Không thiếu, nhưng... vẫn yếu?

Thứ tư, 02/08/2017 07:35

Đúng hai tháng rưỡi sau vụ 17 khách du lịch bị ngộ độc do ăn dưa chua ở quán cơm gà trên đường Hồ Nghinh, vấn đề ATVSTP của Đà Nẵng lại trở nên “nóng” với việc 45 du khách Lào nhập viện cấp cứu sau khi ăn tiệc tại một nhà hàng trên đường 2-9.

Chuyện ăn uống, rất khó nói trước được điều gì, vì chính cơ quan chuyên môn cũng phải thừa nhận, chỉ một sơ suất nhỏ thì cả một dây chuyền khép kín trong công nghệ chế biến thực phẩm hiện đại cũng có thể xảy ra sự cố đáng tiếc. Nhưng với Đà Nẵng, cái tên thu hút được rất nhiều sự quan tâm, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch, thì hai vụ ngộ độc tập thể với số lượng hàng chục du khách như vậy thì sẽ là một điểm trừ rất lớn, đánh tụt nhiều cố gắng của chính quyền trong nỗ lực xây dựng hình ảnh của mình.

Liệu có một lỗ hổng nào trong quy trình vận hành của bộ máy đảm trách vấn đề ATVSTP mà trong khoảng 2 năm qua thành phố đang đẩy mạnh xây dựng để hoạt động một cách chuyên nghiệp?

Cần biết rằng, khoảng từ đầu năm 2016 đến nay, Đà Nẵng đã có khoảng trên chục cuộc họp để tiến hành xây dựng, ban hành quy chế làm việc của Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành về ATVSTP thành phố, thông qua những vấn đề quan trọng trong Đề án quản lý an toàn thực phẩm đến năm 2020 từ trang trại đến bàn ăn cũng như công bố lộ trình, tiêu chuẩn đánh giá, xếp hạng đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Điều đó có nghĩa là chính quyền thành phố rất quyết liệt và đã có những hành động cụ thể, sự quan tâm đặc biệt đến bữa ăn của người dân và du khách. Vấn đề ATVSTP vốn có sự tham gia của rất nhiều cơ quan liên quan như Y tế, Công Thương, Quản lý thị trường, NN&PTNT và chính quyền quận huyện. Trong Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành về ATVSTP, mỗi cá nhân, đơn vị sẽ được phân nhiệm những vấn đề cụ thể, khi cần thiết sẽ có sự phối hợp để xử lý. Nhưng cái khó của Đà Nẵng trong thời gian qua, theo phản ánh của các đơn vị thành viên chính là sự chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu đầu mối trong quá trình quản lý, xử lý. Thậm chí là có một số vấn đề nhiều cơ quan cùng vào cuộc nhưng một số vấn đề khác lại không biết bắt đầu từ ai. Tại một số cuộc họp, có khi cơ quan Quản lý thị trường, Sở Công Thương và Chi cục ATVSTP tranh cãi “nảy lửa” về thẩm quyền, chức năng thanh tra, kiểm tra.

Khách quan mà nói, ATVSTP là câu chuyện không hề đơn giản. Nó không riêng những thứ đã xuất hiện trên bàn ăn mà còn là nguồn gốc của nguyên liệu, là quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản, là cái bếp, đôi tay của người làm bếp... Trong một số cuộc họp, lãnh đạo Chi cục ATVSTP đã từng thông báo là có những khách sạn 4 sao vẫn không đáp ứng nhiều tiêu chí trong chế biến món ăn, khu bếp, khu chứa đồ thải, khu lưu mẫu và thậm chí là cái bàn ăn. Khi đã xảy ra vụ việc thì việc xử phạt bao nhiêu cũng chỉ là biện pháp chế tài theo quy định. Chuyện món ăn gây ra ngộ độc, nguyên nhân ngộ độc hay thậm chí là quán ăn, nhà hàng để xảy ra vụ việc rồi người ta cũng sẽ quên đi. Nhưng sẽ rất nhiều người nhớ đến nơi đã khiến hàng chục khách du lịch phải nhập viện do ngộ độc thức ăn. Đó là Đà Nẵng! Dù nhà hàng, quán ăn có bồi thường tiền cho khách, đại diện chính quyền thành phố động viên thăm hỏi thì những ấn tượng về điểm đến an toàn, cái mà chúng ta dày công xây dựng, chắc chắn cũng bị sụt giảm.

Nhân lực cho vấn đề ATVSTP đang được thành phố quan tâm xây dựng, có thể sẽ không thiếu về số lượng, nhưng chắc chắn phải có cách vận hành đồng bộ, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả. Vì đây là một “chân kiềng” trong chương trình “thành phố 4 an” mà Đà Nẵng đang xây dựng.

CÔNG KHANH