Hôm nay (7-12), khai mạc kỳ họp thứ 16 Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng: Trọng tâm bàn giải pháp phục hồi kinh tế
Kỳ họp thứ 16 HĐND TP Đà Nẵng có ý nghĩa quan trọng, không chỉ giải quyết các vấn đề mang tính chất tổng kết nhiệm kỳ vừa qua mà còn thảo luận, tìm giải pháp phát triển cho cả giai đoạn tới. Trong đó, cấp bách nhất là các giải pháp phục hồi kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Hoàn thiện hạ tầng các khu đô thị, tái định cư là vấn đề bức xúc được cử tri kiến nghị nhiều nhưng thành phố vẫn chưa xử lý dứt điểm. |
* Tại kỳ họp này HĐND TP sẽ miễn nhiệm và bầu chức danh Chủ tịch HĐND TP, Chủ tịch UBND TP, 1 Phó Chủ tịch UBND TP và một số Ủy viên UBND TP. Ngoài ra, kỳ họp sẽ xem xét Nghị quyết về việc thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân TP, Văn phòng Ủy ban nhân dân TP. Hai Văn phòng này được tách ra từ Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân TP Đà Nẵng. |
Khẩn trương phục hồi kinh tế
Nội dung trọng tâm của kỳ họp 16 này, các đại biểu HĐND sẽ dành nhiều thời gian thảo luận, tìm giải pháp sớm phục hồi kinh tế Đà Nẵng trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp hiện nay. Năm 2020, kinh tế TP tăng trưởng âm tới 9,77%, tổng thu ngân sách đạt khoảng 21,7 ngàn tỷ đồng (giảm 29,7% so với dự toán), tổng vốn đầu tư khoảng 25,1 ngàn tỷ đồng (giảm 7,5% trong khi kế hoạch tăng 5-6%). Lần đầu tiên sau rất nhiều năm Đà Nẵng có tới 8/11 chỉ tiêu kinh tế không đạt kế hoạch đề ra. Trước thực trạng đó, nhiệm vụ trọng tâm của TP cần khẩn trương phục hồi tăng trưởng kinh tế. Với nhiều kịch bản được đề ra, Đà Nẵng đặt kế hoạch tăng trưởng năm 2021 là 6%. Từ âm 9,77% đến tăng 6% là một quãng đường rất dài, Đà Nẵng sẽ phải làm gì để phục hồi kinh tế?
Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung cho biết, phần lớn thời gian kỳ họp này sẽ dành để thảo luận, đề xuất, quyết định các giải pháp cụ thể để phục hồi kinh tế. Trong đó, các nhóm giải pháp như: Tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và có trọng điểm, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; Đa dạng hóa các hình thức kết nối nhà đầu tư, thu hút dòng vốn đầu tư chuyển dịch đến Việt Nam từ các công ty đa quốc gia, các tập đoàn kinh tế lớn; Bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng; Đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo công nghệ... sẽ là trọng tâm thảo luận.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, mang tính động lực về giao thông, hạ tầng công nghiệp là giải pháp quan trọng vực dậy kinh tế TP trong thời gian tới. Trong đó, những vướng mắc về thủ tục, mặt bằng hàng loạt dự án động lực sẽ phải giải quyết dứt điểm, nổi bật như dự án Khu Công nghệ cao, Khu công viên phần mềm số 2, nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý, đường và cầu qua sông Cổ Cò, đường vành đai phía Tây. Không chỉ các công trình trọng điểm đang triển khai, Đà Nẵng cũng phải nhanh chóng đầu tư các dự án mới để phục vụ thu hút đầu tư, tạo động lực tăng trưởng, chẳng hạn như 3 khu công nghiệp mới (Hòa Ninh, Hòa Nhơn, Hòa Cầm giai đoạn 2), 4 cụm công nghiệp mới (Cẩm Lệ, Hòa Nhơn, Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc). Các khu, cụm công nghiệp mới phải hướng đến mục tiêu thu hút dự án có công nghệ cao, giá trị gia tăng cao. Ngoài ra, những dự án lớn, mang tính dài hơi hơn cũng phải đẩy nhanh thủ tục. Cụ thể, hoàn thành thủ tục chủ trương đầu tư, công tác chuẩn bị đầu tư (phần cơ sở hạ tầng dùng chung) Dự án Xây dựng cảng Liêu Chiểu; hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Di dời đường sắt ra khỏi trung tâm TP; phối hợp hoàn thành nâng cấp nhà ga hành khách T1- Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan, quốc lộ 14G, 14D.
