Khu công nghiệp Tam Thăng “bức tử” suối Ba La
Mấy năm qua, người dân xã Tam Thăng (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) bức xúc trước tình trạng Khu công nghiệp (KCN) Tam Thăng xả nước thải gây ô nhiễm dòng suối Ba La. Mới đây, ngày 13-1, dòng nước thải từ KCN này lại chảy ra suối Ba La khiến cá chết hàng loạt.
Vị trí cống xả nước thải của KCN Tam Thăng ra suối Ba La có màu đen,bốc mùi hôi của hóa chất. |
Theo phản ánh của người dân, trong 2 ngày 13 và 14-1, chúng tôi đã đến dòng suối Ba La nhận thấy nhiều loại cá rô phi, ngạnh, mại... chết nổi trắng cả dòng suối. Nước chảy trong suối có màu đen bốc mùi nồng nặc của hóa chất. Chúng tôi đến vị trí mương xả nước thải từ KCN Tam Thăng ra suối Ba La nhận thấy dòng nước có màu đen đục, mùi hôi của hóa chất rất nặng sộc vào mũi khiến chúng tôi ngạt thở.
Tiếp xúc với chúng tôi, ông Lê Minh Cảnh (49 tuổi, trú thôn Tân Thái, xã Tam Thăng) cho biết, sáng 13-1, người dân phát hiện cá trên suối Ba La chết hàng loạt nên gọi báo chính quyền địa phương. Theo người dân địa phương, hơn 5 năm qua, từ khi KCN Tam Thăng đi vào hoạt động, nước thải từ tuyến mương của KCN Tam Thăng chảy ra có màu đen, mùi hóa chất bốc ra nồng nặc khiến cá trên suối chết nhiều. Dòng suối bị ô nhiễm nên người dân không dám bắt cá ăn vì sợ nhiễm bệnh, vịt uống nguồn nước ô nhiễm cũng chết nên người dân cũng bỏ nghề. Lúc phát hiện KCN xả nước thải gây ô nhiễm dòng suối Ba La, Phòng Tài nguyên môi trường TP Tam Kỳ đã về kiểm tra, nhưng sau đó đều kết luận rằng nguồn nước “đạt chuẩn” cho phép.
Căn nhà nằm cách suối Ba La khoảng 50m, bà Lê Thị Lan (52 tuổi, trú thôn Tân Thái) bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dòng suối này. Bà Lan chia sẻ: “Do nằm gần suối Ba La bị ô nhiễm nên nguồn nước ngầm cũng có mùi hôi không thể sinh hoạt được. Nhiều năm qua, gia đình phải mua nước chai về uống, nấu ăn, còn giặt giũ đành chấp nhận sử dụng nguồn nước này. Cách đây 2 tháng, nguồn nước sạch được đưa về thôn nên cuộc sống đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, hằng ngày người dân ở đây phải cam chịu mùi hôi thối bốc ra từ khu xử lý chất thải của KCN Tam Thăng có mùi hôi khét rất khó chịu. Sống gần KCN này, nhiều người dân đã mắc nhiều căn bệnh lạ, ai cũng mong muốn sớm được di dời đi nơi khác sinh sống”.
Cá chết nổi trắng suối Ba La ngày 13-1. |
Về sự việc này, ông Phan Văn Năm- Trưởng thôn Tân Thái, bức xúc bày tỏ, sáng 13-1, người dân phát hiện cá trên suối Ba La chết nổi trắng bốc mùi hôi thối từ đầu cầu Tân Thái (nằm ngay vị trí cống xả nước thải của KCN) đến tới sông Đầm. Đáng nói, dòng suối Ba La chỉ bị ô nhiễm từ đoạn mương xả nước thải xuống sông Đầm dài khoảng 3km qua địa phận 3 thôn: Tân Thái, Vĩnh Bình, Thăng Tân. Nhận phản ánh, nhân viên Cty môi trường và Khu kinh tế mở Chu Lai đi vớt xác cá trên dòng suối để tránh gây ô nhiễm.
Cũng theo người dân địa phương, họ đã nhiều lần phản ánh tình trạng KCN Tam Thăng xả nước thải gây ô nhiễm dòng suối Ba La, nhưng sự việc không có thay đổi mà ngày càng phức tạp hơn. Nguồn nước ngầm cũng bị ô nhiễm khiến cuộc sống của người dân sống gần KCN gặp rất nhiều khó khăn. Hơn thế, mùi hôi thối bốc ra từ khu xử lý chất thải của KCN Tam Thăng ảnh hưởng đến khu dân cư, không ai chịu nổi. Nhất là thời điểm trời mưa, gió Lào thổi xuống có mùi hôi thối kinh khủng, người dân đã cam chịu nhiều năm qua, bức xúc lắm!
Liên quan đến vụ việc, ông Phạm Thế Mẫn - Trưởng Phòng TN&MT TP Tam Kỳ cho biết, sau khi nhận thông tin, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng xuống hiện trường kiểm tra và ghi nhận tình trạng cá chết hàng loạt trên suối Ba La. Đơn vị đã lấy mẫu nước và xử lý cá chết trên suối Ba La để tránh tình trạng gây ô nhiễm. Hiện Trung tâm quan trắc và môi trường TP Tam Kỳ đang xét nghiệm mẫu và tìm nguyên nhân dẫn đến cá chết. Đơn vị cũng đang làm báo cáo đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo cho Công an TP Tam Kỳ phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường tỉnh vào cuộc điều tra, làm rõ.
Được biết, tỉnh Quảng Nam đang có hướng quy hoạch, phục hồi hệ sinh thái sông Đầm để bảo tồn hệ sinh thái, định hướng phát triển du lịch. Thế nhưng, dòng suối Ba La đang bị ô nhiễm chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái của sông Đầm. Chính vì vậy, tỉnh Quảng Nam cần sớm có biện pháp xử lý tình trạng ô nhiễm tại suối Ba La.
LÊ VƯƠNG