Khám phá bản Mường ở Bắc Trà My
Tiếp chuyện chúng tôi, già làng Bùi Văn Mớp vẫn còn nhớ ngày ông từ mảnh đất Lạc Sơn (Hòa Bình) đặt chân đến xã Trà Giang. Thời ấy, nơi đây chỉ là một vùng đất hoang vu, núi rừng bao phủ. Già Mớp thấy khí hậu trong lành, đất đai rộng nên đã chọn dừng chân rồi bắt tay khai hoang, mở lối đi, dựng nhà. Sau một thời gian ổn định cuộc sống, già Mớp đưa vợ con vào đây lập nghiệp. Gần 40 năm qua, dần dần sự có mặt của người Mường giữa vùng núi rừng Bắc Trà My đã góp phần tạo nên bức tranh đa sắc cho vùng đất này. Những người Mường đã không ngại khổ lao động, dẫn nước về làng, khai phá ruộng vườn để trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế. Và rồi, trời không phụ lòng người, những thành quả sau nhiều năm đã được đền đáp khi những ruộng lúa trĩu bông, những vườn cây trái đơm quả ngọt đã giúp các hộ gia đình có cuộc sống ổn định và ngày càng sung túc.
Đến nay, giữa núi rừng Bắc Trà My trùng điệp này, một bản làng người Mường trù phú, ấm no được hình thành với những ngôi nhà sàn kiên cố nằm ẩn mình dọc theo dòng sông Trường. Đứng trên cầu sông Trường nhìn xuống, làng đẹp như tranh vẽ. Khi đến định cư ở vùng đất này, cộng đồng người Mường đã mang theo loài cây lát hoa có giá trị cao và trồng trên những cánh rừng Trà Giang. Cây lát hoa đã mang lại nguồn lợi kinh tế cao giúp bà con người Mường ổn định cuộc sống. Hiện nay, nhà ít nhất cũng có vài ngàn cây lát hoa, nhà nhiều lên đến hàng chục ngàn cây, có cây vài người ôm không xuể. Bên cạnh trồng cây lát hoa thì cây lá tràm cũng là nguồn thu đáng kể của đồng bào.
Điều đặc biệt là, trên quê hương thứ hai, người Mường vẫn bảo tồn gần như nguyên vẹn văn hóa của dân tộc mình. Từ nhà sàn, trang phục truyền thống, ẩm thực, bộ chiêng đến những trò chơi dân gian và cả tiếng nói cũng vẫn được gìn giữ, góp phần làm phong phú, đa dạng văn hóa cùng với các dân tộc khác trên địa bàn huyện Bắc Trà My.
Bà Trịnh Thị Hồng Nga - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bắc Trà My cho biết: Trên địa bàn xã Trà Giang có 15 dân tộc đồng bào anh em sinh sống, riêng ở thôn 3 xã Trà Giang có hơn 140 hộ người Mường định cư. Những năm qua, huyện Bắc Trà My đã chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn như hỗ trợ mua sắm nhạc cụ, trang phục, xây dựng lại đội cồng chiêng, tạo điều kiện để bà con biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng, các trò chơi dân gian tại các lễ hội truyền thống. Huyện khuyến khích bảo tồn những căn nhà sàn truyền thống, hỗ trợ xây dựng các điểm du lịch cộng đồng, kết nối điểm du lịch thác Năm Tầng, thác Ông Thực tại làng và các điểm nhà sàn đẹp tại đây, với các điểm du lịch khác như: Khu du lịch sinh thái Suối Ví (xã Trà Kót), Khu du lịch cộng đồng Cao Sơn (xã Trà Sơn) nhằm tạo thêm các điểm đến hấp dẫn trong mắt du khách. Đó cũng là một hình thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tộc người Mường tại vùng.
Qua Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bắc Trà My được biết, Đội cồng chiêng người Mường tại xã Trà Giang được thành lập và đi vào hoạt động thường xuyên với 45 thành viên nam, nữ thuộc nhiều thế hệ. Qua đó góp phần bảo tồn, phát huy điệu múa cồng chiêng cũng như các bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc Mường. Đội thường xuyên giao lưu, thi đấu cồng chiêng với với các đội cồng chiêng Ca Dong, Cor…, đồng thời phục vụ nhu cầu tìm hiểu văn hóa tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo phục vụ khách du lịch. Bên cạnh phần trình diễn cồng chiêng, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc của người Mường cũng được tổ chức đa dạng như múa sạp, ném còn, chơi cù, thổi sáo, đánh mãng… Việc thành lập và duy trì các hoạt động này nhằm đáp ứng nguyện vọng của nhân dân trong việc gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của người Mường, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 36 ngày 21-12-2021 của HĐND huyện Bắc Trà My về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Đến với làng Mường ở thôn 3, xã Trà Giang, bạn sẽ tận hưởng thiên nhiên tươi đẹp, người dân hiền hòa mến khách cùng những nét văn hóa, ẩm thực đặc sắc, thú vị nơi đây.
Quyên Quyên