"Không có Mặt trận 579 không có ngày 7-1"

Thứ ba, 16/12/2014 08:23

(Cadn.com.vn) - Hơn 700 cán bộ từng làm nghĩa vụ quốc tế ở Mặt trận 579 đã gặp mặt truyền thống tại Đà Nẵng nhân kỷ niệm 35 năm ngày thành lập; 25 năm hoàn thành nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. Đây là lần gặp đông đủ nhất của Mặt trận 579 từ trước đến nay.

Nhà văn hóa Quân khu 5 không đủ chỗ, các khách mời phải ngồi cả hai bên hông hội trường. Nhưng không ai câu nệ. Sự xuất hiện trên sân khấu của Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hiền đã làm mọi người không khỏi ngạc nhiên. Chị đã hát "Bà mẹ Phiu Ma Ly" đầy da diết. Đây là một sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Chí Tiến dựa trên câu chuyện một người lính tình nguyện sau khi trở về nước đã tặng bức tượng bà mẹ Campuchia cho gia đình mẹ để thể hiện lòng biết ơn những năm tháng mẹ đã cưu mang che chở.

Có mặt ở đây hầu hết cán bộ cao cấp và lãnh đạo Quân khu qua các thời kỳ. Những người lính Sư đoàn 2, Sư đoàn 307, Sư đoàn 315, Đoàn 5501, 5502, 5503, 5504…, thường xuyên gặp mặt truyền thống đơn vị mình vậy mà hôm nay vẫn hồ hởi tay bắt mặt mừng trong niềm vui hội ngộ.

Đại tướng Huốt Xiêng hỏi thăm các CCB Mặt trận 579.

Trung tướng Nguyễn Trung Thu, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, nguyên Tư lệnh Quân khu, Trưởng ban liên lạc truyền thống Mặt trận 579 vừa mới "nhậm chức" đã tất bật cho buổi gặp mặt đầy dấu ấn này. Bài diễn văn ông đọc về sự hy sinh, gian khổ của CBCS Mặt trận 579 có ký ức từ những năm tháng ông làm Tham mưu trưởng Đoàn 5503. Ông so sánh cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia với  hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ khiến ai nấy tâm đắc. Bởi trong trận chiến này, phía sau người lính là hòa bình và hậu phương ấm áp. Thời gian đi qua đã ngày càng chứng tỏ đây là cuộc chiến chính nghĩa và đầy tính nhân văn.

Thiếu tướng Trần Quang Phương, Chính ủy Quân khu vừa thay mặt Bộ Tư lệnh tham dự vừa là người lính nhiều năm ở Mặt trận. Ngày ấy, mẹ mất, ông để lại quê hương người cha già và người vợ mới cưới rồi đi biền biệt. Thiếu tướng Nguyễn Đức Liên, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu kể rằng, 10 năm chiến đấu gian khổ trên đất bạn, ông chỉ mong được một ngày đưa vợ con đến thăm đền Ăng-co Vát để cảm nhận được hòa bình. Mơ ước đó, ông mới chỉ thực hiện được cách đây 3 năm… Có bao nhiêu mơ ước đã bị gác lại khi người lính không kịp về quê mẹ. Còn nhớ năm 1989, trong buổi tiễn đưa quân tình nguyện Việt Nam về nước, Đại tướng Tea Banh, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia đã nói: "Có những chiến sĩ ngày mai trở về Tổ quốc, nhưng ngày hôm nay đã hy sinh để bảo vệ cuộc sống người dân Campuchia. Nghĩa cử đó đã chinh phục hoàn toàn chúng tôi và mọi tầng lớp nhân dân".

Trong các Mặt trận 479, 779, 979, 579 được thành lập bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế thì Mặt trận 579 do Quân khu 5 chịu trách nhiệm là nơi gian khó nhất về địa hình, thời tiết, trải dài trên 4 tỉnh vùng Đông Bắc Campuchia: Mondonkiri, Ratanakiri, Stungtreng và Preah Vihear. Đặc biệt Preah Vihear là vùng rừng núi sát biên giới Thái Lan, có dãy Đăng Rêch dài hàng trăm cây số che chắn, nơi bọn diệt chủng Pol Pot đặt bộ chỉ huy đầu não. Nơi đây, ngày 25-4-1984, dưới sự ra quân tổng lực của Mặt trận 579, toàn bộ sở chỉ huy căn cứ 547 của địch đã bị xóa sổ. Những năm tháng ở nước bạn, người lính tình nguyện chỉ được dùng 3 thứ là nước, không khí và củi để đun. Có những trận không hy sinh vì đạn lửa mà vì thiếu nước. 10 năm bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế đã có hơn một vạn CB, CS Mặt trận 579 hy sinh. Đó là chưa kể hàng ngàn bàn chân đã để lại chiến trường do mìn của địch…

