòa Liên như chúng tôi đã phản ánh. 

HỒNG THANH