Khơi niềm tin hướng thiện

Thứ sáu, 18/12/2020 21:00

Không còn khoảng cách, ranh giới giữa người thân và phạm nhân đang thụ án,thay vào đó là những cái ôm, những lời động viên, những giọt nước mắt hạnh phúc đong đầy lăn dài trên mỗi gương mặt. Đó là những điều vừa diễn ra tại Trại tạm giam thuộc Công an thành phố Đà Nẵng.

   Phạm nhân và người thân được gặp nhau trực tiếp để trò chuyện, nhắn gửi yêu thương. 

Một sáng mùa đông phân trại quản lý phạm nhân trong Trại tạm giam thuộc Công an thành phố Đà Nẵng nhộn nhịp hẳn lên. Hỏi chuyện mới biết các phạm nhân dậy từ rất sớm, quần áo chỉnh tề, xếp hàng ngay ngắn chờ tiếng kẻng để ùa về hội trường gặp mặt người thân cho bõ những ngày xa cách (hàng tháng phạm nhân được gặp người thân theo quy định cũng chỉ được nhìn qua cửa kính, nghe giọng nói qua điện thoại). Hội nghị gia đình phạm nhân với sự tham dự của Ban Giám thị Trại tạm giam, đại diện lãnh đạo Phòng Kiểm sát giam giữ Viện kiểm sát nhân dân thành phố, Phòng Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an thành phố cùng gần 100 phạm nhân và người thân của phạm nhân. 

Thượng tá Trần Ngọc Hồng - Phó Giám thị Trại cho biết: “Trong năm 2020, phân trại đã tổ chức tiếp nhận 128 phạm nhân đến thi hành án. Hiện còn gần 90 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại phân trại. Trại đã tổ chức phân loại, bố trí giam giữ theo đúng quy định của Bộ Công an; chú trọng làm tốt công tác giáo dục đạo đức, lối sống, truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc; tổ chức cho phạm nhân học tập đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, bồi dưỡng kỹ năng sống; đặc biệt là chú trọng giáo dục, hướng nghiệp, lao động, dạy nghề cho phạm nhân thông qua các công việc như nấu bếp, dọn dẹp vệ sinh, trồng trọt, chăn nuôi, sửa chữa xây dựng nhỏ trong khu vực trại...”.

Có thể khẳng định việc cải tạo phạm nhân thông qua lao động, học nghề là biện pháp cần thiết để người phạm tội hiểu đúng ý nghĩa, giá trị của lao động, biết quý trọng thành quả lao động, mồ hôi công sức của bản thân. Lao động còn duy trì và tăng cường sức khỏe, tránh nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực trong thời gian chấp hành án và con người được cải tạo hoàn thiện hơn trong suy nghĩ, lời nói, hành động của mình.   

Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân, Trại cũng gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất của Trại do xây dựng gần 40 năm nên nhiều hạng mục đã xuống cấp chưa đáp ứng được yêu cầu tốt nhất cho phạm nhân học tập, lao động, cải tạo và sinh hoạt; nhận thức của một số phạm nhân còn hạn chế nhiều mặt như: trình độ học vấn không đồng đều, văn hóa các vùng, miền cũng khác nhau nên khó khăn trong công tác quản lý, giáo dục phạm nhân; một số phạm nhân gần hết án và  số phạm nhân đã hết được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù không tự giác chấp hành nội quy cơ sở giam giữ, chây lười trong lao động, cải tạo, vi phạm nội quy Trại giam, Trại tạm giam. Với phương châm lấy phương pháp giáo dục thuyết phục làm phương pháp cơ bản, tiên quyết, cán bộ quản giáo đã gặp gỡ, kiên trì giáo dục, động viên, tìm hiểu nguyên nhân để từ đó có biện pháp giáo dục phù hợp. Sau mỗi buổi giáo dục, phạm nhân có sự chuyển biến về nhận thức tư tưởng, nhận rõ hành vi vi phạm của bản thân gây ra để có phương hướng, sửa chữa khắc phục tiến bộ. Với những biện pháp nêu trên, năm 2020 có trên 97% phạm nhân trong diện xếp loại cải tạo tốt, khá. Đợt Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 có 42 phạm nhân được giảm án, đợt 2/9 có 36 phạm nhân được giảm án.  

Trước những khó khăn của tình hình dịch bệnh Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc CATP, Trại đã có kế hoạch phun khử khuẩn sát trùng thường xuyên các khu giam, phòng giam; trang bị khẩu trang và nước sát khuẩn cho tất cả phạm nhân; đề xuất cho 100% phạm nhân đang chấp hành án phạt tù được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. 
Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng Đảng ủy, Ban Giám thị trại luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho phạm nhân. Ngoài việc tổ chức cho phạm nhân tham gia hoạt động giáo dục chính khóa, phạm nhân còn được tham gia các hoạt động giáo dục bổ trợ như thi đấu thể thao, văn nghệ giải trí lành mạnh. Bên cạnh đó, Trại còn trích một phần kinh phí quỹ cơ quan để thành lập “Quỹ tái hòa nhập cộng đồng” hỗ trợ một phần kinh phí cho số phạm nhân chấp hành xong hình phạt tù nhằm động viên phạm nhân  khi ra trại về tái hòa nhập cộng đồng.

Ông Phạm Đức Q. là bố đẻ phạm nhân Phạm Đức H. (trú tại Điện Ngọc, TX Điện Bàn, Quảng Nam; phạm tội Dâm ô với người dưới 16 tuổi, án phạt 3 năm tù) cho biết: “Rất cảm động khi Trại tạm giam tổ chức Hội nghị. Đây là dịp cho gia đình chúng tôi hiểu hơn tính ưu việt của Đảng, Nhà nước, nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của pháp luật đối với người phạm  tội, cũng là dịp  để gia đình được gặp gỡ, động viên con em cải tạo tiến bộ”.

Phạm nhân Đoàn L. (trú tại P. Mân Thái, Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng; phạm tội giết người, án phạt 4 năm 6 tháng tù) tâm sự rất hối hận chỉ vì một phút nóng nảy mà mất tất cả. Hoàn cảnh gia đình phạm nhân L. rất khó khăn, bố bị tật, mẹ đau nằm liệt một chỗ, vợ bỏ đi. Vào trại được Ban Giám thị động viên nên cũng dần ổn định tinh thần, yên tâm cải tạo, chỉ sớm mong về đoàn viên cùng gia đình, con cái. Nhìn khuôn mặt khắc khổ đôi mắt đỏ hoe của phạm nhân L. khi kể về hoàn cảnh gia đình mới thấy hết giá trị của tự do.

Có thể nói, Hội nghị thật sự là cầu nối thắt chặt mối quan hệ giữa cán bộ trại và gia đình phạm nhân trong công tác quản lý, giáo dục phạm nhân, là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với phạm nhân, khơi dậy trong họ khát vọng và niềm tin hướng thiện, giúp họ an tâm học tập, cải tạo tiến bộ, sớm trở về đoàn tụ cùng gia đình, xã hội.

THU HUYỀN