Khác với các cuộc gặp truyền thống trước, gặp mặt lần này có sự tham dự của đoàn đại biểu quân sự cấp cao Campuchia do Đại tướng Huốt Xiêng, Phó Tư lệnh Lục quân Quân đội Hoàng gia Campuchia kiêm Tư lệnh Quân khu 1 dẫn đầu. Bài phát biểu của ông khi thì bằng tiếng Campuchia khi thì bằng tiếng Việt đã khiến mọi người vỗ tay không ngớt và trở thành tiêu điểm của buổi gặp gỡ. Còn ông, trong nhiều lần xúc động đã nghẹn ngào, không cầm được nước mắt. Đại tướng Huốt Xiêng bày tỏ lòng biết ơn đối với sự hy sinh to lớn của quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng và xây dựng đất nước. Đại tướng nhắc lại những kỷ niệm sâu sắc sát cánh chiến đấu cùng Mặt trận 579 chống lại Pol Pot.

Bản thân ông từ một chiến sĩ được các chuyên gia Mặt trận 579 dìu dắt đã trưởng thành như hôm nay. Ông kể về những ngày cùng với Trung tướng Huỳnh Ngọc Sơn, nguyên Tư lệnh Quân khu, nay là Phó Chủ tịch Quốc hội; với Thiếu tướng Trần Ngọc Yến, người đã làm chuyên gia cho ông suốt hai năm, về đồng chí Nghĩa trung đoàn trưởng mới hôm qua còn ngồi chung trong lán, hôm sau đánh căn cứ 204 đã hy sinh… Ông nói rằng: "Thương ở chiến trường là tình thương mãi mãi, tối đa. Nó khác hẳn với tình yêu lứa đôi. Ơn bộ đội Việt Nam không tiền bạc nào mua được". Ông khẳng định: "Không có Mặt trận 579, nhân dân Campuchia không có ngày giải phóng 7-1-1979. Ngày nay, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và các tỉnh trong địa bàn Quân khu vẫn tiếp tục giúp đỡ mọi mặt cho các tỉnh thuộc Quân khu 1, Campuchia, đặc biệt là trong công tác cứu hộ, cứu nạn khi có thiên tai. Điều đó chỉ có ở những người bạn đã từng sống chết có nhau".

Đại tướng Huốt Xiêng kể về một công trình mà ông cho rằng có quyền tự hào trên cương vị của mình. Đó là đã huy động được kinh phí xây dựng tượng đài tưởng niệm chiến sĩ Việt Nam và Campuchia hy sinh vì đất nước Chùa Tháp. Tượng đài đã được khánh thành vào ngày 9-12-2014 ở tỉnh Stungtreng. Kỷ niệm chiến trường quá sâu đậm để Đại tướng Huốt Xiêng nhớ được rất nhiều CCB trong hội trường. Ông bắt tay, thăm hỏi rất lâu Thiếu tướng Phan Thanh Dư, Đại tá Nguyễn Hữu Trung, Đại tá Trà Thanh Lợi và nhiều người khác, dù đã gần 30 năm mới gặp lại.

Trong buổi gặp mặt, Ban liên lạc truyền thống Mặt trận 579 đã trao quà cho các CCB của Mặt trận có hoàn cảnh khó khăn khu vực Đà Nẵng. Chia tay trong không khí kỷ niệm 70 năm ngày thành lập QĐNDVN và 25 năm ngày hội quốc phòng toàn dân, các cán bộ Mặt trận 579 đều tin rằng sẽ có nhiều lần gặp gỡ như thế này để người lính tình nguyện sống lại một thời tuổi trẻ hào hùng và đầy vinh quang của mình vì sự hồi sinh của nước bạn.

Hồng Vân