Tuy vậy, giải pháp cấp bách hơn để phục hồi kinh tế TP chính là kích cầu du lịch, dịch vụ- lĩnh vực chiếm tới 64% trong cơ cấu kinh tế. Mục tiêu TP đặt ra trong năm 2021 sẽ đón 5 triệu lượt khách (tăng 82,5% so với năm 2020), doanh thu lưu trú và lữ hành đạt 8 ngàn tỷ đồng (tăng 74%). Để đạt mục tiêu này, TP triển khai chương trình kích cầu du lịch hướng đến khách nội địa thông qua tổ chức sự kiện chào năm mới 2021, Lễ hội Tết Việt, Lễ hội Tuyệt vời Đà Nẵng 2021, Hội chợ Du lịch VITM tại Đà Nẵng năm 2021, Lễ hội pháo hoa quốc tế 2021... Muốn thế, trước tiên phải hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng bởi Covid-19, hỗ trợ để xúc tiến du lịch. Kế tiếp, TP sẽ tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế đêm, thí điểm triển khai một số hoạt động dịch vụ du lịch ban đêm trên cơ sở các dịch vụ sẵn có tại phố du lịch An Thượng, phố đi bộ Bạch Đằng – cầu Nguyễn Văn Trỗi – Trần Hưng Đạo, tuyến đường ven biển Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp – Trường Sa, khu vực chợ đêm Sơn Trà, Khu Phố đi bộ - chợ đêm đường Phan Đăng Lưu, Công viên Châu Á, Helio...
Kích cầu du lịch là giải pháp cấp bách phục hồi tăng trưởng kinh tế Đà Nẵng. |
Nhiều bức xúc tồn đọng
Nhiều vấn đề cử tri bức xúc, đã kiến nghị nhiều lần song đến nay TP vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Nổi bật như các vấn đề quản lý tài nguyên đất đai khoáng sản, đền bù bố trí tái định cư, khớp nối hạ tầng giao thông - thoát nước các khu đô thị, các điểm ô nhiễm môi trường, bất cập trong thực hiện Nghị định 34 hay kết quả điều tra với các dự án sai phạm tại bán đảo Sơn Trà, khu đô thị Đa Phước... Theo báo cáo của Thường trực HĐND TP, tiến độ giải quyết một số kiến nghị của cử tri vẫn còn chậm so với thời hạn đề ra; nhiều kiến nghị chưa được giải quyết dứt điểm. Cụ thể trước và sau kỳ họp thứ 15 vẫn còn 106/162 kiến nghị, chiếm tỷ lệ 65,44% đang trong quá trình giải quyết. Trách nhiệm của một số sở, ngành, địa phương trong việc giải quyết các kiến nghị của cử tri chưa cao, thiếu quyết liệt. Tuy vậy, theo Thường trực HĐND, nhiều kiến nghị thể hiện nguyện vọng và mong muốn rất lớn của cử tri như về đầu tư phát triển hạ tầng, các công trình phúc lợi, chính sách an sinh xã hội, dự án treo... Song, đây là những kiến nghị cần có thời gian, nguồn lực, lộ trình cụ thể. Vì vậy, việc giải quyết chưa thể đáp ứng ngay được nguyện vọng và mong mỏi của cử tri.
HẢI QUỲNH
HĐND tỉnh Quảng Nam tổ chức kỳ họp thứ 20 Trong 2 ngày 7 và 8-12, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa IX tổ chức kỳ họp thứ 20 (kỳ họp thường lệ cuối năm). Kỳ họp nhằm xem xét, quyết định các nội dung quan trọng theo thẩm quyền, cụ thể: Báo cáo tình hình phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2016-2020 và năm 2020; kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2021-2025 và năm 2021; Báo cáo tình hình, kết quả đầu tư công năm 2020, kế hoạch đầu tư công năm 2021; Danh mục các dự án cần thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trong kế hoạch sử dụng đất năm 2021; Báo cáo tài chính nhà nước tỉnh Quảng Nam năm 2019; Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; Dự toán thu, chi và phương án phân bổ ngân sách năm 2021; Kế hoạch tài chính 3 năm 2021-2023, 5 năm 2021-2025; Tình hình thực hiện hoạt động của các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do tỉnh quản lý năm 2020, nhiệm vụ năm 2021; Báo cáo đề xuất xử lý các nghị quyết của HĐND tỉnh có hiệu lực thi hành đến năm 2020, 2021; Báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết ý kiến cử tri đã được UBND tỉnh trả lời; Các báo cáo công tác năm 2020 của Thường trực HĐND tỉnh, các ban của HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh; thông báo về công tác xây dựng chính quyền năm 2020 của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh... Kỳ họp cũng sẽ tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các nội dung khác theo thẩm quyền của HĐND tỉnh. TH. HÀ |