Iran bùng nổ biểu tình sau khi thừa nhận “bắn nhầm” máy bay Ukraine

Thứ hai, 13/01/2020 09:48

Những người biểu tình phản đối chính phủ xuống đường ở Iran hôm 11-1 sau khi Tehran thừa nhận đã bắn nhầm máy bay chở khách của Ukraine, khiến tất cả 176 người trên máy bay thiệt mạng. Trong khi đó, nhiều nước đã yêu cầu Tehran phải mở một cuộc điều tra đầy đủ, đưa những người có trách nhiệm ra trước công lý sau vụ tai nạn.

Người biểu tình thắp nến cầu nguyện cho các nạn nhân của máy bay gặp nạn. Ảnh: Bloomberg

Iran bắt giữ Đại sứ Anh

Hãng thông tấn Tasmin có trụ sở ở Tehran đưa tin, Đại sứ Anh tại Tehran Rob Macaire đã bị bắt trong vài giờ ngày 11-1 ở phía trước Đại học Amir Kabir vì kích động người biểu tình chống chính phủ. 

Thông tin trên đã được Ngoại trưởng Anh Dominic Raab xác nhận. Thông cáo của Ngoại trưởng Raab nêu rõ: “Vụ bắt giữ đại sứ của chúng tôi ở Tehran mà không có lý do hay giải thích gì là một hành động vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế”. Mỹ cũng yêu cầu Iran phải xin lỗi về việc bắt Đại sứ Anh. “Vụ việc này vi phạm Công ước Vienna, thỏa thuận mà chính quyền Iran đã có lịch sử vi phạm. Chúng tôi kêu gọi chính quyền chính thức xin lỗi Anh vì đã vi phạm quyền của đại sứ và tôn trọng quyền của tất cả các nhà ngoại giao”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus đăng Twitter.

Trong khi đó, ngày 12-1, Đại sứ Anh tại Iran đã bác bỏ cáo buộc về việc ông đã tham gia một cuộc biểu tình nổ ra tại lễ tưởng niệm 176 nạn nhân trong vụ bắn hạ máy bay. Trên mạng xã hội Twitter, Đại sứ Rob Macaire viết: “Có thể khẳng định là tôi không tham gia vào bất cứ cuộc biểu tình nào! Tôi đã Tới một sự kiện được thông báo là lễ tưởng niệm dành cho các nạn nhân của thảm kịch PS752”. Đại sứ Anh cũng cho biết, ông đã bị tạm giữ trong nửa tiếng đồng hồ.

Hàng ngàn người đã tập trung bên ngoài cổng trường đại học Amir Kabir, gần Đại sứ quán Mỹ cũ ở Tehran, để lên án vụ tai nạn máy bay mà chính phủ Iran cho là lỗi của con người và “chủ nghĩa phiêu lưu của Mỹ”.

Chuyến bay 752 của Hãng hàng không quốc tế Ukraine (UIA) bị rơi hôm 8-1 sau khi cất cánh từ sân bay của Tehran. Vụ tai nạn xảy ra vài giờ sau khi Iran bắn tên lửa vào các căn cứ của quân đội Iraq để trả thù cho cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tại sân bay Baghdad khiến chỉ huy Iran Qassem Soleimani thiệt mạng. Sự tức giận của người biểu tình được thúc đẩy bởi tuyên bố của các lực lượng vũ trang Iran rằng họ đã bắn máy bay một cách vô ý, và tuyên bố đổ lỗi cho hoạt động radar và hành động của Mỹ. “Máy bay đã đến gần một trung tâm quân sự nhạy cảm của IRGC ở độ cao và điều kiện bay giống như nhắm mục tiêu thù địch. Trong những trường hợp như vậy, máy bay đã vô tình bị bắn trúng, không may dẫn đến cái chết của nhiều người mang quốc tịch Iran và nước ngoài”, tuyên bố viết. “Lỗi của con người tại thời điểm khủng hoảng do chủ nghĩa phiêu lưu của Mỹ gây ra đã dẫn đến thảm họa”, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif viết trên Twitter.

Yêu cầu lãnh tụ tối cao từ chức

Trong đoạn băng đăng trên phương tiện truyền thông xã hội, những người biểu tình đã hô vang, yêu cầu Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei từ chức và những người chịu trách nhiệm vụ bắn hạ máy bay phải bị truy tố. “Gọi đó là lỗi con người hoặc sự hèn hạ, nhục nhã, bất cứ điều gì các ngài đặt cho nó. Nhưng tôi ước các ngài hãy giết luôn chúng tôi đi. Chúng tôi không thể chịu đựng điều này thêm nữa”, nhà báo Iran Farnaz Miri đăng Twitter hôm 11-1 sau tuyên bố thừa nhận của quân đội. “Chúng tôi chỉ là một nhóm xác sống, sống cuộc đời mà các ngài đã vạch sẵn”.

Theo hãng thông tấn FARS của Iran, lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei hôm 10-1 yêu cầu các thành viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao thông tin “rõ ràng và trung thực” tới người dân về những gì đã xảy ra. Tuy nhiên, thông báo “trung thực” này không kiềm chế được cơn sốc và phẫn nộ của người dân trước cái chết của những người vô tội cũng như việc chính phủ che giấu sự thật suốt 3 ngày sau tai nạn. “Các ngài mất 3-4 ngày mới nhận ra đã bắn tên lửa sao”, nhiếp ảnh gia Arash Ashournia đặt câu hỏi trên Twitter. “Thật xấu hổ vì các ngài không thể phân biệt máy bay chiến đấu với máy bay chở khách. Làm thế nào các ngài có thể biện minh cho thảm họa này đây?”, một người dùng Twitter chất vấn.

