Không thể chấp nhận việc có thuốc mà không thể sử dụng do vướng… thủ tục!
Báo chí phản ánh nhiều cơ sở y tế, thậm chí bệnh viện hạng đặc biệt như Bạch Mai, Chợ Rẫy cũng thiếu một số thuốc đặc trị hoặc vật tư y tế thiết yếu. Mới đây, Sở Y tế TP.HCM phản ánh về việc thiếu vắc xin sởi và DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván) trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em là do chưa hoàn thiện thủ tục đặt hàng, ký hợp đồng.
Điều đáng nói, đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết tình trạng thiếu vắc xin bắt đầu từ tháng 8 và hai loại vắc xin này sản xuất trong nước, cung ứng theo đơn đặt hàng để các đơn vị sản xuất. Thậm chí, các loại vắc xin này "đã có sẵn trong kho nhưng không thể tiến hành mua bán, cung ứng do vướng mắc các thủ tục theo quy định hiện hành".
Có thể khẳng định rằng, việc thiếu vắc xin tiêm chủng do "vướng mắc các thủ tục" là không thể thể chấp nhận được, nhất là đã có kinh phí và "đã có sẵn trong kho"! Bởi các quy định, trình tự, thủ tục đều do con người đặt ra, nếu có khó khăn vướng mắc ở khâu nào đó thì đều có thể điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện, tháo gỡ.
Mặt khác, càng "vô lý" hơn khi đây là các loại vắc xin do các nhà cung cấp trong nước sản xuất nên không liên quan đến thủ tục cấp phép, thông quan, đấu thầu quốc tế. Cũng không có bất cứ vướng mắc gì về điều kiện cung ứng, phê duyệt từ các tổ chức y tế thế giới hoặc các quốc gia khác đưa ra. Do đó, việc thiếu thuốc trong trường hợp này hoàn toàn là do ý chí chủ quan của những cơ quan, tổ chức trong nước có liên quan, gồm cơ quan quản lý Nhà nước và các cơ sở Y tế.
Vì vậy, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến trình tự, thủ tục cung cấp thuốc chữa bệnh nói riêng và vật tư y tế nói chung. Bên cạnh đó, nghiêm túc xem xét trách nhiệm, chấn chỉnh tình trạng thờ ơ, vô cảm của một số tổ chức, cá nhân chậm trễ trong việc hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, chậm tổ chức đấu thầu thuốc hoặc không báo cáo, đề xuất hướng xử lý cụ thể để giải quyết tình trạng thiếu thuốc.
Đặc biệt cần làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động cung ứng thuốc chữa bệnh, vướng khâu nào, cơ quan nào để tập trung chỉ đạo, đôn đốc tháo gỡ. Đồng thời, cần sớm ban hành quy trình, thủ tục đấu thấu thuốc riêng biệt, không nên theo quy trình chung về đấu thầu như các loại hàng hóa thông thường khác, bởi đây là hàng hóa đặc biệt, thiết yếu liên quan đến sức khỏe, tính mạng người dân.
Tuyệt đối không vì bất cứ lý do gì dẫn đến thiếu thuốc chữa bệnh, thiếu vật tư y tế kéo dài như thời gian qua. Phải quyết liệt, nghiêm túc trong việc giải quyết tình trạng thiếu thuốc, đúng như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đó là "Ai không làm thì đứng sang một bên cho người khác làm"!
ThS Phạm Văn Chung