Iran trong thế “tiến thoái lưỡng nan”

Thứ hai, 06/01/2020 12:28

Trả đũa mà không khơi mào chiến tranh khủng khiếp ở Trung Đông, chính là bài toán khó khăn đối với Iran trong lúc này, sau khi Mỹ mở cuộc không kích tiêu diệt tướng Qassem Soleimani- nhân vật quyền lực được xem là chỉ đứng sau Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei.

Người dân Mỹ xuống đường biểu tình ở Texas, phản đối khả năng xảy ra cuộc chiến mới ở Trung Đông. Ảnh: AP

Vụ không kích của Mỹ bên ngoài sân bay Baghdad rạng sáng 3-1, theo lệnh của Tổng thống Donald Trump khiến tướng Soleimani thiệt mạng, đang phủ bóng chiến tranh khắp Trung Đông. Washington đã ra đòn. Lãnh tụ tối cao Khamenei đã tuyên bố sẽ trả thù “khốc liệt” sau khi mô tả “đây là hành động chiến tranh”.

Vị thế và ảnh hưởng của tướng Soleimani ở Iran và khắp Trung Đông là điều không phải bàn cãi. Marc Heopoposos, một cựu quan chức hoạt động cao cấp của Cục tình báo Trung ương (CIA) cho biết, ông là nhân vật quân sự nổi tiếng nhất hành tinh hiện nay. Nhưng sự nổi tiếng đó giờ đã khiến chế độ Iran rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Vì tầm vóc biểu tượng của tướng Soleimani, Iran chắc chắn sẽ phải trả đũa sau vụ tấn công phô trương của Mỹ. Nhưng vấn đề là Iran phải làm sao để tránh cho Mỹ tạo cớ để phát động một cuộc chiến có thể dẫn đến sự sụp đổ của Cộng hòa Hồi giáo. Iran cũng muốn tránh đối đầu với các nước Châu Âu, Trung Quốc hoặc Nga trong phản ứng của mình, một chuyên gia nhận định.

Vì vậy, quốc gia Hồi giáo này sẽ phải chọn và lựa chọn cẩn thận trong số các vũ khí trả đũa của mình. Vậy Tehran sẽ đáp trả như thế nào?

Iran sẽ trả đũa như thế nào?

Theo giới phân tích, quốc gia Hồi giáo có vô số cách để đáp trả Mỹ bởi họ đã chuẩn bị cho tình huống này từ lâu.

Trên thực tế, các cơ sở ngoại giao, quân sự của Mỹ đều có nguy cơ bị tấn công, nhất là ở Afghanistan, Kuwait, Syria và Iraq… từ các phần tử dân quân thân Iran, nhất là nhóm Kataeb Hezbollah. Ở Afghanistan, Iran từ lâu đã có liên kết với các nhóm dân quân Hazara, để từ đó thực hiện tấn công tại quốc gia Nam Á này, nơi hàng ngàn quân đội Mỹ đóng quân. Ở Lebanon, Hezbollah - từ lâu đã là “cánh tay phải” của Iran - có thể tấn công Israel và lợi ích của Mỹ trong khu vực bất cứ lúc nào. Hezbollah thậm chí còn có mạng lưới rộng lớn hơn ở Nam Mỹ và Tây Phi, những nơi có người nhập cư Lebanon theo Hồi giáo dòng Shiitte. Ở Iraq, theo Guardian, chính quyền Iraq sẽ bảo vệ các cơ sở Mỹ ít hơn, vì bản thân Baghdad cũng phẫn nộ về cuộc tấn công trên lãnh thổ mình. Một cựu quan chức CIA dự đoán, Iran có nhiều khả năng nhắm vào các cơ sở của chính phủ Mỹ ở xa Trung Đông. “Tôi không biết liệu chúng ta có cảnh giác cao như vậy ở Lima, Buenos Aires, Asuncion, Malaysia, Tây Phi và Châu Âu hay không - những nơi có sự hiện diện của Hezbollah”, ông này nói thêm.

Quốc gia Hồi giáo này cũng có thể trả đũa theo cách thường làm, nhắm đến các tàu chở dầu trên Vịnh Persian. Trong một tuyên bố hôm 5-1, tướng Gholamali Abuhamzeh, chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ở tỉnh Kerman nêu khả năng thực hiện các vụ tấn công tiềm tàng nhằm vào các tàu ở Vùng Vịnh. Ông nói: “Eo biển Hormuz là điểm quan trọng đối với phương Tây và số lượng lớn các tàu khu trục và tàu chiến Mỹ vượt qua khu vực này... Các mục tiêu Mỹ quan trọng trong khu vực được Iran xác định từ lâu... Khoảng 35 mục tiêu Mỹ trong khu vực cũng như Tel Aviv đều nằm trong tầm ngắm của chúng tôi”.

Và Iran còn một cách ra đòn nguy hiểm hơn: phá hoại cơ may tái đắc cử của Tổng thống Trump: việc bị luận tội, giá dầu tăng vọt sau vụ tấn công, giữa bất ổn toàn cầu và đe dọa bủa vây lấy nước Mỹ, chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu tới chiến dịch tranh cử của ông chủ Nhà Trắng.

