Khởi tố vụ phá rừng giống A Sờ

Thứ ba, 24/11/2015 11:52

* Làm rõ trách nhiệm cán bộ BQLRPHĐN A Vương

(Cadn.com.vn) - Sau loạt bài “Tan hoang rừng giống A Sờ” đăng trên Báo Công an TP Đà Nẵng phản ánh tình trạng lâm tặc khai thác gỗ trái phép tại khu vực rừng giống A Sờ (xã Macooih, H. Đông Giang, Quảng Nam) do Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn (BQLRPHĐN) A Vương quản lý, cuối tháng 10-2015, Phòng CSĐTTP về Kinh tế và Chức vụ- CA tỉnh Quảng Nam đã ra Quyết định khởi tố vụ án, tiến hành điều tra theo Điều 175 Bộ luật Hình sự, quy định về tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”.

Cây giáng hương tại khu vực rừng giống A Sờ bị lâm tặc khai thác nằm sát đường Hồ Chí Minh.

Qua nhiều chuyến công tác về xã Macooih (H. Đông Giang, Quảng Nam), chúng tôi đã có nhiều bài viết phản ánh về tình trạng khai thác trái phép lâm sản tại khu vực rừng giống A Sờ. Từ nguồn thông tin vừa được phản ánh, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam đã vào cuộc, xác minh. Trao đổi cùng chúng tôi, Đại tá Lê Văn Hồng, Trưởng phòng CSĐTTP về Kinh tế và Chức vụ- CA tỉnh Quảng Nam cho biết: Từ những thông tin do Báo Công an TP Đà Nẵng đăng tải và qua xác minh ban đầu đã xác định hành vi vi phạm của các đối tượng, CQĐT đã khởi tố vụ án, tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật.

Tiếp tục tìm hiểu về vụ việc, chúng tôi được biết: Từ năm 2012, núp dưới danh nghĩa chế biến gỗ vườn, gỗ rừng trồng, 2 chủ xưởng cưa tên Tý, Hải thực hiện việc “tuyển mộ” lao động tổ chức khai thác gỗ trái phép. Số lao động này được chia thành 2 nhóm, hoạt động riêng biệt. Nhóm thứ nhất có 3 lao động tên Liệu, Hùng, Cưng (cùng trú Nghĩa Lộc, H. Nghi Lộc, Nghệ An) và Liệu làm trưởng nhóm. Nhóm thứ 2, gồm 6 lao động là Nguyễn Thành Phước, Nguyễn Thành Thọ, Dương (cùng trú xã Đại Cường, H. Đại Lộc, Quảng Nam), Trung trọc, Vọng, Dương (trú Quảng Bình). Công việc của 2 nhóm lao động này chỉ việc phát đường vào rừng tìm những cây gỗ lớn, có giá trị, như: gõ, kiền kiền, giáng hương..., dùng cưa lốc cưa hạ, xẻ thành bản theo quy cách và kéo ra khỏi rừng. Riêng việc tiêu thụ đã có chủ xưởng cưa lo liệu.

Trong những lần đi thực tế, chúng tôi xác định có hơn 40 cây gỗ bị 2 nhóm lâm tặc này chặt phá chỉ cách đường Hồ Chí Minh (đoạn đi qua xã Macooih) từ 100 đến 500m và cách Trạm bảo vệ (thuộc BQL RPHĐN A Vương) khoảng 1km. Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài hơn 40 gốc các loại đã bị phát hiện bị khai thác trái phép trong khu vực rừng giống, hai nhóm người này cùng một số lâm tặc khác còn tổ chức khai thác gỗ trái phép tại các khu vực rừng thuộc địa bàn xã Dang (H. Tây Giang, Quảng Nam) và một số địa bàn khác thuộc H. Nam Giang (Quảng Nam). Có thể nói tình trạng khai thác gỗ trái phép tại khu vực RPHĐN A Vương (nhất là khu vực rừng giống A Sờ) diễn ra hết sức nghiêm trọng, trong một thời gian dài và gần như mọi người dân tại xã Macooih đều biết rất rõ. Thế nhưng, khi làm việc về vấn đề này, ông Vũ Phúc Thịnh, Giám đốc BQLRPHĐN A Vương cho rằng: Tình trạng khai thác gỗ tại khu vực rừng giống diễn ra nhỏ lẻ, tất cả đều được những cán bộ BQLRPHĐN A Vương phát hiện, xử lý kịp thời (?).

Ông Vũ Phúc Thịnh, Giám đốc BQLRPHĐN A Vương.

Trao đổi cùng chúng tôi về vấn đề: Liệu BQLRPHĐN A Vương có chịu trách nhiệm trong việc để rừng giống A Sờ cho lâm tặc khai thác tan hoang, Đại tá Lê Văn Hồng, trả lời: Trước mắt, CQĐT tổ chức xác minh, làm rõ “đường dây” khai thác, vận chuyển, tiêu thụ lâm sản trái phép tại khu vực rừng giống A Sờ. Trong quá trình điều tra, sẽ xem xét đến vai trò, trách nhiệm của một số cán bộ tại BQLRPHĐN A Vương do để xảy ra tình trạng phá rừng kéo dài, làm thất thoát nghiêm trọng tài nguyên rừng. Trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu “bắt tay” giữa chủ rừng và lâm tặc sẽ tiến hành khởi tố bổ sung để tiến hành điều tra... hoặc có thể xem xét xử lý về hành vi thiếu trách nhiệm. Còn theo ông Đỗ Tài, Bí thư Huyện ủy Đông Giang, cần thiết phải xử lý nghiêm, dù người đó là ai, giữ cương vị nào... để bảo vệ tài nguyên rừng.

Với những gì đã diễn ra trên thực tế tại rừng giống A Sờ và phản ánh của người dân địa phương cho thấy: Tình trạng khai thác gỗ trái phép tại khu vực rừng giống A Sờ diễn ra một cách công khai song không được BQLRPHĐN A Vương và các cơ quan chức năng tại H. Đông Giang phát hiện, xử lý đã gây nhiều bức xúc cho dư luận. Việc để lâm tặc ngang nhiên hoạt động, trách nhiệm chính thuộc về những cán bộ tại BQLRPHĐN A Vương. Do đó, để bảo vệ tài nguyên rừng, lập lại kỷ cương của pháp luật, đề nghị các cơ quan chức năng tại Quảng Nam cần có những biện pháp xử lý thích ứng với những người có trách nhiệm tại BQLRPHĐN A Vương nhằm tránh trường hợp rừng vẫn có người quản lý song lâm tặc vẫn “vô tư”... phá.

M.T