Hậu quả do thiếu vitamin ở trẻ nhỏ
Thiếu vitamin ở trẻ em trong những tháng đầu đời có liên quan đến chế độ ăn của mẹ trong thời kỳ có thai và cho con bú.
Cần có chế độ ăn phong phú để cung cấp vitamin cho cơ thể. |
Thiếu vitamin ở trẻ em trong những tháng đầu đời có liên quan đến chế độ ăn của mẹ trong thời kỳ có thai và cho con bú. Hậu quả của thiếu vitamin ở trẻ nhỏ thường ảnh hưởng đến tăng trưởng, chậm phát triển tâm vận động, suy giảm miễn dịch, nguy cơ gây thấp còi và hay mắc các bệnh nhiễm khuẩn.
Thiếu vitamin ở trẻ nhỏ thường gặp là thiếu các vitamin tan trong chất béo (A, D, K).
Thiếu vitamin A
Vitamin A có vai trò quan trọng đối với thị giác, biệt hóa các tế bào biểu mô, thúc đẩy tăng trưởng và đáp ứng miễn dịch. Thiếu vitamin lâm sàng thường biểu hiện khô mắt dẫn đến mù lòa góp phần làm tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em. Hiện nay ở nước ta thiếu vitamin A lâm sàng có tổn thương mắt rất hiếm gặp nhưng thiếu vitamin A tiền lâm sàng còn gặp ở bà mẹ và trẻ em. Để dự phòng thiếu vitamin A chủ yếu là dinh dưỡng hợp lý và uống vitamin A liều cao.
Vitamin A có nhiều trong thức ăn nguồn động vật (gan, cá, trứng, sữa...) và beta caroten có trong thức ăn nguồn thực vật (rau xanh và củ quả có màu vàng đỏ...). Ăn thêm dầu mỡ để hấp thu vitamin A. Cho trẻ bú sớm ngay sau khi đẻ để trẻ bú được sữa non vì nồng độ vitamin A trong sữa mẹ cao nhất trong giai đoạn này.
Thiếu vitamin D
Vitamin D có vai trò quan trọng trong chuyển hóa và hấp thu canxi, photpho để cấu tạo khung xương.
Nguồn cung cấp vitamin D khoảng 80% là do cơ thể tổng hợp vitamin D từ chất tiền vitamin D dưới da dưới tác động quang hóa của tia cực tím ánh nắng mặt trời, phần còn lại khoảng 20% được cung cấp từ thức ăn. Còi xương có thể xuất hiện sớm ngay trong thời kỳ bào thai do mẹ bị thiếu vitamin D, canxi trong thời kỳ mang thai và tập quán kiêng cữ giữ trẻ trong nhà ở những tháng đầu sau đẻ. Biểu hiện của còi xương sớm là trẻ trong tình trạng kích thích thần kinh cơ, ngủ hay giật mình, cơn khóc kéo dài, khàn tiếng. Thở rít do mềm sụn thanh quản - các cơ co thắt làm cho trẻ nôn, nấc cụt, hay són phân và nước tiểu. Ở xương có biến dạng hộp sọ, xương sọ mềm, ấn lõm (dấu hiệu nhuyễn sọ). Thóp rỗng, các đường rãnh khớp mở rộng, đầu dễ bị méo mó, đầu bẹt phía sau hoặc một bên do tư thế nằm. Trẻ có thể bị co giật do hạ canxi máu.
Để dự phòng còi xương sớm thì trong thời gian mang thai và cho con bú bà mẹ nên tắm nắng bằng cách đi dạo ngoài trời đồng thời ăn uống đủ chất, tăng cường thực phẩm giàu vitamin D và canxi, cho trẻ bú mẹ ngay sau đẻ và bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, từ 6 tháng trở đi (180 ngày) mới bắt đầu cho ăn bổ sung. Phòng ở của trẻ cần thoáng mát có nhiều ánh sáng. Cho trẻ tắm nắng ngay từ những tháng đầu sau đẻ bằng cách để hở hai cẳng chân cho da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời khoảng 15 phút/ngày vào buổi sáng.
Thiếu vitamin K
Vitamin K cần thiết cho quá trình đông máu, sự hấp thu vitamin K cần có mỡ, muối mật và dịch tụy. Vitamin K có nhiều trong các loại rau xanh như cải bắp, cải xoong, su hào, xà lách. Vi khuẩn đường ruột cũng có khả năng tổng hợp vitamin K. Nhu cầu vitamin K ở phụ nữ có thai và phụ nữ cho con bú là 51mcg/ngày. Trẻ dưới 6 tháng tuổi là 6mcg/ngày, 6-11 tháng là 9mcg/ngày và 1-3 tuổi là 13mcg/ngày.
Nguyên nhân thiếu vitamin K ở trẻ nhỏ là do vi khuẩn đường ruột chưa có khả năng tổng hợp đủ vitamin K, dự trữ thấp. Khi sinh và nồng độ vitamin K trong sữa mẹ thấp. Thiếu vitamin K gây xuất huyết não, màng não thường gặp ở trẻ từ 1 - 3 tháng tuổi. Bệnh xuất hiện đột ngột, trẻ bỏ bú, khóc thét, da xanh, thiếu máu cấp tính, thóp căng phồng, co giật toàn thân hoặc cục bộ, lác mắt, sụp mi, giảm vận động nửa người, không đều, có cơn ngừng thở ngắn, hôn mê và dễ tử vong hoặc để lại di chứng thần kinh.
Để dự phòng thiếu vitamin K, chế độ ăn của bà mẹ có thai và cho con bú cần có dầu mỡ, tăng cường thực phẩm giàu vitamin K. Cho trẻ bú mẹ bình thường. Tiêm phòng vitamin K cho cả mẹ và con. Tiêm bắp vitamin K1 5mg cho bà mẹ trước sinh 2 tuần và trẻ ngay sau sinh tiêm vitamin K1 1mg hoặc uống 2mg và có thể tiêm nhắc lại sau 2-4 tuần.
Đ.S (st)