Hội nghị Thượng đỉnh Bộ tứ Normandy: Tìm kiếm giải pháp cho xung đột ở Ukraine

Thứ ba, 10/12/2019 12:37

Giới phân tích cho rằng, cuộc gặp lần này là một cơ hội để “tắt tiếng súng” ở miền đông Ukraine. Tuy vậy, họ cũng nhấn mạnh, không thể chờ đợi một bước đột phá lớn.

Cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine đã khiến hơn 14.000 người thiệt mạng.  Ảnh: Reuters

Ngày 9-12, một hội nghị được chờ đợi từ lâu  -  hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ Normandy (gồm Nga, Ukraine, Pháp, Đức) đã bắt đầu ở thủ đô Paris của Pháp, nhằm tìm cách chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, sau 5 năm bùng nổ và khiến hơn 14.000 người thiệt mạng. Đây là một cuộc xung đột được xem là định hình lại sân khấu chính trị ở Châu Âu.

Thử thách lớn nhất của Tổng thống Ukraine

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelenskiy cùng Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống nước chủ nhà Pháp, Emmanuel Macron (Bộ tứ Normandy) gặp nhau tại Phủ Tổng thống Pháp (Điện Elysee) với nỗ lực hồi sinh thỏa thuận hòa bình Minsk cho Ukraine vào năm 2015, mà phần lớn đã bị vi phạm, khi các binh sĩ Ukraine và phe nổi dậy vẫn không ngừng xung đột.

Giới phân tích cho rằng, cuộc gặp lần này là một cơ hội để “tắt tiếng súng” ở miền đông Ukraine. Tuy vậy, họ cũng nhấn mạnh, không thể chờ đợi một bước đột phá lớn do quan điểm không khoan nhượng từ phía Nga về vấn đề bầu cử ở Donbass cũng như sức ép từ nhiều cử tri Ukraine không cho phép Tổng thống Zelenskiy nhượng bộ. Trước thềm chuyến đi tới Paris, phe đối lập Ukraine yêu cầu Tổng thống Zelenskiy không đầu hàng Nga, không vượt qua “ranh giới đỏ”. Vì vậy, dù có bất cứ điều gì xảy ra, hội nghị lần này chính là thử thách lớn nhất đối với Tổng thống Zelenskiy, vốn lên nắm quyền với chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử vừa qua, nhờ một phần về cam kết sẽ chấm dứt chiến tranh. Trong khi vẫn nhận được ủng hộ mạnh mẽ của người dân, ông Zelenskiy đã cảm thấy xấu hổ vì vụ bê bối xung quanh các cuộc thảo luận của mình với Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan đến yêu cầu điều tra luận tội cựu phó Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Một loạt các vấn đề trọng điểm được ông mang đến Paris, trong đó có việc thực hiện ngay lập tức lệnh ngừng bắn tại miền Đông Ukraine, trao đổi tù nhân, rút các lực lượng khỏi đường ranh giới ở Donbass cũng như về khả năng tổ chức bầu cử tại khu vực này.

Mọi con mắt đổ dồn vào Nga

Ukraine và Nga ký một thỏa thuận trao đổi tù nhân hồi tháng 9 và đồng ý rút quân từ hai địa điểm ở miền đông Ukraine như một phần trong nỗ lực mở đường cho các cuộc đàm phán ở Paris lần này. Moscow cũng đã thả 3 tàu hải quân Ukraine bị bắt trong một sự cố ở Biển Đen từ 1 năm trước. Tổng thống Zelenskiy nói trước cuộc đàm phán rằng, ông hy vọng họ sẽ giúp đạt được lệnh ngừng bắn lâu dài và đàm phán một thỏa thuận nhanh chóng để trao đổi tất cả các tù nhân. Chấm dứt xung đột trong khu vực Donbass cũng có thể dẫn đến việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga liên quan đến cuộc chiến ở đông Ukraine.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, Tổng thống Putin vẫn sẽ luôn giữ lập trường cứng rắn khi đề cập đến vấn đề cuộc bầu cử sớm ở Donbass. Theo các nguồn tin, Moscow sẽ không có ý định xem lại các thỏa thuận hòa bình Minsk nếu nó tiếp tục đề cập đến cuộc bầu cử sớm ở Donbass. Theo một chuyên gia quân sự, Nga không muốn bằng cách nào đó tích hợp hoặc chỉnh sửa các thỏa thuận đã đạt được trước đó. Đồng thời, Nga hy vọng Pháp và Đức cũng sẽ yêu cầu không thay thế các thỏa thuận này. Nga muốn tăng áp lực lên ông Zelenskiy để thực hiện thỏa thuận hòa bình Minsk, giúp các khu vực do phe nổi dậy kiểm soát được tự chủ hơn để đổi lấy việc chấm dứt xung đột.

KHẢ ANH