Hết mình vì nhân dân phục vụ
Sáng ngời phẩm chất người lính trong "tâm bão"
Vào tối ngày 27-9, tức chỉ cách vài giờ trước khi bão đổ bộ, Đà Nẵng bắt đầu lệnh cấm người dân ra đường. Lực lượng Công an toàn TP cũng bắt đầu bước vào giai đoạn cam go, "chạy đua" với bão để hoàn thành những công việc còn lại.
Quá trình tuần tra trong điều kiện thời tiết mưa to, gió lớn, lực lượng Công an đã phát hiện nhiều người dân còn lang thang, chưa có nơi tránh trú bão. Như trường hợp của anh Trần Văn Hùng, đang trên đường trở về nhà thì không may xe máy bị hỏng, anh phải dắt bộ giữa đường vắng. May thay, anh Hùng được tổ tuần tra của Cảnh sát Giao thông phát hiện và hỗ trợ, chở cả người và phương tiện về nhà tại quận Cẩm Lệ. "Nhà em bên quận Cẩm Lệ chạy qua nhà ba mẹ ở quận Sơn Trà. Trong lúc đi về thì xe không may bị bó phanh, bị té nên người bị thương. Lúc đó mưa gió rất to. Hên quá gặp mấy anh CSGT hỗ trợ chở em và xe về nhà. Em cảm ơn các anh Công an rất nhiều", anh Hùng xúc động.
Trước đó, CAP Hòa Khánh Bắc (Q. Liên Chiểu) cũng nhận được tin nhắn của người dân mắc kẹt tại xưởng nhôm tiền chế, 19 Bàu Mạc. Ngay lập tức, lực lượng Công an phường đã tiếp cận, bố trí nam thanh đến tại trường THPT Nguyễn Trãi để trú bão. Cũng trong tối 27-9, CS113 cũng đã giúp đỡ anh Lê Thanh Bình (1977, trú Gio Linh, Quảng Trị) đang trong cảnh "không biết đi về đâu". Anh Bình trình bày, anh vào Đà Nẵng để thăm vợ đang điều trị tại bệnh viện. Sau đó ra ngoài giải quyết công việc, khi quay lại thì bệnh viện đã đóng cửa. Lúc đó đã gần 22 giờ đêm và mưa gió nên anh đang lang thang tìm nơi lưu trú. Tuy nhiên, lúc này toàn thành phố đã đóng cửa nên anh không thể tìm ra nơi lưu trú. CS113 đã nhanh chóng liên hệ với CAP Tân Chính đưa anh vào trường tiểu học Trần Cao Vân bố trí cho anh nơi ăn nghỉ tử tế.
Ngoài ra, Trạm CSGT Cửa ô Hòa Hiệp thuộc phòng CSGT cũng đã tổ chức tiếp nhận người dân có hoàn cảnh khó khăn, nhà cửa không kiên cố đến trú ẩn. Tại đây, nhân dân được CBCS phục vụ cơm ăn, nước uống còn được tặng chăn, màn, sữa để bồi dưỡng. Được lực lượng CSGT bố trí nơi ở, bà Lê Thị Bê cho biết: "Thật ấm lòng chú ạ. Ngoài kia mưa gió bão bùng nhưng chúng tôi không ai thấy lạnh lẽo. Bởi vì những nghĩa cử cao đẹp và thân thiện của mấy chú CSGT khiến cho chúng tôi ai nấy đều cảm kích và xúc động".
Một số cán bộ Công an cũng không quản ngại tham gia hiến tiểu cầu trong đêm, trước giờ bão đổ bộ để cứu giúp bệnh nhân đang trong cơn hoạn nạn, cần gấp máu để phẫu thuật như Đại úy Hà Anh Vũ, CAP Hải Châu 2 (Q. Hải Châu), Thiếu tá Nguyễn Huy Linh, Đội trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH... sáng 28-9, các anh lại tiếp tục cùng đồng đội của toàn Công an TP ra quân từ sớm để giúp đỡ người dân cắt tỉa, dọn dẹp cây xanh, giúp đường sá thông thoáng trở lại và giúp đỡ các cơ quan, đơn vị, nhà người dân dựng lại cổng ngõ, bảng hiệu bị gãy đổ trong bão. Một số CBCS trực tiếp đứng chốt, tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn, nhắc nhỡ người dân không đi lại tại các khu vực nguy hiểm gió lớn, sạt lở, ngập nước đã để lại nhiều hình ảnh đẹp trong lòng nhân dân.
