“Kể chuyện” những dòng sông xứ Quảng

Thứ bảy, 16/09/2023 09:08
Sê-ri 20 tập ký sự truyền hình “Những dòng sông xứ Quảng”, do Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam (QRT) sản xuất, lên sóng truyền hình QRT tối 2-9. Lần đầu tiên QRT sản xuất ký sự truyền hình “kể chuyện” về những dòng sông xứ Quảng.
Phóng viên QRT tác nghiệp trong sê-ri ký sự truyền hình.
Cảnh trong ký sự “Trầm tích Trường Giang” (tập 8), đoạn sông Trường Giang giáp giới xã Tam Hòa và Tam Tiến, huyện Núi Thành.

Tổng quan những dòng sông

Tập mở đầu sê-ri ký sự truyền hình “Những dòng sông xứ Quảng” phác họa về 3 hệ thống sông chính ở Quảng Nam gồm hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, hệ thống sông Tam Kỳ và sông Trường Giang. Đây là tập tổng quan giới thiệu về những dòng sông xứ Quảng, từ địa lý tự nhiên đến lịch sử, văn hóa, con đường giao thương, những làng nghề nổi tiếng, những trầm tích thời gian, những dấu ấn đậm nét... làm nên đặc trưng văn hóa, con người và “tính cách Quảng” của Quảng Nam.

Các dòng sông lớn của Quảng Nam mà chủ yếu là hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Trường Giang cùng các chi lưu của nó đã tạo nên những cánh đồng phù sa màu mỡ, xóm làng đông đúc, trù phú, lưu dấu những làng nghề nổi tiếng như trống Lâm Yên, dệt lụa Mã Châu, chiếu Bàn Thạch, gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng… Hệ thống sông xứ Quảng là tuyến giao thương huyết mạch với những bến đò - bến chợ ven sông gắn liền với những truyền thuyết, ca dao dân ca mang đậm ân tình xứ Quảng “Ai về nhắn với nậu nguồn/Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên”...

Nghi thức dân gian, lễ hội văn hóa của cư dân bên các dòng sông được phản ánh đậm nét trong sê-ri ký sự truyền hình “Những dòng sông xứ Quảng”.

Những dòng sông xứ Quảng cũng gắn liền với nghi lễ, nghi thức, lễ hội dân gian của cư dân từ vùng cao đến đồng bằng và ven biển như lễ cúng máng nước của các dân tộc đầu nguồn sông Mẹ, lễ hội Bà Thu Bồn, lễ hội Bà Phường Chào, lễ rước Cộ Bà Chợ Được... Tiến sĩ Trần Đình Hằng - Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa - Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế cho rằng, vùng đất Nam Hải Vân, nhờ lưu vực sông Thu Bồn, đã trở thành vùng đất nơi dừng chân lý tưởng của những di dân người Việt. Nhờ đó, nó đã lưu dấu đậm nét tất cả hành trang di sản của miền châu thổ Bắc Bộ - Thăng Long đi vào và tụ cư tất cả tinh hoa của truyền thống mở cõi, đặc biệt là dấu ấn Thanh - Nghệ rất đậm nét ở vùng Quảng Nam.

Trong tập đầu tiên của sê-ri ký sự truyền hình “Những dòng sông xứ Quảng”, Giáo sư Sử học Lê Văn Lan nhận định, những dòng sông đã lưu dấu đậm nét công cuộc di dân, khẩn hoang lập ấp trên vùng đất mới Quảng Nam. “Những cuộc di dân mở mang đất đai của những người dân miền Thanh - Nghệ thường đi bằng đường biển mà phương tiện là những con thuyền. Do đó, khi vào xứ Quảng thì nơi cửa sông mở ra những con sông chính là nơi những di dân xứ Bắc ghé thuyền vào rồi ngược các dòng sông đi vào trung tâm xứ Quảng. Đấy là “miền đất hứa” dành cho những người di dân hòa mình, cộng cư, hợp tác với cư dân bản địa để làm thành đạo Thừa tuyên Quảng Nam - thừa tuyên thứ 13 rộng lớn đúng như tên gọi của nó trong bản đồ nước Đại Việt từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVI” - Giáo sư Sử học Lê Văn Lan cho biết.

