Học sinh giỏi cũng... “khóc”

Thứ sáu, 27/05/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - Đến thời điểm này, hầu hết các trường tiểu học đều đã tổng kết năm học và tổ chức bế giảng. Bên cạnh niềm vui vừa hoàn thành tốt trọng trách giảng dạy trong năm học, nhiều giáo viên còn nặng nỗi niềm ưu tư, trăn trở về cái sự khó trong đánh giá, xếp loại học sinh cuối năm, một số phụ huynh học sinh (PHHS) cũng than phiền với NXD về những chuyện mà họ cho là thiếu công bằng, gây tâm lý bất bình cho PH và HS. Cũng qua tiếp xúc với các giáo viên, các PH và cả các em HS tiểu học, NXD mới ngộ ra một điều rằng đã vài năm nay điều mà nhiều PH quan tâm (và cũng là để “khoe”) là con họ có nằm trong danh sách nhà trường khen thưởng không, chứ còn đạt danh hiệu “Học sinh giỏi” thì là chuyện đương nhiên rồi, vì lớp nào cũng có tỷ lệ HS giỏi là 70%, 80%, không giỏi mới là... chuyện lạ!

Tại cuộc họp PHHS cuối năm của một lớp cuối cấp tiểu học ở Trường Tiểu học H., khi nghe cô giáo chủ nhiệm đọc danh sách các HS được nhà trường khen thưởng theo vị thứ từ 1 đến 5, một PH đã bất bình phản đối khi cho rằng lựa chọn như vậy là thiếu công bằng. Ý kiến của vị PH này là: điểm số trong sổ liên lạc của con họ cao hơn và các thành tích khác cũng nhiều hơn so với một trong số các em được đề nghị khen thưởng nhưng lại không được lựa chọn. Giải thích về thắc mắc này, cô giáo cho biết đã làm theo đúng hướng dẫn của Ban giám hiệu, trong đó có một số môn học không so sánh bằng điểm số mà bằng định tính. Điều giải thích này không được nhiều PH tán đồng bởi họ cho rằng điểm số rõ ràng còn có thể so sánh, chứ bằng định tính thì “mờ mờ ảo ảo”, “có trời mà biết”.

Hiện nay, việc đánh giá, xếp loại HS tiểu học được thực hiện theo Thông tư 32 của Bộ GD-ĐT nhưng rồi mỗi địa phương, mỗi trường học lại có cách hiểu khác nhau, cách hướng dẫn khác nhau, nơi thì bằng định lượng, nơi thì kết hợp cả định lượng lẫn định tính dẫn đến kết quả đánh giá cũng khác nhau, thế mới có chuyện người cho là bị “oan”, kẻ  thì nói gặp “may” khi mỗi năm học kết thúc.

NXD mong rằng, trong năm học mới, sẽ không còn các kiểu nhận xét “định tính” như vậy nữa để cho PH khỏi thắc mắc và các em HS cũng khỏi phải băn khoăn: “Vì sao lại thế”?

N.X.D