Xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát:

Kết thúc phần tranh luận của luật sư, SCB đề nghị tòa xem xét hàng loạt yêu cầu

Thứ bảy, 30/03/2024 08:00
Sau phần luận tội của đại diện VKS tại phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị liên quan, từ ngày 19 đến 28-3, các bị cáo, người bào chữa đã thực hiện việc tranh luận lại với ý kiến luận tội. Trong đó, các luật sư bào chữa, các bị cáo đều thống nhất tội danh như cáo trạng truy tố, tuy nhiên đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ, hoàn cảnh phạm tội để cho bị cáo một mức hình phạt khoan hồng.
Trong vụ án này, có gần 200 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp các bên liên quan.
Trong vụ án này, có gần 200 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp các bên liên quan.

Riêng các luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại SCB trình bày: SCB không có ý kiến về tội danh và hình phạt đối với bị cáo Trương Mỹ Lan, nhưng đề nghị HĐXX xem xét hàng loạt yêu cầu của SCB, gồm:

Đầu tiên, xem xét chấp thuận số liệu thiệt hại của SCB được tính là tổng số thiệt hại của SCB tạm tính đến ngày 5-3-2024 là 761.802 tỷ đồng (trong đó, nợ gốc là 483.972 tỷ đồng và nợ lãi/phí tạm tính là 277.830 tỷ đồng). Xác định bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm phải có trách nhiệm liên đới khắc phục toàn bộ số tiền thiệt hại đó cho SCB. Xem xét chấp thuận giao cho SCB được toàn quyền quản lý, khai thác, sử dụng, xử lý… đối với 1.166 mã tài sản đảm bảo là vật chứng; trong trường hợp cần thiết, SCB có quyền yêu cầu Cơ quan Thi hành án xử lý.

Kế đến, xem xét chấp thuận cho SCB được nhận lại toàn bộ các tài sản và các quyền tài sản đã được Cơ quan điều tra áp dụng các biện pháp cưỡng chế, thu hồi, kê biên, phong tỏa trong vụ án; đối với khoản tiền nhận hối lộ vì có nguồn gốc từ tiền của SCB bị chiếm đoạt chứ không phải tài sản là sở hữu riêng của bị cáo Trương Mỹ Lan, nên cần phải trả lại cho SCB để khắc phục hậu quả vụ án. Cho phép SCB thu nợ đối với số tiền từ các tài khoản thanh toán và số tiền tiết kiệm của bị cáo Dương Tấn Trước, bị cáo Cao Việt Dũng, người khác đứng tên hộ và bàn giao để SCB xử lý các tài sản mà các bị cáo đã tự nguyện đề nghị khắc phục hậu quả của vụ án, giảm thiệt hại cho SCB. Giao cho SCB được quyền xử lý Dự án 6A (chuyển nhượng, nhận tiền từ việc bán/cho thuê Dự án…) nhằm mục đích khắc phục thiệt hại. Xem xét chấp thuận giao cho SCB 65 tài sản liên quan (không bảo đảm cho bất kỳ nghĩa vụ nào tại SCB), nhưng các tài sản này có liên quan đến dòng tiền giải ngân từ các khoản vay sai phạm tại SCB của nhóm công ty/cá nhân trong hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát nên phải giao cho SCB khắc phục hậu quả vụ án.

Cuối cùng, đề nghị giao tài sản là bất động sản 117- Pasteur cho SCB toàn quyền quản lý, khai thác, sử dụng để khắc phục hậu quả vụ án; xem xét chấp thuận cho SCB được quyền nhận lại các dự án mà SCB đã cấp vốn tín dụng đầu tư; xem xét và kiến nghị trong bản án về việc đề nghị cơ quan điều tra tiếp tục truy tìm, xác minh các tài sản của những tổ chức, cá nhân có liên quan khác có nguồn gốc hoặc liên quan đến 1.284 khoản vay của SCB; yêu cầu 2 công ty Âu Lạc và TH Hạ Long thực hiện đúng nghĩa vụ của bên thế chấp theo đúng quy định của Bộ luật Dân sự.

Dự kiến sáng thứ 2 (ngày 1-4-2024), đại diện Viện kiểm sát sẽ thực hiện việc đối đáp lại các nội dung tranh luận của các luật sư.

T.H