Hy Lạp đóng cửa tất cả ngân hàng
(Cadn.com.vn) - Hy Lạp đứng trước ngưỡng cửa vỡ nợ khi các ngân hàng buộc phải đóng cửa sau khi các cuộc đàm phán về nợ công bị phá vỡ.
Sáng 29-6, người dân Hy Lạp thức dậy và “chào đón” thông tin gây sốc: các ngân hàng, các máy rút tiền buộc phải đóng cửa ngay sau khi cuộc đàm phán giữa Athens và các chủ nợ rơi sâu vào khủng hoảng.
Ngay sau khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) thông báo sẽ đóng băng các khoản vay khẩn cấp mà thiết chế này cung cấp để “nuôi sống” hệ thống ngân hàng Hy Lạp, Thủ tướng Alexis Tsipras tuyên bố đóng cửa các ngân hàng từ tối 28-6 và áp đặt kiểm soát vốn để ngăn chặn các ngân hàng sụp đổ dưới sức nặng của việc rút tiền hàng loạt. Trong tuyên bố về biện pháp kiểm soát vốn trên truyền hình, Thủ tướng Tsipras trấn an người dân rằng, các khoản tiền gửi của họ vẫn an toàn.
Nhưng ngay sau đó, người dân xếp hàng dài bên ngoài các máy ATM để rút được tiền trước khi quá muộn. “Tôi chỉ có 5 EUR trong túi”, thợ ống nước Yannis Kalaizakis, 58 tuổi, cho biết khi đứng xếp hàng trước một máy rút tiền ở trung tâm Athens. Tại Macedoni, Ngân hàng Trung ương nước này ra lệnh tất cả các ngân hàng rút các khoản tiền gửi tại các ngân hàng ở Hy Lạp và cho biết đã áp dụng “các biện pháp phòng ngừa” để ngăn dòng vốn chảy sang nước láng giềng phía nam.
Người dân biểu tình phản đối EU trước trụ sở Quốc hội Hy Lạp. Ảnh: Reuters |
Mối nguy ngay trước cửa
Các ngân hàng Hy Lạp sẽ đóng cửa đến ngày 7-7, 2 ngày sau khi nước này tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về các điều khoản cứu trợ mà các chủ nợ quốc tế đưa ra. Trong khi đó, các máy rút tiền tự động sẽ mở cửa trở lại vào hôm nay (30-6), nhưng chỉ giới hạn 60EUR/ngày.
Động thái này xảy ra vào thời điểm Hy Lạp đang tiến gần hơn đến nguy cơ phải rời khỏi Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone). Athens chỉ còn chưa đến 48 giờ để trả khoản nợ 1,6 tỷ EUR (1,77 tỷ USD) các khoản vay cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Nếu không trả được nợ, “xứ sở thần thoại” có nguy cơ phải ra khỏi khối liên minh đồng EUR. Người dân Hy Lạp phản ứng đầy mâu thuẫn, với sự hoài nghi và sợ hãi. “Tôi không thể tin được”, người dân tên Evgenia Gekou, 50 tuổi, cho biết, trên đường đi làm.
Các quan chức Châu Âu cũng đưa ra những tín hiệu khó hiểu về những động thái tiếp theo. Một phát ngôn viên Ủy ban Châu Âu nói với đài phát thanh Pháp rằng, Brussels sẽ không thực hiện bất kỳ đề xuất mới nào, tuyên bố đầy mâu thuẫn với ý kiến của Ủy viên Kinh tế Liên minh Châu Âu (EU) Pierre Moscovici, người cho rằng, hai bên “chỉ còn một vài cen-ti-mét” nữa là tiến đến một thỏa thuận.
Lỗi của Thủ tướng Tsipras?
Sau nhiều tháng tranh cãi, các đối tác Châu Âu bực tức đổ lỗi cho Thủ tướng Tsipras “đã gây ra cuộc khủng hoảng này”. Các chủ nợ muốn Hy Lạp cắt giảm lương hưu và tăng thuế. Tuy nhiên, ông Tsipras cho rằng, việc này sẽ làm sâu sắc một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất của thời hiện đại tại một đất nước mà 1/4 lực lượng lao động vẫn thất nghiệp.
Và hy vọng về bước đột phá ở phút cuối cùng nhanh chóng phai tàn sau khi Thủ tướng Tsipras đáp trả các chủ nợ quốc tế bằng cách công bố cuộc trưng cầu dân ý về các yêu cầu cải cách. Các tờ báo lớn ở Hy Lạp đều đăng hình ảnh người xếp hàng dài bên ngoài các máy rút tiền trên trang nhất. Tờ Eleftheros Typos thậm chí có bài viết cáo buộc việc Thủ tướng Tsipras công bố cuộc trưng cầu dân ý là một âm mưu để đưa đất nước vào cuộc bầu cử sớm với hy vọng giành chiến thắng. “Rõ ràng ông Tsipras đánh mất niềm tin của người dân. Điều đó hiện rõ tại các máy ATM, trạm xăng, và nó sẽ trở nên rõ ràng hơn ở lá phiếu vào chủ nhật tới (5-7)”, bài xã luận nêu rõ.
Mặc dù các nước Châu Âu tỏ ra hờ hững với Athens, Mỹ lại thể hiện sự quan tâm sâu sắc. Tổng thống Barack Obama điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel và đề nghị có hành động khẩn cấp để giữ Hy Lạp ở lại Eurozone. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew cũng ra tuyên bố sau cuộc hội đàm với những người đồng cấp Đức và Pháp đề nghị các chủ nợ xem xét giảm nợ cho Hy Lạp, tình huống mà Berlin và các nước thành viên Eurozone khác phản đối mạnh mẽ.
Khả Anh