Khuyến cáo người dân tiêm vaccine phòng dại, xử lý vết thương đúng cách khi bị chó cắn

Thứ bảy, 28/12/2024 08:34

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Gia Lai vừa ghi nhận 2 trường hợp tử vong do bệnh dại, nâng tổng số ca tử vong từ đầu năm 2024 đến nay lên 9 trường hợp. Đây là hồi chuông cảnh báo về sự cần thiết của việc tiêm phòng bệnh dại và xử lý vết thương đúng cách sau khi bị động vật cắn.

Hai trường hợp tử vong được ghi nhận vào chiều 26-12, gồm ông Đ.K. (cư trú tại thôn 3, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) và ông N.T.K. (61 tuổi, cư trú tại tổ 7, phường Trà Bá, thành phố Pleiku). Cả hai bệnh nhân đều không tiêm phòng dại sau khi bị chó cắn, dẫn đến tử vong sau khi xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng của bệnh...

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Gia Lai, hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh dại ở tỉnh đều không được tiêm phòng sau khi bị động vật cắn hoặc xử lý vết thương không đúng cách. Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus dại gây ra, lây từ động vật sang người qua vết cắn, liếm vào vùng da tổn thương. Khi các triệu chứng lâm sàng xuất hiện, bệnh gần như dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, bệnh dại hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu người dân được tiêm vaccine kịp thời. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, ngay khi bị động vật cắn hoặc cào, người dân cần rửa sạch vết thương dưới vòi nước chảy liên tục bằng xà phòng trong ít nhất 15 phút, sát trùng bằng dung dịch cồn hoặc povidone-iodine. Sau đó, người dân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm vaccine phòng bệnh dại kịp thời. Việc tự nặn máu hoặc sử dụng các biện pháp dân gian không có tác dụng thay thế tiêm phòng và có thể làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.

Bên cạnh đó, người dân cần chủ động tiêm phòng dại định kỳ cho chó, mèo nuôi trong nhà, hạn chế tiếp xúc với động vật nghi mắc bệnh dại.

H.Đ-B.T