Nghị sĩ Mohammad Reza Tabesh cho rằng việc giữ bí mật sự thật thậm chí còn gây thiệt hại nặng nề cho đất nước hơn tên lửa và bom. Nhiều người Iran đang đổ lỗi cho chính phủ vì đã che giấu sự thật, nhiều người thậm chí cho rằng các chỉ huy quân sự hàng đầu nên từ chức. “Tôi tin rằng từ chức có thể hàn gắn. Hàng nghìn người nên từ chức, từ cấp cao đến thấp”, người dùng Maryam Abdi viết.

Bị bắn do nhầm với tên lửa hành trình

Phát biểu trên đài truyền hình nhà nước Iran, người đứng đầu đơn vị hàng không vũ trụ thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) - tướng Amir Ali Hajizadeh cho biết máy bay chở khách của Ukraine bị bắn nhằm hôm 8-1 vì phía Iran cho rằng đó là một tên lửa hành trình. Theo tướng Hajizadeh, người điều khiển tên lửa Iran đã hoạt động đơn độc khi bắn hạ máy bay chở hành khách của Ukraine do hệ thống liên lạc có lỗi. Người điều khiển tên lửa đã nhầm lẫn máy bay Boeing 737 với một “tên lửa hành trình” và chỉ có 10 giây để quyết định có nên bắn hay không.

Tư lệnh đơn vị hàng không vũ trụ của IRGC cho hay: “Dựa trên thông tin được cung cấp cho người điều khiển rằng đây là một tình huống chiến tranh và tên lửa hành trình đã được phóng đi, người này đã xác định đây là một tên lửa. Người này buộc phải liên lạc và kiểm chứng. Tuy nhiên dường như hệ thống liên lạc của ông đã bị đứt quãng. Hoặc là hệ thống “bị nhiễu” là nguyên nhân hoặc mạng lưới quá bận hay bất cứ điều gì, khiến ông ta đã không thể liên lạc. Ông ta chỉ có 10 giây để quyết định. Thật không may, với tình huống như vậy, ông đưa ra quyết định tồi tệ này, tên lửa đã được phóng đi và bắn trúng máy bay... máy bay đã vòng lại và rơi tại đây”. 

Cũng theo tướng Hajizadeh, IRGC thông báo cho chính phủ Iran rằng, có khả năng họ đã bắn nhầm vào máy bay Ukraine ngay sau vụ việc. Tuy nhiên thông tin này không được công khai khi hiện trường vụ rơi máy bay đang được điều tra. Cả IRGC và quân đội của đất nước Iran đều không tìm cách che giấu vụ việc, quy trình thủ tục được tuân thủ, ông giải thích. Trước đó, ông Hajizadeh cũng đã nhận hoàn toàn trách nhiệm về vụ việc và cho biết sẽ chấp thuận bất cứ quyết định kỷ luật nào được đưa ra.

Những người có trách nhiệm sẽ bị truy tố

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm 11-1 cho rằng, việc Iran thừa nhận đã bắn hạ máy bay chở khách của Hãng hàng không quốc tế Ukraine là một bước đi đúng hướng, nhưng Kiev muốn những người gây ra vụ việc phải chịu trách nhiệm. 

Ông Zelenskiy cho biết Ukraine muốn một cuộc điều tra kỹ lưỡng, một lời nhận lỗi và sự bồi thường đầy đủ từ Iran sau khi Tehran thừa nhận các lực lượng của nước này đã bắn nhầm máy bay của Ukraine. Ông Zelenskiy nêu rõ: “Iran đã thừa nhận bắn rơi máy máy bay Ukraine. Chúng tôi mong đợi sự đảm bảo từ Iran về việc nước này sẵn sàng mở một cuộc điều tra kỹ lưỡng và công khai, đưa những người có trách nhiệm ra công lý, bàn giao lại các thi thể nạn nhân, trả tiền bồi thường, và xin lỗi chính thức thông qua các kênh ngoại giao”. Trong khi đó, Văn phòng tổng công tố Ukraine ngày 11-1 tuyên bố đang điều tra khả năng có mưu đồ cố ý sát hại và phá hủy máy bay trong cuộc điều tra vụ rơi máy bay của UIA tại Iran. Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng tuyên bố Iran cần phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trong vụ việc này, vốn khiến 57 người Canada thiệt mạng.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani trước đó thừa nhận rằng vụ bắn nhầm là “bi kịch khủng khiếp và sai lầm không thể tha thứ”. “Cộng hòa Hồi giáo Iran hối tiếc sâu sắc về sai lầm thảm khốc này. Xin gửi lời chia buồn và cầu nguyện của tôi đến những gia đình đau thương. Tôi xin bày tỏ sự chia buồn sâu sắc”, nhà lãnh đạo Iran viết trên Twitter. Tổng thống Iran cũng chỉ đạo hạn chế tất cả sai sót trong hệ thống phòng không quốc gia sau vụ bắn nhầm máy bay của Ukraine. Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân. Ông cũng thúc giục lực lượng vũ trang Iran điều tra những sai lầm gây nên thảm kịch hàng không và yêu cầu các bên có biện pháp cần thiết để ngăn vụ việc tương tự xảy ra trong tương lai.

AN BÌNH