Khi được dân thương

Thứ tư, 31/01/2024 07:00
Trên bảng chương trình công tác hàng ngày tại trụ sở Công an xã  Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) hàng tuần, chỉ có ngày thứ Năm là  ngắn gọn nhất "Ngày nông thôn mới". Khi được hỏi về công việc của ngày này, Thượng úy Alăng Hoàng, Cảnh sát khu vực ở 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí cũng nói ngắn gọn không kém "việc gì dân cần là làm".
Thiếu tướng Vũ Xuân Viên- Giám đốc Công an TP Đà Nẵng về dự Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với người dân 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí.
Thiếu tướng Vũ Xuân Viên- Giám đốc Công an TP Đà Nẵng về dự Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với người dân 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí.

Ví như thứ Năm sắp đến, Thượng úy Hoàng đã được một hộ người dân "chiếm" cả ngày, giúp tìm con trâu lạc, hoặc nghi là mất cắp. Là người con Cơ Tu của chính quê hương, A Lăng Hoàng hiểu rõ vùng tây bắc Đà Nẵng này từ hốc cây, ngọn suối. "Chắc nó bị mắc kẹt ở đâu đó, chứ chuyện mất trâu bò trên địa bàn tuyệt dối không xảy ra", A lăng Hoàng nói như tự nhủ và nói thêm như tự hỏi "liệu có người nơi khác đến"?

Hòa Bắc là xã miền núi hiếm hoi vừa có cao tốc, tỉnh lộ, huyện lộ xuyên qua địa bàn, vừa giáp với 2 tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên- Huế nên không loại trừ "đạo chích" lại nổi lòng tham khi ngẫu hứng ngang qua. Chứ người dân địa phương thương nhau không hết, nỡ đâu chiếm đoạt tài sản của nhau?. Hơn nữa phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (BVANTQ) triển khai sâu rộng, người dân hưởng ứng các mô hình đảm bảo ANTT. Hòa Bắc cũng vừa được huyện công nhận đạt chuẩn An toàn về ANTT, an toàn giao thông; xếp loại "Xuất sắc" trong phong trào Toàn dân BVANTQ năm 2023…

Nhìn người Cảnh sát khu vực Cơ Tu "nai nịt" với đủ thứ lỉnh kỉnh cho một chuyến đi dài ngày, Trung tá Lê Văn Tư- Trưởng Công an xã Hòa Bắc quay lại giải thích: "Dân thương thì không chỉ có nhờ vả, mà còn giúp đỡ Công an. Chứ ở địa bàn rừng núi rộng lớn như Hòa Bắc này, không có dân giúp thì chúng tôi khó hoàn thành tốt nhiệm vụ". Nói đoạn, chỉ vào tay lịch công tác trên tường, người chỉ huy Công an xã nói thêm: "Từ người dân, chúng tôi có thông tin một vài nhóm đào đãi vàng trái phép khu vực khe Đương, nên đang triển khai truy quét. Bên cạnh đó, là kiểm tra an toàn các điểm khe suối, điểm du lịch phục vụ người dân chơi Tết, phòng chống cháy nổ, tiếp tục tăng ca nắm thông tin người dân địa phương đi làm ăn xa để cập nhật thông tin định danh điện tử; chuẩn bị phương án đảm bảo ANTT giải bóng đá, bóng chuyền, đua thuyền địa phương, phòng chống tệ nạn đánh bạc…

Trong câu chuyện về nỗ lực của Công an xã trong cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đảm bảo ANTT địa bàn dịp Tết cổ truyền của dân tộc, chúng tôi được nghe kể thêm nhiều điều thú vị về những những "người con của bản, của làng", cách gọi thân mật mà đồng bào Cơ Tu dành cho một số cán bộ Công an xã Hòa Bắc, trong đó có Alăng Hoàng.

Từ khi lực lượng Công an chính quy được bố trí về xã, phong trào Toàn dân BVANTQ ở Hòa Bắc được quan tâm và phát triển đáng khích lệ. Nhiều mô hình về phòng, chống tội phạm ra đời, thu hút được sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo người dân trên địa bàn, nhất là đồng bào dân tộc Cơ Tu. Nổi bật có thể kể đến các mô hình như: "3 không", "Thôn tự phòng, tự quản, tự bảo vệ", "Thôn không có tệ nạn xã hội", "Con em nông dân người đồng bào dân tộc Cơ Tu nói không với vi phạm pháp luật" hay "Zalo phòng, chống tội phạm, người Cơ Tu bảo vệ vùng giáp ranh"... Lực lượng Công an xã, ngoài thực hiện mô hình "Công an cơ sở tăng ca phục vụ nhân dân", đã chủ động thực hiện "4 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc và cùng nói tiếng đồng bào), từ đó làm tốt công tác tuyên truyền, từng bước thay đổi nhận thức của người dân, tạo sự đồng thuận cao trong tất cả các phong trào thi đua, chứ không riêng phong trào Toàn dân BVANTQ, đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội…

Trở lại với A Lăng Hoàng, người dân tộc Cơ Tu, trưởng thành từ Công an viên thôn Giàn Bí, sau đó là Công an viên thường trực xã Hòa Bắc. Năm 2019, khi Bộ Công an triển khai đề án đưa Công an chính quy về xã, anh được "đặc cách" vào ngành Công an. Vừa đi đâu đó về trụ sở, đã lập tức báo tin vui cho Trưởng Công an xã: "Tìm thấy trâu rồi, dây sẹo bị vướng vào cây, người đi rừng dắt về tận nhà. Đoán đúng vậy mà".

Bớt một chuyến đi rừng dài ngày, nhưng không vì thế mà người Cảnh sát khu vực bản địa sẽ bớt đi công việc. Chuyện vận động người dân phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào Cơ Tu, bãi bỏ các phong tục tập quán lạc hậu, rừng keo chưa khai thác của dân; đám mía ngã đổ chưa kịp thu hoạch… Tất cả, ngày mai ngày kia sẽ đến lượt A Lăng Hoàng và đồng đội đều có mặt khi dân cần.

Lúc tiễn chúng tôi ra về, như chợt nhớ thêm, Trung tá Lê Văn Tư gửi lời mời chúng tôi về Tà Lang, Giàn Bí những ngày xuân để chứng kiến không khí rộn ràng của lễ hội văn hóa truyền thống cộng đồng người Cơ Tu. Người Trưởng Công an xã khẳng định, lúc đó chúng tôi sẽ cảm nhận rõ hơn về một vùng quê an bình, hạnh phúc, đang tận hưởng những thành quả đã cùng nhau xây dựng và bảo vệ…

H.T