Khai mạc Phiên họp thứ 23 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thứ tư, 10/05/2023 06:55
Sáng 9-5, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 23. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội luân phiên điều hành Phiên họp. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Phiên họp thường kỳ lần thứ 23 - phiên họp tháng Năm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là phiên họp cuối cùng để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, dự kiến sẽ khai mạc  ngày 22-5.
Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.
Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Dự kiến, phiên họp kéo dài trong 4 ngày làm việc từ 9 đến 12-5. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét và cho ý kiến đối với 13 nội dung lớn dự kiến trình Quốc hội xem xét quyết định tại Kỳ họp thứ 5.

Về công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về ba dự án luật và hai dự thảo nghị quyết của Quốc hội; xem xét đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính.

Đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), sau khi Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết để Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức lấy ý kiến của nhân dân về dự án Luật rất quan trọng này.

Về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đề nghị dự án luật này phải được xem xét tại kỳ họp này, quyết định tại kỳ họp sau để có hiệu lực từ 1-1-2024 nhằm tránh khoảng trống pháp luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu cho ý kiến về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các nội dung căn cứ vào thực tiễn hoạt động của các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng hiện nay, việc tái cơ cấu, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, xử lý nợ xấu, xử lý tình trạng sở hữu chéo; quản lý tài sản đảm bảo; quy trình thanh tra, kiểm tra, giám sát; những nội dung cần luật hóa trong Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng…

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan hữu quan đóng góp thêm ý kiến sâu về dự án luật này để hoàn thiện.

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28-11-2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (đồng thời xem xét việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Về công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 6 Báo cáo, gồm: Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; Báo cáo tài chính nhà nước năm 2021; Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri đã gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Về quyết định vấn đề quan trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến để trình Quốc hội về việc xem xét tiếp tục phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và vốn của chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

TTXVN