Phóng viên QRT tác nghiệp trong sê-ri ký sự truyền hình.

“Dư địa chí hình ảnh” về những dòng sông

Ngoài tập 1 tổng quan về những dòng sông, sê-ri ký sự truyền hình “Những dòng sông xứ Quảng” sẽ đưa khán giả “du ngoạn” sông Thu Bồn (3 tập, gồm Nơi khởi nguồn sông Mẹ, Từ Hòn Kẽm về xuôi, Về với dòng sông Mẹ), sông Vu Gia (2 tập, Khởi nguồn Vu Gia, Vu Gia đôi bờ thương nhớ), sông Trường Giang (3 tập, Bình minh Trường Giang, Trầm tích Trường Giang, Nơi con sông ra biển), sông Cổ Cò (2 tập, Dấu xưa một dòng sông, Khơi dòng Lộ Cảnh Giang), sông Vĩnh Điện (Sông đào Vĩnh Điện), sông Ly Ly (Rù rì sông quê), sông Tranh (Câu chuyện sông Tranh), sông Tiên (Dòng sông chảy ngược), sông Trầu (Nơi chẳng xa nguồn), sông Tam Kỳ (Dòng sông hoa sưa), sông Hoài (Dòng sông phố Hội), sông A Vương (Dòng sông thắp sáng) và sông Bà Rén (Nặng lòng con nước phù sa). Các tập ký sự phát sóng lúc 20 giờ 45 thứ 3-5-7 hàng tuần.

Lấy cảm hứng từ trầm tích lịch sử văn hóa, giá trị kinh tế của từng con sông, sê-ri 20 tập ký sự “Những dòng sông xứ Quảng” do QRT thực hiện tập trung thể hiện những nét riêng biệt, dấu ấn lịch sử, văn hóa và phát triển kinh tế từ trong quá khứ đến hiện tại và hướng tới tương lai. Mỗi tập ký sự sẽ tập trung khắc họa những nét văn hóa đặc trưng của từng cộng đồng cư dân hai bên dòng sông, qua đó góp phần xây dựng “dư địa chí hình ảnh” về những dòng sông và con người xứ Quảng.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, tỉnh Quảng Nam có điều kiện tự nhiên rất đặc biệt, có hệ thống sông suối phủ kín trên địa bàn toàn tỉnh, và nó gắn liền với đồng bằng, đồi núi, trung du, vùng ven biển. Chính vì thế mà từ xưa đến nay những giá trị lịch sử, văn hóa và tự nhiên của các dòng sông này được đặc biệt quan tâm, phát huy, đã đi vào trong thơ ca, trong đời sống hàng ngày của người dân. “Hệ thống sông suối đã tạo nhiều cảm hứng cho người dân Quảng Nam, kể cả những người đang sống xa quê. Đặc điểm của các dòng sông ở Quảng Nam là vừa có các dòng chảy theo hướng từ Tây sang Đông lại vừa có dòng sông chảy từ Bắc vào Nam rồi từ Nam ra Bắc, nên việc lưu thông của cư dân từ xưa đến nay đã góp phần làm nên văn hóa đặc trưng các vùng miền trên địa bàn tỉnh” - ông Lê Trí Thanh nói.

Sử triều Nguyễn nhận định: Quảng Nam “núi sông hùng vĩ nên con người tư chất thông minh, kẻ sĩ có lòng cương trực, thẳng thắn…”. Sống trong một không gian sinh tồn đầy thử thách, người xứ Quảng được đào luyện nhiều phẩm chất tốt đẹp. Những dòng sông ở xứ Quảng đã góp phần bồi đắp nên cốt cách, tâm hồn của cư dân vùng đất địa linh, nhân kiệt. “Kể chuyện” bằng ký sự truyền hình về những dòng sông xứ Quảng cũng chính là khai phá những trầm tích của thời gian, theo thời gian, qua đó khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước của mỗi người dân xứ Quảng.

Thạch Hà