Huy động tổng thể lực lượng trước, trong và sau bão
Tại cuộc họp, đánh giá kết quả công tác ứng phó với bão số 4 chiều 28-9, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên- Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng cho biết, trước những diễn biến phức tạp của bão số 4, Công an TP đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ ứng phó với bão; tập thể Ban Giám đốc thường xuyên đi kiểm tra thực tế tại các đơn vị, địa phương; qua đó chỉ đạo khắc phục ngay những khó khăn, vướng mắc tồn tại, hạn chế trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công. Bên cạnh đó, đã tổ chức trực chiến 100% quân số tại đơn vị, trong đó 50% quân số Công an TP đã được lập danh sách cụ thể cùng với Đội Thanh niên xung kích sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ khẩn cấp, đặc biệt theo yêu cầu của lãnh đạo các cấp, với tinh thần "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ".
Đặc biệt, từ 16 giờ ngày 27-9, đã huy động tổng thể các lực lượng như Cảnh sát Giao thông, Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cảnh sát Cơ động,... phối hợp với chính quyền các cấp, các đơn vị liên quan tổ chức tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở, vận động, yêu cầu người dân hạn chế ra đường và tuyệt đối không ra khỏi nhà từ 20 giờ. "Riêng tại khu vực Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, nơi được đánh giá là có nguy cơ cao, Công an TP đã bố trí 1 xe chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, 1 xe tiếp nước, 1 cano chữa cháy và lực lượng cần thiết để triển khai dập tắt ngay các vụ cháy xảy ra. Đây là khu vực được lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm và Công an TP sẽ có nhiều kiến nghị liên quan đến khu vực Âu thuyền để đối phó với bão tốt hơn trong những lần sau", Thiếu tướng Vũ Xuân Viên nói thêm.
Song song với các biện pháp nêu trên, Công an TP Đà Nẵng cũng phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, các đơn vị liên quan thực hiện di dời hàng ngàn hộ dân với hàng chục ngàn nhân khẩu, công nhân, sinh viên,... tại các nhà cấp bốn, nhà trọ, nhà tạm bợ, công trình có nguy cơ tốc mái, sập đổ do bão. Đặc biệt đã hỗ trợ lực lượng, phương tiện di dời đồng bào dân tộc thiểu số thuộc 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) đến nơi tránh, trú an toàn.
Sau bão, Công an TP Đà Nẵng đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương đảm bảo an toàn về an ninh trật tự trên địa bàn thành phố sau bão, không để xảy ra tình trạng các đối tượng tội phạm lợi dụng mưa, bão thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, trộm cắp tài sản,... nhất là tại những nơi bố trí khu tránh, trú bão tập trung cho người dân, các khu vực nhà, cửa người dân đã di dời đến các địa điểm tránh, trú,... Từ 6 giờ ngày 28-9, 100% các thành viên trong Ban Giám đốc đã về tận địa bàn, cơ sở để chỉ đạo trực tiếp Công an các đơn vị, địa phương thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả sau bão. Theo đó, đã huy động tổng thể các lực lượng từ thành phố đến xã, phường thực hiện cưa cây, dọn dẹp trụ điện, tôn, bảng hiệu ngã đổ,... đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến đường; tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn, nhắc nhở người dân không đi lại tại các khu vực nguy hiểm gió lớn, sạt lở, ngập nước...
Thời gian tới, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục hậu quả do bão gây ra để hoạt động trở lại bình thường. Giám đốc Công an TP cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị liên quan như: yêu cầu Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp Ban An toàn thực phẩm, Công ty môi trường triển khai các hoạt động đảm bảo vệ sinh môi trường, nguồn nước, không để phát sinh dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm trong nhân dân; Phòng CSGT và Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH phối hợp với ngành giao thông, Công ty cây xanh cắt tỉa cây xanh, khắc phục sự cố cầu đường,... để đảm bảo giao thông thông suốt; phòng Cảnh sát PCCC và CNCH phối hợp với Điện lực các cấp khắc phục các sự cố về điện, đảm bảo không bị chập, cháy, rò rỉ, đảm bảo nguồn điện phục vụ. "Đặc biệt, huy động tối đa lực lượng Công an cơ sở, Cảnh sát khu vực bám sát địa bàn, khu dân cư để nắm tình hình, thăm hỏi, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả do bão gây ra. Một số khu vực có nguy cơ xảy ra lũ, còn đang bị chia cắt tại xã Hòa Bắc cũng cần được nắm tình hình, có phương án giúp đỡ người dân", Thiếu tướng Vũ Xuân Viên nhấn mạnh.
MAI VINH