Iran lần đầu tiên treo “cờ báo thù”

Lá cờ đỏ treo trên nóc ngôi đền Jamkaran ở thành phố Qom, Iran. Ảnh: AP 

Lần đầu tiên trong lịch sử, lá cờ đỏ tượng trưng cho máu đổ và sự trả thù trong truyền thống Shiite được treo lên trên mái nhà thờ Hồi giáo linh thiêng Jamkaran tại thành phố Qom, Iran. Đây được xem là cho lời thề trả thù của Tehran sau vụ tướng Soleimani bị sát hại, làm bùng nổ lo ngại chiến tranh Iran- Mỹ.

Theo Dailymail, lá cờ đỏ này đã được kéo lên phía trên nhà thờ vào hôm 5-1 khi Iran dành 3 ngày quốc tang để tưởng nhớ tướng Soleimani. Theo hãng tin này, trong quan niệm của người đạo Hồi Shiite, dòng đạo Hồi ở Iran, lá cờ đỏ này thường xuất hiện trong các cuộc biểu tình, tượng trưng cho máu đổ bất công và kêu gọi trả thù cho người bị sát hại. Lá cờ này cũng được nhìn thấy treo lên ở nhiều nơi tại thủ đô Tehran. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử lá cờ đỏ truyền thống Shiite được treo lên trên nhà thờ Hồi giáo linh thiêng Jamkaran. Hình ảnh lá cờ cũng được chiếu trong thời điểm đại giáo chủ Ali Khamenei và Tổng thống Hassan Rouhani tới gia đình ông Soleimani để an ủi thân nhân, trấn an rằng sẽ trả thù cho vị tướng tình báo này.

T.L

Cần kế hoạch dài hơi?

Các đội quân ủy nhiệm của Iran tất nhiên sẽ muốn chứng tỏ rằng họ trung thành với chính quyền, nhưng việc Mỹ giết tướng Soleimani và tấn công các mục tiêu Kataeb Hezbollah sẽ khiến họ tự hỏi, Washington có nhanh chóng tìm ra và giết họ như vậy sau bất kỳ cuộc tấn công nào vào lợi ích của Mỹ hay không?

Mặc dù khả năng rất cao rằng, Iran hoặc Hezbollah sẽ trả đũa bằng cách phát động các cuộc tấn công khủng bố chống lại các mục tiêu của Mỹ hoặc đồng minh, nhưng điều đó khó xảy ra trong thời gian tới, một phần vì một cuộc tấn công khủng bố vào một cá nhân hoặc cơ sở cụ thể đòi hỏi một kế hoạch chuẩn bị lâu dài và đáng kể. Iran cần phải xác định mục tiêu và hiểu hồ sơ bảo mật của mình. Tehran cũng cần xác định vị trí vũ khí và kế hoạch sơ tán cho người dân. Sự phức tạp của một hoạt động như vậy gây khó khăn trong quá trình thực hiện trừ khi một hoạt động như vậy đã được lên kế hoạch trước khi ông Soleimani bị ám sát. Và Tehran cũng phải đưa ra một kế hoạch với thực tế không có người có khả năng tốt nhất để thực hiện: đó chính là tướng Soleimani.

Tình hình nóng như lửa đốt ở Trung Đông cũng có thể khiến Iran phải chùn tay. Chưa đầy 24 giờ sau cuộc tấn công, Trung Đông ở ngay bên bờ vực chiến tranh. Royal Jordanian Airlines đã đình chỉ các chuyến bay đến Baghdad. Bộ Quốc phòng Mỹ đã triển khai thêm quân đến Iraq và tăng cường an ninh cấp cao nhất tại các căn cứ quân sự trên khắp Trung Đông. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ dường như gửi tin nhắn hỗn hợp đến các công dân ở Iraq. Ngoại trưởng Pompeo nói với CNN rằng việc giết Soleimani giúp người Mỹ an toàn hơn trong khu vực. Tuy nhiên, Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad khuyên tất cả người dân nên tránh Đại sứ quán và ngay lập tức rời khỏi Iraq. “Người Iran sẽ tấn công đầu tiên vào các thành phần của chính phủ Mỹ để báo thù”, một chuyên gia nhận định. Một cựu quan chức Bộ Ngoại giao chuyên về Iraq và Iran cảnh báo rằng phản ứng của Iran không có khả năng là một trường hợp đơn giản để “ăn miếng trả miếng”. Quân đội Mỹ cũng đã bị tấn công tên lửa liên tiếp sau vụ tướng Soleimani bị sát hại. Liên quân do Mỹ đứng đầu mới xác nhận có tên lửa rơi gần 2 căn cứ của quân đội Iraq ở Baghdad và Balad vào hôm 4-1, nhưng không có thương vong về quân sự.

Diễn biến càng tồi tệ hơn khi Tổng thống Trump, trong tuyên bố hôm 5-1, cảnh báo sẽ tấn công Iran quyết liệt hơn bất cứ thời gian nào trước đây nếu Tehran trả đũa vụ ám sát Tư lệnh Soleimani. “Mỹ sẽ “không do dự” sử dụng các thiết bị quân sự “lợi hại hoàn toàn mới” nếu Iran trả đũa”, ông Trump viết trên Twitter sau khi thề sẽ tấn công 52 mục tiêu tại Iran nếu nước này trả thù.

KHẢ ANH