Hơn 23 triệu học sinh cả nước bước vào năm học mới

Thứ ba, 06/09/2022 09:06
Sáng 5-9, hơn 23 triệu học sinh cả nước nô nức đến trường dự Lễ Khai giảng năm học mới 2022-2023, trong không khí vui tươi, rực rỡ cờ hoa của Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tới dự, chung vui cùng học sinh trên toàn quốc.
Chủ tịch nước trao phần thưởng cho những học sinh xuất sắc của Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên.
Chủ tịch nước trao phần thưởng cho những học sinh xuất sắc của Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên.

Nếu như năm học trước, học sinh ở nhiều địa phương phải dự lễ khai giảng, hát Quốc ca, chào cờ qua tivi hoặc màn hình điện thoại, máy tính, năm nay, khi dịch bệnh được kiểm soát, thầy – trò cả nước lại háo hức chào đón Lễ Khai giảng trực tiếp tại trường với tâm trạng hân hoan, phấn khởi.

Thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Lễ Khai giảng ở các trường được tổ chức ngắn gọn, đảm bảo trang nghiêm, lấy học sinh làm trung tâm. Các hoạt động trong phần lễ gồm: Chào cờ, hát Quốc ca; tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu; đọc thư của Chủ tịch nước nhân năm học mới và đánh trống khai trường. Ở phần hội, các trường tổ chức hoạt động văn nghệ, thể thao, trò chơi vui tươi để Ngày Khai giảng thực sự mở đầu cho một năm học với những cảm xúc thiêng liêng và tràn đầy hứng khởi.

Chủ đề mà ngành Giáo dục lựa chọn trong năm học này là "Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo".

Năm học 2022-2023 được xác định là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, có việc triển khai dạy theo chương trình mới đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10; thẩm định sách giáo khoa các lớp 4, 8, 11 và chuẩn bị biên soạn cho lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Để chuẩn bị cho tổ chức dạy học bắt buộc môn Tiếng Anh, Tin học đối với lớp 3 từ năm học 2022-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các địa phương rà soát, chuẩn bị đội ngũ, phương án triển khai 2 môn học bắt buộc này, bảo đảm khi vào năm học mới, tất cả học sinh lớp 3 đều được học Tiếng Anh, Tin học theo đúng yêu cầu của Luật Giáo dục và Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đối với lớp 10 - lớp đầu tiên triển khai theo tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là định hướng nghề nghiệp ở bậc Trung học Phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể để địa phương, nhà trường triển khai việc lựa chọn môn học; chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nhất là đối với những môn học nghệ thuật lần đầu tiên được đưa vào tổ chức dạy và học.

l Sáng 5-9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và đánh trống khai giảng năm học mới 2022- 2023 tại Trường Trung học Phổ thông Chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Đây là cơ sở giáo dục bậc Trung học Phổ thông có nhiều thành tích xuất sắc nhất cả nước về số lượng huy chương, giải thưởng tại các Kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế.

Phát biểu tại Lễ Khai giảng, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi tới các thầy giáo, cô giáo, các em học sinh trong cả nước nói chung, Trường Trung học Phổ thông Chuyên Khoa học tự nhiên nói riêng những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất, bước vào năm học mới với khí thế mới, đạt nhiều thành tích trong dạy và học.

Tại Lễ Khai giảng năm học 2022- 2023, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh trống khai giảng năm học mới và tặng quà các học sinh đoạt giải cao trong Kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế và giáo viên nhà trường.

Hòa chung không khí tưng bừng, hân hoan của các thầy, cô giáo và hơn 23 triệu học sinh cả nước dự khai giảng năm học mới 2022-2023, sáng 5-9, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ và đánh trống khai giảng năm học mới tại Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Sau lễ khai giảng, Thủ tướng dành thời gian kiểm tra cơ sở vật chất trường học; chương trình dạy – học, nhất là về 3 đổi mới của Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm; tìm hiểu về đời sống, chia sẻ tâm tư, tình cảm của thầy giáo, cô giáo nhà trường; đồng thời tìm hiểu, nắm bắt về mô hình giáo dục ngoài công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, hiệu quả, trong đó có ngành Giáo dục và Đào tạo. Qua đó, kết hợp hiệu quả truyền thống hiếu học, sáng tạo của dân tộc với nền giáo dục, khoa học hiện đại của thế giới.

Thủ tướng Chính phủ bày tỏ ấn tượng về cách tổ chức dạy – học, các hoạt động khác của Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, trong đó có chương trình 3 đổi mới của nhà trường trong dạy-học ngoại ngữ, tổ chức bán trú, kỹ năng sống cho học sinh.

Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, các tỉnh, thành phố, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh rà soát, tổng kết mô hình giáo dục ngoài công lập để hoàn thiện, nhân rộng các mô hình hiệu quả, trong đó có mô hình Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm; khắc phục các hạn chế, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính để giáo dục ngoài công lập phát triển.

B.T (tổng hợp)