Huyện đảo Cồn Cỏ và thị xã Quảng Trị được giữ nguyên sau sắp xếp
Ngày 1-1-2025, Nghị quyết 1281/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã của tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2023-2025 chính thức có hiệu lực thi hành. Theo đó, việc sáp nhập và thành lập mới nhiều xã diễn ra tại địa bàn các huyện Triệu Phong, Hải Lăng và Gio Linh. Từ 1-1-2025, Quảng Trị có 10 ĐVHC cấp huyện, 119 ĐVHC cấp xã, gồm 95 xã, 13 phường và 11 thị trấn. Quảng Trị cũng có 2 ĐVHC cấp huyện thuộc diện sáp nhập giai đoạn 2023-2025 nhưng được giữ nguyên.
Lý do đặc thù
Huyện đảo Cồn Cỏ và TX Quảng Trị là 2 ĐVHC cấp huyện thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023-2025 do có 2 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số đạt dưới 70% theo quy định. Vào tháng 4-2024, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã, huyện giai đoạn 2023-2025. Trong đó, nêu rõ nội dung huyện đảo Cồn Cỏ và thị xã (TX) Quảng Trị thuộc diện sắp xếp nhưng đề nghị không hoặc chưa thực hiện sắp xếp vì các yếu tố đặc thù, truyền thống lịch sử, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư; yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH).
Đề án nêu rõ lý do: đối với huyện đảo Cồn Cỏ, có vị trí biệt lập với các ĐVHC cùng cấp khác nên không thể sắp xếp theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 3, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15.
Đối với TX Quảng Trị, có tất cả 4 phường, 1 xã, diện tích tự nhiên hơn 72km2; quy mô dân số gần 30 ngàn người. Đây là mảnh đất đặc thù về lịch sử hình thành, lịch sử truyền thống cách mạng, di tích Thành Cổ Quảng Trị được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt, là điểm hẹn truyền thống của mọi thế hệ cựu chiến binh, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc. Là nơi có ý nghĩa quan trọng trong giáo dục chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khơi dậy truyền thống yêu nước đối với các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau. Về KT-XH, diện mạo đô thị ngày càng phát triển, TX Quảng Trị trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa phía Nam của tỉnh.
Mặt khác, qua nghiên cứu các phương án sắp xếp đối với TX Quảng Trị gặp một số khó khăn. Có đến 5 phương án điều chỉnh một số xã thuộc huyện Hải Lăng và huyện Triệu Phong để mở rộng TX Quảng Trị nhưng đều không đạt tiêu chuẩn quy mô dân số, diện tích tự nhiên và số ĐVHC. Nếu sắp xếp nguyên trạng TX Quảng Trị với 1 huyện (Hải Lăng hoặc Triệu Phong) thì ĐVHC mới sẽ không đảm bảo các yếu tố về cơ cấu và trình độ phát triển KT-XH, tiêu chuẩn đô thị TX. Hiện chỉ có quy định việc nhập ĐVHC nông thôn vào ĐVHC đô thị, không có quy định việc nhập ĐVHC đô thị vào ĐVHC nông thôn. Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đề nghị xem xét chuyển TX Quảng Trị sang sắp xếp trong giai đoạn sau 2030, đồng thời với việc thành lập TX Hải Lăng theo Quy hoạch tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt.
Đến tháng 5-2024, HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VIII, kỳ họp thứ 24 đã thông qua Đề án trên, ban hành nghị quyết, có nội dung giữ nguyên ĐVHC huyện đảo Cồn Cỏ và TX Quảng Trị vì các yếu tố đặc thù, truyền thống lịch sử, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư; yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và phát triển KT-XH.
Sự trở lại của những tên gọi thân thương
Trong Nghị quyết 1281/NQ-UBTVQH15, có 3 xã mới được thành lập sau sáp nhập. Cụ thể, thành lập xã Triệu Cơ (huyện Triệu Phong) trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Triệu Sơn và xã Triệu Lăng. Sau khi thành lập, xã Triệu Cơ có diện tích tự nhiên 30,55 km2 và quy mô dân số 10.180 người. Đối với tên gọi mới Triệu Cơ, khiến người dân rất nhiều cảm xúc, nhớ đến một thời gian khó, chiến đấu hào hùng. Cụ thể, ngày 17-8-1950, Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu IV ra quyết định số 1027-QN/P5 về việc hợp nhất 14 xã của huyện Triệu Phong thành 10 xã lớn.
Theo đó, có nhiều thôn của các xã Triệu Lăng, Triệu Sơn, Triệu Trung, Triệu Tài (ngày nay) nhập lại và lấy tên gọi là xã Triệu Cơ. Chính vì thế, lấy tên gọi xã là Triệu Cơ là phù hợp với lịch sử hình thành các địa phương. Tương tự, thành lập xã Hải Bình (huyện Hải Lăng) trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Hải Quế và xã Hải Ba. Về cơ sở đặt tên xã mới là Hải Bình, theo lịch sử Đảng bộ huyện Hải Lăng, từ tháng 9-1950, huyện có 6 xã; đến năm 1951 do địa bàn quá rộng, không đủ điều kiện quản lý, tổ chức cuộc kháng chiến, tỉnh chủ trương điều chỉnh lại quy mô thành 10 xã, trong đó có xã Hải Bình (bao gồm nhiều thôn thuộc xã Hải Quế và Hải Ba).
Đồng thời với việc thành lập xã Triệu Cơ, Hải Bình, xã Triệu Tân (huyện Triệu Phong) cũng được thành lập mới trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Triệu Vân và xã Triệu An. Sau khi thành lập, xã Triệu Tân có diện tích tự nhiên 24,56 km2 và quy mô dân số 12.076 người.
Từ 1-1-2025, tên gọi xã Linh Hải (huyện Gio Linh) cũng không còn, vì toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Linh Hải được nhập vào xã Gio Sơn. Tên gọi xã Gio Việt (huyện Gio Linh) cũng vào dĩ vãng khi nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số xã Gio Việt vào TT Cửa Việt. Một phần diện tích, dân số xã Gio Châu (huyện Gio Linh) được nhập vào xã Gio Quang, phần còn lại nhập vào TT Gio Linh.
Bảo Hà
Dòng sự kiện:Tinh gọn tổ chức bộ máy
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng: Lực lượng Công an thành phố gương mẫu, đi đầu trong sắp xếp tinh gọn bộ máy
Quận Thanh Khê đảm bảo các hoạt động bình thường ngay sau thời điểm sáp nhập
Lựa chọn phương án tối ưu nhất trong sắp xếp tổ chức bộ máy
Đà Nẵng hợp nhất 10 sở, thành lập Trung tâm Báo chí - Truyền hình
Phê duyệt Phương án sắp xếp, tổ chức lại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế