Hé lộ hệ thống lừa đảo đội lốt chứng khoán quốc tế tại Đà Nẵng

Thứ ba, 17/01/2023 07:42
Như Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng đưa tin, thời gian qua, một số người tại nhiều địa phương trên cả nước đã trở thành “con mồi” của đường dây lừa đảo dưới hình thức kêu gọi đầu tư chứng khoán qua hệ thống sàn giao dịch GKFX. Sau khi báo đăng, nhiều bạn đọc đã cung cấp thêm cho P.V về đường dây lừa đảo này đã và đang hoạt động tại TP Đà Nẵng.
Bảng chỉ tiêu kinh doanh của Công ty TNHH S.UP Việt Nam.
Quang cảnh một buổi huấn luyện nhân viên chăm sóc khách hàng.

Theo tìm hiểu, sau một thời gian hoạt động và bị nhiều người “bóc phốt” hệ thống sàn GKFX đã “thoát xác” thành hàng trăm sàn lừa đảo như ACXFX, SEA Investing, LCM, ACXFX, SCOPE MARKETS, BOSTONMEX... Những sàn này có điểm chung là sử dụng nền tảng giao dịch MT4, MT5. Các đối tượng lừa đảo thành lập các công ty tuyển dụng, luân chuyển nhân viên khắp 3 miền Bắc- Trung- Nam. Bên trong những công ty này có một đội ngũ nhân viên chuyên gọi điện thoại mồi chài những người nhẹ dạ, cả tin và một số đối tượng xã hội nhằm đề phòng các nhà đầu tư kéo đến trụ sở khiếu nại. Thực tế, đã có nhiều nhà đầu tư khi phát hiện bị lừa đã gửi đơn hoặc tự đến văn phòng khiếu nại đã bị nhân viên các sàn giao dịch hành hung.

Riêng tại địa bàn TP Đà Nẵng, chi nhánh của hệ thống GKFX do Trịnh Văn T. đứng đầu. Trợ giúp cho T. có Phùng Văn Q., Đặng Văn H. và Trần Phương D. (giữ chức kế toán trưởng). Theo kết quả xác minh của chúng tôi, tại Đà Nẵng hiện có 3 văn phòng hoạt động, cụ thể: Công ty B.D. có trụ sở tại tòa nhà Pakson đường Hùng Vương (Q. Thanh Khê, Đà Nẵng); Công ty TNHH S. UP Việt Nam tại tòa nhà Q.N (đường Nguyễn Hữu Thọ, Q. Hải Châu, Đà Nẵng) và công ty TNHH T. (trụ sở trên đường Điện Biên Phủ, Q. Thanh Khê). Về hình thức và quy mô hoạt động, mỗi công ty có từ 70 đến 100 nhân viên chăm sóc khách hàng làm việc nhưng bên ngoài 3 văn phòng này luôn trong tình trạng “cửa đóng then cài”.

Cuối tháng 12-2022, chúng tôi đến công ty TNHH S. UP Việt Nam trên đường Nguyễn Hữu Thọ để liên hệ công việc. Sau khi trao đổi, 2 nhân viên “an ninh” yêu cầu chúng tôi cung cấp số điện thoại để công ty sắp xếp “lịch” làm việc và cung cấp số 0924074xxx để người viết chủ động liên lạc. Tuy nhiên, sau 48 giờ vẫn không thấy nhân viên công ty xếp lịch và khi liên hệ với số máy 0924074xxx thì tổng đài báo số thuê bao này đã khóa máy.

Tiếp tục tìm hiểu, chúng tôi được biết quy trình tuyển dụng lao động tại những công ty này vô cùng đơn giản. Những người làm việc tại đây đa số là các bạn trẻ, sinh viên có độ tuổi từ 18-25 tuổi, không yêu cầu bằng cấp và chỉ cần trải qua 2 buổi đào tạo là họ trở thành nhân viên chăm sóc khách hàng qua điện thoại. Trong 2 buổi đó, người mới được tuyển dụng sẽ nghe giám đốc công ty giới thiệu tổng quan về thị trường chứng khoán phái sinh, những ưu điểm của thị trường chứng khoán phái sinh cũng như những thủ đoạn để mời gọi nhà đầu tư.

Bảng chỉ tiêu kinh doanh của Công ty TNHH S.UP Việt Nam.

Khi vào làm việc, trưởng nhóm sẽ gửi cho từng thành viên trong nhóm một danh sách số điện thoại cùng một số thông tin có liên quan của người sử dụng được công ty bỏ tiền mua danh sách (data) khách hàng từ bên thứ 3 và được hướng dẫn quy trình dụ dỗ, lôi kéo nhà đầu tư mở tài khoản và nạp tiền, gồm: 3 bước. Bước 1: nhân viên sẽ gọi bất kỳ số điện thoại nằm trong danh sách vừa được trưởng nhóm cung cấp để chào mời và đề nghị được gửi thông tin về sàn “chứng khoán quốc tế” để người nghe tham khảo; Bước thứ 2, nhân viên kinh doanh sẽ giới thiệu về các mã cổ phiếu quốc tế mà công ty đang thực hiện, sẽ thực hiện việc chi trả cổ tức trong thời gian tới. Trường hợp có “cá cắn câu” là khách hàng đồng ý mở tài khoản, nhân viên kinh doanh sẽ thực hiện bước thứ 3 là dụ dỗ nộp khoản vốn nhỏ và cho thắng vài lệnh rồi tiếp tục nói nhà đầu tư nộp vốn lớn hơn. Khi nhà đầu tư nộp vốn lớn, chúng sẽ chuyển tài khoản cho bộ phận được gọi là “chuyên gia chứng khoán” để thao tác các bước nhằm chiếm đoạt tài sản.

Theo tiết lộ của T. (một nhân viên đã nghỉ việc): “Bọn em được trưởng nhóm giao chỉ tiêu phải “đánh cháy” khoảng 40 triệu đồng/tháng từ tài khoản của các khách hàng. Nếu “đánh cháy” càng nhiều tài khoản thưởng hoa hồng càng lớn”. Với thủ đoạn như trên, chúng đã thành công trong việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của hàng ngàn người tại các địa phương và sau đó số tiền chiếm đoạt được “rửa” bằng cách đầu tư vào bất động sản, mua cổ phiếu...

Có thể nói hình thức lừa đảo bằng hình thức chào mời người bị hại tham gia sàn chứng khoán là hình thức lừa đảo qua mạng viễn thông, với những thủ đoạn tinh vi và người chơi thường khó nhận biết việc bản thân người chơi đang là “miếng mồi ngon” của những kẻ lừa đảo. Hy vọng, mọi người hãy cảnh giác trước sự chào mời của người lạ để tránh cảnh “tiền mất, tật mang”.

M.T