Khởi động chuỗi tham vấn quốc gia tại Việt Nam, hướng tới hội nghị Stockholm+50
Chuỗi tham vấn bao gồm một loạt hoạt động trên toàn quốc cho đến tháng 6-2022, nhằm thu thập ý kiến của người dân Việt Nam gửi tới hội nghị toàn cầu về những thách thức mà con người và hành tinh đang phải đối mặt.
Phát biểu tại sự kiện, dẫn câu nói nổi tiếng của cố Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme: "Tương lai là của chung. Chúng ta phải chia sẻ cùng nhau. Chúng ta sẽ cùng nhau tạo ra tương lai", Đại sứ Thụy Điển Ann Mawe nhấn mạnh, câu nói ấy sau 50 năm vẫn còn nguyên giá trị. Hội nghị Stockholm+50 hướng tới đóng góp đáng kể vào việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và bền vững cần thiết. Hướng tới Stockholm+50, hàng loạt các hoạt động được triển khai rộng khắp trên toàn thế giới để thu thập ý kiến người dân. Chương trình Phát triển Liên hợp quốc cùng với các đối tác sẽ triển khai một loạt các cuộc tham vấn quốc gia trực tiếp tại Việt Nam.
Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen cho biết, các cuộc tham vấn quốc gia sẽ xác định các lĩnh vực quan trọng đối với dịch chuyển khí hậu công bằng tại Việt Nam nhằm đạt được các cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
"Các tham vấn sẽ thảo luận ba câu hỏi: Thứ nhất, các giải pháp dựa vào tự nhiên nào sẽ đổi chiều xu hướng môi trường nguy hiểm ở Việt Nam. Thứ hai, các hành động nào sẽ đảm bảo dịch chuyển năng lượng xanh và công bằng, tạo ra các cơ hội bền vững giúp hàng triệu người thoát nghèo. Và thứ ba, đâu là các hành động đòn bẩy sẽ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và giải quyết các mô hình tiêu dùng không bền vững khi Việt Nam nhận ra các tiềm năng kinh tế đầy đủ của mình", bà Caitlin Wiesen phát biểu.
Khuyến nghị từ các cuộc tham vấn sẽ được tổng hợp thành Báo cáo của Việt Nam và góp phần định hình các thông điệp cho hội nghị toàn cầu Stockholm +50 nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu mà loài người đang phải đối mặt.
VIỆT ĐỨC