Không chỉ là chuyện “vi hành”

Thứ tư, 14/12/2022 09:19
Ở nước ta, nói đến những nhà lãnh đạo từng vi hành đến nhân dân để nghe nhân dân nói, thấy việc nhân dân làm, hiểu đời sống nhân dân, có thể khẳng định không ai vi hành nhiều bằng Bác Hồ.

Việc vi hành cũng đã trở thành phong cách của Bác, trở nên bất tử trong lòng người dân Việt Nam. Việc vi hành của Bác không phải là việc tận dụng thời gian rỗi mà với Bác đó là nhiệm vụ, là trách nhiệm và là phương pháp làm việc. Khi cần biết điều gì trong nhân dân, Bác không chỉ dựa vào các báo cáo mà cái chính là Bác đi vi hành để hỏi han nhân dân. Khi Bác đi vi hành đến dân chúng, không có tiền hô hậu ủng, không báo trước để các địa phương đón rước linh đình hoặc che giấu đi sự thật, cốt để nghe người dân nói thẳng, nói thật. Bác thường đến thăm nhân dân trong trang phục là một cụ già mộc mạc, có khi Bác cải trang thành nông dân để biết nỗi cực khổ của nông dân và mùa màng năm ấy như thế nào, Bác cải trang thành bộ đội để biết tình hình trong quân ngũ ra sao, Bác cải trang thành người dân đi chợ để biết tình hình giá cả, Bác cải trang thành người đi chùa để biết đời sống văn hóa tinh thần của người dân... Việc đi vi hành của Bác còn là để phát hiện ra tham nhũng, lãng phí, những tiêu cực đang diễn ra, hiểu được cán bộ... Noi gương Bác, đã có không ít cán bộ lãnh đạo, đảng viên đã lăn lộn với quần chúng, đồng cam cộng khổ chia ngọt sẻ bùi, đương đầu với khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn đất nước trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân đế quốc, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc.

Thực tế đã chứng minh càng gần dân, hiểu dân và tận tâm vì dân thì hình ảnh của người cán bộ, đảng viên càng để lại trong dân những tình cảm, ấn tượng tốt đẹp. Chúng ta đã từng nghe chuyện ngày xưa, các vị vua quan giả dạng dân thường đi vi hành để xem dân sinh sống làm ăn ra sao để từ đó có những quyết sách ích nước lợi dân. Sử sách đã ghi, những vị vua quan đó để lại tiếng thơm đến bây giờ và đa số giai đoạn lịch sử đó, đất nước hay vùng miền nào có những vị quan như vậy, đều có cuộc sống thanh bình, ấm no.

Giai đoạn đất nước hòa bình, phát triển và hội nhập, đây đó đã xuất hiện tình trạng quan liêu, xa dân, hách dịch, nhũng nhiễu dân, đặc biệt là khi cơ chế thị trường len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, trong đó có bộ máy của Đảng, chính quyền, từ đó hình thành “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…” điều mà Nghị quyết Trung ương 4 đã thẳng thắn chỉ ra. Và chắc chắn trong cái “bộ phận không nhỏ” ấy có những vị cán bộ, đảng viên xa dân và không hiểu được dân!

Chúng ta không nên nhầm lẫn sự gần dân của cán bộ thể hiện qua những cuộc thăm viếng, kiểm tra thực tế trống giong cờ mở, thông báo trước cả tuần, khẩu hiệu băng rôn, phóng viên báo đài tháp tùng đông đảo. Điều đó nhiều khi chỉ là thể hiện sự phô trương, hình thức. Đối với những cuộc “vi hành” như vậy thì, dù lãnh đạo, cán bộ có xuống đến cơ sở đấy nhưng vẫn khó mà gần dân, hiểu dân hết được, nếu chỉ đơn thuần dựa vào những bản báo cáo dạng “tốt khoe, xấu che”.

Trong thực tế, vẫn có những cán bộ, đảng viên, lãnh đạo, trong đó có cả những vị lãnh đạo cấp cao gần gũi, sát dân. Nhớ lại thời ông Lê Huy Ngọ còn làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, chuyện vi hành của ông nhất là trong những lúc có bão gió, lụt lội là khá phổ biến. Một số thành viên Chính phủ sau này cũng thường xuyên có mặt ở những nơi xung yếu của thiên tai, dịch họa... Đó còn là hình ảnh của những vị Bí thư Tỉnh, Thành ủy, chủ tịch UBND các tỉnh thành miền Trung trực tiếp xuống địa bàn chỉ đạo các ban, ngành giúp dân phòng chống và sau đó là khắc phục hậu quả bão lũ; là những lãnh đạo cao nhất của các bộ ngành, các địa phương có mặt ngay sau những vụ tai nạn giao thông, tai nạn lao động, cháy nổ… thảm khốc để chỉ đạo cứu chữa, thăm hỏi, động viên nạn nhân...

Học tập tư tưởng, tấm gương, phong cách của Bác Hồ, cán bộ, đảng viên và nhất là các cán bộ lãnh đạo cần tăng cường việc đi cơ sở, thể hiện sự tiên phong gương mẫu đi đầu trong việc nêu gương để cán bộ, đảng viên noi theo. Việc đi cơ sở cần quan tâm tập trung vào những địa phương có những điểm nóng về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, những dự án đang triển khai để giải quyết những khó khăn, bức xúc của nhân dân. Việc vi hành cũng không nên thông báo trước với cơ sở, nhằm nắm tình hình và giải quyết các vấn đề tồn đọng, bức xúc trong dân và tháo gỡ khó khăn cho cơ sở, đồng thời bên cạnh đó còn kết hợp tham gia tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với nhân dân, qua đó giúp nhân dân tháo gỡ những khó khăn, những vấn đề bức xúc của dân được ghi nhận và giải quyết ngay tại chỗ. Việc vi hành của lãnh đạo cán bộ là để “lắng nghe tiếng nói người dân”, giải quyết có hiệu quả các kiến nghị của người dân, tạo niềm tin, thể hiện sự trân trọng các ý kiến góp ý của nhân dân. Vi hành đúng cách không còn là chuyện tận dụng thời gian lúc rảnh rỗi, nó trở thành một phương thức hữu hiệu của công tác tư tưởng, công tác dân vận, một biện pháp mang tính thực thi cao trong việc nắm bắt và chăm lo đời sống nhân dân, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng, làm trong sạch bộ máy nhà nước và giữ vững bản chất nhà nước là nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sinh thời đã nói: "Làm cán bộ nhớ lấy dân làm gốc, coi trọng dân, vì có dân là có tất cả, đừng bao giờ xa rời dân, chuyên quyền, độc đoán". Lời dạy đó cần phải được mỗi cán bộ, đảng viên ghi sâu vào “bộ nhớ” cũng như thể hiện trong lời nói và hành động của mình. Có như vậy thì hình ảnh người cán bộ, những công bộc của dân mới thực sự là những tấm gương, là chỗ dựa của nhân dân.

DÂN HÙNG